(TN&MT) - Các cổ đông tại Công ty cổ phần Nhựa Y tế (Mediplast) cho rằng có lợi ích nhóm, nhiều vấn đề không minh bạch gây ảnh hưởng trực tiếp đến các cổ đông, thất thoát tài sản Nhà nước trong thương vụ M&A (mua bán sáp nhập) với Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam (Vinamed).
Trước đó, đại diện nhóm cổ đông nhỏ của Mediplast, bà Lê Thị Minh Châu (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh, sau khi cổ phần hóa vào năm 2006, doanh nghiệp này có vốn điều lệ 16,5 tỷ đồng (tương đương 1,65 triệu cổ phần), trong đó Nhà nước nắm giữ 48% và số cổ phần này do Vinamed quản lý.
Tại đại hội cổ đông bất thường vào tháng 10/2016, ông Phạm Quang Huy - Chủ tịch HĐQT Mediplast tuyên bố Vinamed đã mua thêm khoảng 21% cổ phần, tăng tỉ lệ nắm giữ cổ phần lên khoảng 69%.
Theo đánh giá của Ban điều hành Mediplast, việc sáp nhập xuất phát từ nhu cầu thực tế kinh doanh và sẽ giúp cho doanh nghiệp này có được những bước phát triển lớn mạnh hơn, bởi những năm qua, doanh nghiệp có năng lực sản xuất, có nhu cầu đầu tư để mở rộng sản xuất để đa dạng hoá sản phẩm nhưng lại hạn chế về nguồn vốn, khả năng quản trị, mối quan hệ với các đối tác quốc tế.
Lô đất 2.863 m2 của Mediplast tại phố Lương Định Của (phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội). |
Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, Mediplast một doanh nghiệp uy tín trong nghành y tế bị xóa sổ, còn tỷ lệ vốn nhà nước tại Vinamed chỉ sau 9 tháng cổ phần hóa giảm từ 20% xuống còn 14%.
Theo ý kiến của các cổ đông, việc giảm tỷ lệ vốn Nhà nước tại Vinamed là trái với Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa của Thủ tướng Chính phủ số 2265/QĐ-TTg ngày 15/12/2015 trong đó nêu rõ “Nhà nước nắm giữ 1.760.000 cổ phần, chiếm 20% vốn điều lệ”. Mặt khác, để có thể thay đổi vốn Nhà nước sở hữu tại Vinamed khác với tỷ lệ 20%, Công ty và người đại diện vốn Nhà nước tại Vinamed cần phải xin phép và có sự phê duyệt đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý vốn Nhà nước có thẩm quyền, trước khi thực hiện thay đổi tỷ lệ”.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo của 2 Công ty đã thông đồng thực hiện việc sáp nhập, khiến cho tỷ lệ vốn Nhà nước giảm xuống đồng nghĩa với việc làm trái với quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất mặc dù trước đó tại Quyết định số 2265/QĐ-TTg ngày 15/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Vinamed yêu cầu việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng phải được thực hiện theo phương thức bán đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán”.
Các cổ đông cho rằng, việc bán cổ phiếu Mediplast mà không xin phép cơ quan quản lý vốn Nhà nước và không tiến hành đấu giá công khai có thể dẫn đến cổ phiếu bị định giá thấp hơn thị trường và bán rẻ tài sản Nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ trục lợi cá nhân, nguy cơ gây thất thoát vốn và tài sản Nhà nước.
Bên cạnh đó, nhóm cổ đông này cũng cho rằng, khi sáp nhập 2 doanh nghiệp, số lượng cổ phần giữ nguyên không thay đổi, nhưng tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại Vinamed giảm 6%. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của Nhà nước trong việc quản lý, giám sát nguồn vốn đầu tư vào doanh nghiệp.
Toàn bộ hệ thống của nhà xưởng và cơ sở hạ tầng của Mediplast đã bị thay đổi. |
Theo đánh giá, việc "liên kết lợi ích" của một số cá nhân nắm giữ chức vụ cao có quyền quyết định trong công ty nhằm trục lợi đã khiến lợi nhuận của Mediplast giảm mạnh và các chi phí tăng lên một cách đáng ngờ.
Cũng theo phản ánh của các cổ đông, việc sáp nhập Mediplasts vào Vinamed mặc dù gặp phải sự phản đối của nhiều cổ đông tại đại hội, nhưng Chủ tịch Hội đồng quản trị Mediplast Phạm Quang Huy vẫn ngang nhiên bỏ qua các quy định của pháp luật và không cho các cổ đông phát biểu tiếp với lý do hết thời gian thảo luận và chuyển sang biểu quyết để thông qua việc sáp nhập.
Bên cạnh đó, việc sáp nhập cũng không được thẩm định giá một cách công khai, công bằng về các thiết bị máy móc, bất động sản. Sau khi sáp nhập, Vinamed đã chiếm dụng toàn bộ phần đất của Mediplast và nhà máy tại Từ Sơn Bắc Ninh với quy mô lô đất 13.719 m2 tại Khu công nghiệp Đại Đồng, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, Bắc Ninh đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tháng 4/2017 (sau khi chia tách và chuyển nhượng). Hợp đồng thuê đất (ký với nhà nước) số: 83/HĐ- TP tháng 11/2014 và thời hạn thuê đất Từ 18/11/2014 - 12/9/2057 và lô đất 2.863 m2 tại mặt phố Lương Định Của ( Đống Đa, Hà Nội) đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AB082646. Trên khu đất có nhà xưởng kiên cố 3 tầng với tổng diện tích sàn: 4050m 2, hợp đồng thuê đất ký năm 2004, Thời gian thuê là 30 năm từ 1/1/2004 - 1/1/2034.
Trước đó, việc sáp nhập Mediplasts vào Vinamed được kỳ vọng sẽ làm cho công ty phát triển hơn nhưng ngược lại khiến tình hình kinh doanh lại sa sút một cách trầm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của các cổ đông tại Công ty, hiện các cổ đông còn "mất tiền oan" từ chính khoản tiền đầu tư họ đang bỏ ra, đó là còn chưa nói đến việc thất thoát tài sản của Nhà nước.
Được biết, liên quan đến việc này, vào tháng 10/2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra, làm rõ và báo cáo sự việc trên tới Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/11/2017.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
Văn Khê - Hằng Nga