Cơ quan nào có thẩm quyền thanh tra thuế?

03/09/2015 00:00

(TN&MT) - Luật sư Hồ Nguyên Lễ cho biết: "Qua tìm hiểu pháp luật về thanh tra và pháp luật về quản lý thuế có thể khẳng định rằng Chủ tịch UBND cấp tỉnh không...

 

(TN&MT) - Ngày 19/8, tỉnh Bình Dương đã công bố Kết luận thanh tra toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh và việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty Cổ phần Đại Nam; theo đó quyết định truy thu về thuế và xử phạt hành chính đối với Công ty CP Đại Nam hơn 99 tỉ đồng. Việc Đoàn Thanh tra do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thành lập, thanh tra toàn diện đối với Công ty CP Đại Nam trong đó có nội dung thanh tra thuế, liệu có đúng thẩm quyền và đúng qui định pháp luật về thanh tra hay không? PV Báo Tài nguyên & Môi trường đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Đoàn Luật sư TP.HCM.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ
Luật sư Hồ Nguyên Lễ

PV: Thưa Luật sư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 05/01/2015 thành lập Đoàn thanh tra, thanh tra toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh và việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty CP Đại Nam, trong đó có nội dung thanh tra thuế, liệu quyết định này có đúng thẩm quyền và đúng quy định pháp luật không?

Luật sư Hồ Nguyên Lễ: Để trả lời câu hỏi này trước tiên cần phải tìm hiểu kỹ các quy định của Luật Thanh tra, Luật quản lý thuế, Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân (Luật HĐND&UBND) xem có quy định nào giao thẩm quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền thanh tra thuế hay không?.

Theo Luật Thanh tra năm 2010 quy định về thẩm quyền ra quyết định thanh tra hành chính tại Điều 43 như sau: Thủ trưởng các cơ quan thanh tra nhà nước ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra để thực hiện quyết định thanh tra. Khi xét thấy cần thiết Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cũng có quyền ra quyết định thanh tra. Tại khoản 2 Điều 3 Luật Thanh tra qui định: Thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tại khoản 1 Điều 51 của Luật Thanh tra quy định về thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành gồm có: Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Sở và Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trường hợp cần thiết thì Bộ trưởng, Giám đốc Sở ra quyết định thanh tra.

Trong lĩnh vực thuế thì lại khác, trước hết cơ quan quản lý thuế được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật về thuế quy định. Luật quản lý thuế đã xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan quản lý thuế trong công tác thanh tra, kiểm tra. Luật quản lý thuế và Luật Thanh tra đều không giao quyền thanh tra về thuế cho Chủ tịch UBND các cấp, không phân cấp quyền thu thuế, truy thu thuế cho UBND các cấp…

Có thể thấy rằng, Luật Thanh tra không có quy định nào quy định thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Đối với thẩm quyền ra quyết định thanh tra hành chính thì Chủ tịch UBND tỉnh chỉ có thẩm quyền ra quyết định thanh tra trong phạm vi quản lý của mình.

Theo Luật quản lý thuế tại điểm b khoản 2 Điều 11 thì UBND cấp tỉnh chỉ có quyền kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thuế. Như vậy, việc kiểm tra về thuế phải tuân theo quy định tại các Điều 77, 78, 79 và Điều 80 của Luật quản lý thuế. Nghiên cứu Điều 77, 78, 79 và Điều 80 của Luật quản lý thuế, tôi thấy toàn bộ trình tự, thủ tục kiểm tra thuế trong Luật này là do cơ quan quản lý thuế các cấp tiến hành gồm: Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Chi cục Hải quan.

Qua tìm hiểu pháp luật về thanh tra và pháp luật về quản lý thuế có thể khẳng định rằng Chủ tịch UBND cấp tỉnh không có quyền ra quyết định thanh tra thuế hoặc có nội dung liên quan đến thuế đối với doanh nghiệp không có vốn của Nhà nước. Đối với thẩm quyền kiểm tra thì hiện nay pháp luật cũng không quy định rõ Chủ tịch UBND kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thuế được quy định ở đâu và tiến hành theo trình tự, thủ tục nào. Nhưng tôi khẳng định rằng, việc Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định thanh tra Công ty CP Đại Nam có nội dung thanh tra hành chính về thuế là không đúng quy định.

Khu du lịch Đại Nam
Khu du lịch Đại Nam

PV: Vậy còn Luật về HĐND&UBND và các qui định pháp luật khác qui định như thế nào về thanh tra thuế, thưa Luật sư?

Luật sư Hồ Nguyên Lễ: Tại khoản 4 Điều 82 Luật HĐND&UBND quy định UBND cấp tỉnh chỉ đạo, kiểm tra cơ quan thuế và cơ quan Nhà nước được giao nhiệm vụ thu ngân sách tại địa phương theo quy định của pháp luật. Đối với luật chuyên ngành Luật quản lý thuế năm 2006 qui định tại khoản 2 Điều 11 thì UBND các cấp chỉ có quyền kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thuế.

Có thể nói rằng, tất cả các doanh nghiệp dù là có vốn của nhà nước hay không có vốn của nhà nước đều phải chịu sự thanh tra. Tuy nhiên, việc thanh tra phải tiến hành theo đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Thực tế thì Công ty CP Đại Nam là doanh nghiệp không có vốn của Nhà nước và không phải là đơn vị trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương (cơ quan quản lý nhà nước) nên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương (Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước) ra quyết định thanh tra hành chính có nội dung thanh tra về thuế là không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, là vi phạm khoản 2 Điều 13 của Luật Thanh tra: “Thanh tra không đúng thẩm quyền, phạm vi, nội dung thanh tra được giao”.

Trên đây là ý kiến riêng của cá nhân tôi, Công ty CP Đại Nam vẫn có quyền khiếu nại theo qui định pháp luật nếu họ không đồng ý về thẩm quyền và Kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.

Trân trọng cảm ơn Luật sư!

CUỘC THANH TRA DO THANH TRA TỈNH TIẾN HÀNH KÉO DÀI KHÔNG QUÁ 70 NGÀY

Thời hạn thanh tra là khoảng thời gian được Luật Thanh tra xác định rõ cho mỗi cuộc thanh tra hành chính theo thẩm quyền, đây là một trong những vấn đề mà các Đoàn thanh tra hay “mắc” phải trong quá trình thực hiện Quyết định thanh tra.

Tại khoản 1, Điều 45 Luật Thanh tra năm 2010 thời hạn tiến hành một cuộc thanh tra được quy định như sau:

"Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 60 ngày, trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài, nhưng không quá 90 ngày. Đối với cuộc thanh tra đặc biệt phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài, nhưng không quá 150 ngày;

Cuộc thanh tra do thanh tra tỉnh, thanh tra Bộ tiến hành không quá 45 ngày, trường hợp phức tạp thì kéo dài nhưng không quá 70 ngày;

Cuộc thanh tra do thanh tra huyện, thanh tra Sở tiến hành không quá 30 ngày, ở miền núi biên giới hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn thanh tra có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày;

Thời hạn cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra, đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra; việc kéo dài thời gian thanh tra do người ra quyết định thanh tra quyết định".

Tuy nhiên, Đoàn Thanh tra tỉnh Bình Dương được thành lập theo Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 5/1/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tiến hành thanh tra tại Công ty CP Đại Nam từ ngày 8/1/2015 đến ngày 13/5/2015; kéo dài 5 tháng (150 ngày).

 

 

Việt Đức (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ quan nào có thẩm quyền thanh tra thuế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO