Doanh nghiệp - doanh nhân

Có nên áp thuế giá trị gia tăng 5% với mặt hàng phân bón?

PV 21/06/2024 - 22:40

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đang trình Quốc hội thảo luận có quy định chuyển phân bón và một số mặt hàng khác từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế suất 5%. Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu quy định này được thông qua sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp phân bón tăng khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường.

h01.jpg

Áp thuế 5% là quyết định đúng đắn

Chiều 17/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) sẽ chuyển phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển, các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế suất 5%.

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về nội dung này có 2 luồng ý kiến: Một luồng ý kiến đồng tình với nội dung của dự thảo Luật để giải quyết vướng mắc, bất cập kéo dài của chính sách thuế GTGT hiện hành đối với các ngành sản xuất trong nước về các hàng hóa này; Một luồng ý kiến không tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc áp dụng thuế suất 5% sẽ làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước.

ong-le-quang-manh.jpg
Ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội

Ủy ban Tài chính và Ngân sách đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc sửa đổi chính sách này, từ góc độ tác động đối với các ngành sản xuất trong nước cũng như từ góc độ tác động đối với người nông dân.

Trao đổi với báo chí, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái bình cho rằng, do mặt hàng phân bón không phải là đối tượng chịu thuế GTGT nên các chi phí đầu vào để sản xuất ra mặt hàng này không được khấu trừ về thuế. Đây chính là một điểm gây bất lợi cho doanh nghiệp và làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh. Do đó, theo đại biểu, việc đưa mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế GTGT vào đối tượng chịu thuế GTGT 5% như tờ trình của Chính phủ là quyết định đúng đắn, hợp lý.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, về mặt cảm quan, tăng thuế sẽ làm tăng giá sản phẩm, nhưng thực tế có thể không như vậy. Ví dụ, hiện nay doanh nghiệp không được khấu trừ thuế VAT đầu vào nên họ phải tính vào giá thành sản phẩm. Nếu đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT, doanh nghiệp được khấu trừ vào chi phí sản xuất giảm nên họ có dư địa lớn để cạnh tranh, giảm giá.

ong-phan-duc-hieu.jpeg
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái bình

Sự điều chỉnh này hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả cho ngành nông nghiệp để mọi người trong ngành đều được hưởng lợi tốt nhất, chứ không đơn thuần là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hay tăng giá, giảm giá.

Giải thích thêm về điều này, đại biểu Phan Đức Hiếu nói: "Tại sao trước đây phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, nay đưa vào đối tượng chịu thuế và áp thuế 5% lại có lợi hơn? Chúng ta hình dung ra, trước đây đối với nhóm mặt hàng này không chịu thuế nên hậu quả là các chi phí sản xuất ra mặt hàng phân bón không được khấu trừ về thuế, chính lại là một điểm gây ra bất lợi cho doanh nghiệp và làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh".

Đại biểu Phan Đức Hiếu lấy ví dụ, giả sử mặt hàng phân bón được đánh thuế 5% nhưng chi phí đầu vào áp với mức thuế VAT 8% đang được hưởng ưu đãi, thì được khấu trừ là 8%; đầu ra trả thêm 5% nhưng đầu vào họ được khấu trừ 8%. Như vậy, thấy ngay một điểm là chi phí sản xuất về mặt lý thuyết doanh nghiệp đã có lợi hơn một khoản chênh từ 2% đến 3% để giảm chi phí sản xuất, nên đây là một quyết định rất có lợi.

h03.jpg

Đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết thêm, trong quá trình thẩm tra tờ trình, nhiều đại biểu cho rằng việc đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT 5% có nguy cơ làm tăng giá phân bón. Tuy nhiên, chúng ta phải phân biệt chi phí sản xuất ra sản phẩm và giá bán là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế 5% sẽ có lợi cho doanh nghiệp và về mặt lý thuyết sẽ làm giảm chi phí sản xuất, góp phần giảm giá bán. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các sản phẩm thì đây là một cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường.

