(TN&MT) - Tại Sơn La, từ nhiều năm nay, Cơ sở chế biến cà phê Thu Thủy và nhiều cơ sở chế biến cà phê khác đang hàng ngày thải trực tiếp nước thải chưa xử lý ra môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước cấp sinh hoạt cho hơn 10.000 hộ dân TP.Sơn La và huyện Thuận Châu.
Theo thống kê của UBND huyện Thuận Châu, hiện trên địa bàn huyện có 9 cơ sở chế biến cà phê có quy mô tương đối lớn, trong đó Cơ sở chế biến cà phê Thu Thủy (bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi) có công suất lớn nhất với trên 20 tấn quả cà phê/ngày; đồng thời cũng là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất tới nguồn nước sinh hoạt của người dân.
Vỏ cà phê được cơ sở Thu Thủy đổ trực tiếp ngay gần đường quốc lộ 6, giữa khu dân cư |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Tài nguyên &Môi trường, Cơ sở chế biến cà phê Thu Thủy tọa lạc ngay trục đường Quốc lộ 6, ngay tại khu vực đầu nguồn nước của Nhà máy nước TP.Sơn La. Cơ sở này có diện tích khoảng 15.000m2, gồm 1 dàn máy xát, 2 lò sấy cà phê, 1 sân phơi, 3 ao chứa nước thải, rửa, sàng, đãi cà phê, sơ chế cà phê theo phương pháp ướt. Chủ cơ sở Thu Thủy đã mua lại một mảnh đất của người dân ở vị trí đối diện cơ sở để làm nơi đổ vỏ cà phê và nước thải. Qua quan sát, vỏ cà phê được đổ ngay gần nhà dân, sát lề đường, mùi bốc lên rất khó chịu. Trong khi đó, nước thải được dẫn trực tiếp tới 2 ao chứa, được xử lý lót bạt đơn giản nên khu vực này nước thải có màu đen ngòm, đặc sệt, bốc mùi nồng nặc.
Ao chứa nước thải của Cơ sở Thu Thủy chỉ được lót bạt tạm thời, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường |
Anh Vũ Minh Sơn, người dân bản Đông Hưng, bức xúc cho biết: Cứ đến mùa vụ cà phê là cơ sở này hoạt động cả ngày lẫn đêm. Mùi khói từ các ống lò, mùi vỏ cà phê khiến đời sống sinh hoạt của chúng tôi bị xáo trộn. Nhất là khi trời mưa, có lần nước thải tràn cả vào nhà dân. Hay mỗi khi họ chở vỏ cà phê đi đổ thì nước thải lẫn vỏ cà phê rải đầy ra đường. Vườn tược một số hộ dân sống xung quanh cũng bị ảnh hưởng do nguồn nước thải từ cơ sở chế biến cà phê này.
Ông Bùi Đình Thảo, Bí thư Chi bộ bản Đông Hưng cho hay: Khi người dân phản ánh, đại diện Cơ sở chế biến cà phê Thu Thủy đã trả lời người dân là họ không có điều kiện để nâng cấp hệ thống xử lý xả thải, mà chỉ đào 2 bể to lót bạt xử lý tạm thời .
Một ao chứa nước thải khác của cơ sở Thu Thủy có màu đen đặc, bốc mùi khó chịu |
Ngoài ra, trên địa bàn TP. Sơn La, nhiều cơ sở cũng ngang nhiên xả thải nước sơ chế cà phê ra môi trường. Tại con suối ven đường quốc lộ 6, thuộc địa phận bản Noong La, phường Chiềng Sinh, nước thải cà phê chảy ra đen ngòm. Một hộ dân sống ngay sát suối, cho biết: “Mùi hôi thường bốc lên rất khó chịu, nhất là vào thời điểm chiều tối và ban đêm. Nhiều hôm gia đình chúng tôi phải đóng chặt cửa. Một số hộ gia đình ngay cạnh bên không chịu được mùi hôi thối từ cơ sở chế biến cà phê gần đó, phải chuyển tạm đến sống ở nơi khác, sinh sống, chờ đến hết mùa cà phê thì chuyển về”.
Ông Nguyễn Tiến Hán, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn La cho biết: Việc ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của thành phố do cơ sở chế biến cà phê Thu Thủy đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2009 và tình hình trở nên nghiêm trọng từ năm 2012 tới nay. Tháng 12/2012, Nhà máy nước TP.Sơn La đã phải tạm dừng sản xuất 40 giờ đồng hồ để khắc phục ô nhiễm, 2/3 số hộ dân ở TP.Sơn La bị thiếu nước sinh hoạt; trong năm 2013, 2014 phải ngừng sản xuất từ 1-2 lần, mỗi lần từ 12-24 giờ, có đợt phải ngừng 36 giờ; tháng 10, 11/2015, ngừng cung cấp nước sạch 5 lần, trong đó lần dài nhất kéo dài 15 tiếng.
Sau khi biết nguồn nước sinh hoạt của TP.Sơn La bị ô nhiễm do các cơ sở chế biến cà phê, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, UBND TP.Sơn La và UBND huyện Thuận Châu vào cuộc để xử lý. Tuy nhiên, đến nay tình hình ô nhiễm môi trường, đặc biệt nước thải chưa qua xử lý của các cơ sở chế biến cà phê, đặc biệt là Cơ sở Thu Thủy vẫn chưa có dấu hiệu “thuyên giảm”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Ngọc Chung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Sơn La (cơ quan Thường trực, Ban chỉ đạo Cấp nước an toàn tỉnh) cho biết: Ngay từ năm 2012, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo quyết liệt việc xử lý các cơ sở chế biến cà phê gây ô nhiễm môi trường, nhưng tới nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có chế tài xử phạt cụ thể với các trường hợp vi phạm này. Ngoài ra, hoạt động sản xuất chế biến cà phê nhỏ lẻ, không tập trung, mang tính thời vụ…
Riêng trường hợp Cơ sở Chế biến Cà phê Thu Thủy, đã nhiều lần bị lực lượng chức năng xử lý vi phạm hành chính do gây ô nhiễm môi trường. Trong đó, ngày 2/12/2014, UBND huyện Thuận Châu đã ban hành quyết định xử phạt đơn vị này với các các hành vi: Sử dụng đất sai mục đích; công trình xây dựng không giấy phép; không có cam kết bảo vệ môi trường...
Khu vực suối thuộc địa phận xã Noong La, phường Chiềng Sinh, TP. Sơn La cũng có hiện tượng ô nhiễm do sơ chế cà phê |
Tuy nhiên, đến nay, Cơ sở chế biến cà phê Thu Thủy vẫn hoạt động bình thường và việc xả nước thải chưa qua xử lý vẫn diễn ra hàng ngày.
Trong khi đó, người dân TP.Sơn La vẫn phải chịu cảnh sống trong ô nhiễm, sử dụng nguồn nước không đạt tiêu chuẩn do Cơ sở chế biến cà phê Thu Thủy và các cơ sở chế biến cà phê khác gây ra. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Sơn La cần có những biện pháp quyết liệt hơn nữa để xử lý dứt điểm những cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho cuộc sống của người dân.
Bài & ảnh: Nguyễn Nga