Việc phân bón không chịu thuế phát sinh nhiều bất cập

Tại tọa đàm: "Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp" vừa được báo Đầu Tư tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), cho hay đã từng có những tranh luận về việc áp thuế VAT với phân bón ở mức 5% có lợi hay không chịu thuế là có lợi.

ong-nguyen-van-phung.jpg
Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế)

Tại thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Phụng có khuyến cáo không thể đưa về 0% do theo thông lệ và cam kết quốc tế, chúng ta chỉ áp dụng cho hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, theo đúng nguyên tắc của thuế GTGT. Tuy nhiên, tại thời điểm ban hành Luật 71/2014, do không có đủ thông tin nên mặt hàng này từ diện chịu thuế VAT 5% đã không phải chịu thuế.

Từ thực tiễn thực hiện suốt 10 năm qua, ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho hay, việc phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT đã phát sinh nhiều bất cập. Trong đó, ngành nông nghiệp thiệt đơn thiệt kép và cuối cùng, người nông dân là đối tượng gánh chịu. Cụ thể, phân bón thuộc đối tượng "không chịu thuế GTGT" nên các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào là hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Điều này dẫn tới các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, tức là tính vào giá thành sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón lên.

ong-nguyen-tri-ngoc.jpg
Ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam

Vật tư đó chiếm khoảng 40 - 60% giá thành của các sản phẩm nông nghiệp, mà nó là sản phẩm thiết yếu đầu vào không thể thiếu được. Như vậy, nó tác động trực tiếp tới giá thành sản phẩm mà người nông dân làm ra. Cuối cùng người nông dân phải gánh chịu.

Ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DAP - Vinachem, cho hay ngay sau khi Luật 71/2014 ra đời, doanh nghiệp đã nhận thấy khó khăn và kiến nghị xem xét điều chỉnh. Dẫn chứng từ doanh nghiệp, toàn bộ chi phí đầu vào phải tính vào giá thành sản xuất, với mỗi năm làm tăng thêm khoảng 7-8%. Ước tính mỗi năm mất khoảng 100 tỉ đồng và trong suốt 10 năm nay số lũy kế lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

ong-nguyen-hoang-trung.jpg
Ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần DAP - Vinachem

Giá thành sản xuất tăng mà giá bán không điều chỉnh được, vì có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. Phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế, nên ngành sản xuất phân bón trong nước thời gian qua không làm chủ được thị trường. Phân bón nhập khẩu hình thành mặt bằng chung cho giá trên thị trường, chúng tôi bắt buộc phải chấp nhận theo.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Hoàng Trung cho biết, Luật thuế 71/2014 dẫn tới tất cả chi phí đầu tư nâng cấp nhà máy, nâng cao chất lượng sản phẩm đều không được hoàn thuế. Tất cả các khoản chi phí đầu vào của chi phí đầu tư cộng vào tổng mức đầu tư, đã làm hạn chế tính hiệu quả của dự án. Thực tế trong 10 năm qua không có nhiều doanh nghiệp phân bón lớn có quy mô được đầu tư, mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ.

Phân tích về việc tăng thuế phân bón liệu có làm tăng giá bán, một chuyên gia trong ngành cho rằng nếu dự thảo Luật thuế GTGT được thông qua tại kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024 và áp dụng từ năm 2025 thì dự báo thị trường phân bón bị ảnh hưởng trong quý IV/2024 do các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón sẽ tăng cường lượng nhập khẩu phân bón nhằm tránh nộp thuế GTGT.

h04.jpg

Với lượng dự trữ phân bón vào cuối năm 2024 ở mức cao nên khi phân bón được chuyển sang đối tượng chịu thuế GTGT từ ngày 1/1/2025 với mức thuế suất 5%, giá phân bón tại thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ không tăng lên tương ứng 5% mà có thể phải điều chỉnh giảm khi tồn kho đang ở mức cao. Bên cạnh đó, do các doanh nghiệp trong nước được giảm chi phí thuế GTGT đầu vào, giảm giá thành dẫn tới có thể giảm giá phân bón nhằm cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, bình ổn giá trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân yên tâm sản xuất.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có nên áp thuế giá trị gia tăng 5% với mặt hàng phân bón?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO