(TN&MT) - Ở vào giai đoạn cuối của mùa khô năm 2016, người dân tỉnh Gia Lai vẫn đang gồng mình để chống chọi với cơn đại hạn lịch sử. Mặc dù, vừa qua trên địa bàn đã xuất hiện mưa “vàng” giải nhiệt, nhưng tình hình người dân thiếu nước sinh hoạt và cây trồng héo khô vì không có nước tưới vẫn đang diễn ra ở hầu hết các địa phương của tỉnh. Dự kiến, khô hạn sẽ còn tiếp tục kéo dài đến giữa tháng 5, Gia Lai đang “khát”.
Bà Huỳnh Thị Tại đi xin nước nhà hàng xóm |
Theo Trung Tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, vào ngày 17 – 18/4, do ảnh hưởng của không khí lạnh, trên địa bàn Tây Nguyên đã có một lượt mưa trái mùa, tập trung chủ yếu ở khu vực Bắc Tây Nguyên. Tại tỉnh Kon Tum, mưa xuất hiện trên 2/3 diện tích với lượng mưa lớn nhất 20 – 40 mm; tại Gia Lai, có mưa ở 2/5 diện tích, lượng mưa phổ biến từ 5 – 15 mm; Đăk Lăk cũng có mưa nhưng không đều ở các địa phương; Đăk Nông và Lâm Đồng lượng mưa không đáng kể.
Theo ông Trần Trung Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên, Tây Nguyên là khu vực chịu ảnh hưởng nặng của hạn hán trong thời gian dài nên trận mưa này được xem như là “mưa vàng” giúp giải nhiệt và giảm mức độ khô hạn trong một số ngày nhất định. Tuy nhiên, những ngày tiếp theo, tình hình khô hạn vẫn sẽ tiếp tục trở lại.
Thiếu nước tưới, nhiều diện tích cà phê bị khô héo, tụt giảm năng suất. |
Mặc dù đã có mưa trái mùa, nhưng nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn “khát” vì thiếu nước. Đã 10 ngày nay, bà Huỳnh Thị Tại (phường Yên Thế, TP. Pleiku, Gia Lai) phải xách xô đi đến nhiều nhà hàng xóm xa gần để xin nước về dùng. Bà Tại cho biết, gia đình bà sinh sống ở đây đã mấy chục năm, xưa đến giờ vẫn dùng nước giếng đào. Chỉ duy nhất năm nay giếng bị cạn nước, cứ bơm được 5 phút là lên đầy bùn đất, không sử dụng được. Ngày nào cũng phải đi xin tạm nước ở các nhà khác để nấu nướng hàng ngày. “Không có nước, mọi sinh hoạt trong gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, nước đục thì dùng để tắm rửa, giặt quần áo. Nước đi xin về cũng không đủ để nấu nướng, ăn uống. Gia đình tôi phải tận dụng nước rửa rau để rửa chén và dội nhà vệ sinh”, bà Tại nói.
Cùng tình cảnh như nhà bà Tại là hộ nhà anh Dương Thanh Cường (cùng trú phường Yên Thế, TP. Pleiku, Gia Lai). Gia đình anh mới đào chuyển đến sống và đào giếng được 4 năm nay. Giếng sâu 13 m, nhưng đã hơn 10 ngày nay bị cạn khô, không còn nước để dùng. “Gia đình có 4 người, trong đó 2 đứa con còn nhỏ, nên mọi sinh hoạt đều tiết kiệm nước tối đa, nhường cho hai đứa con”, anh Cường cho hay.
Không chỉ thiếu nước sinh hoạt, hàng ngàn ha cà phê của người dân trên địa bàn tỉnh cũng đang khô héo vì thiếu nước tưới. Nhiều nhà vườn phải thay phiên nhau ở tại rẫy để chờ nước tưới. Gia đình anh Nguyễn Ảnh có 1 ha cà phê tại xã Ia Dêr, huyện Ia Grai (Gia Lai) chia sẻ: “Với tình trạng hạn hán kéo dài từ đầu năm đến nay, nguồn nước tưới cho cà phê rất khan hiếm, nước sông hồ và nước giếng đều cạn kiệt. Nhiều cây cà phê của gia đình đã héo, khô cành, sắp chết cây. Thiếu nước, hoa cà phê không bung được. Chắc chắn năm sau, cà phê sẽ thất thu”.
Thiếu nước tưới, nhiều diện tích cà phê bị khô héo, tụt giảm năng suất. |
Theo quy luật nhiều năm tại tỉnh Gia Lai, vào thời điểm này thường đã có từ 6 – 8 trận mưa trái mùa với tổng lượng mưa khoảng 80 – 120 mm. Nhưng năm nay mới chỉ có 2 – 3 trận mưa trên diện tích nhỏ, lượng mưa thấp, chỉ bằng 1/3 so với nhiều năm, mức độ hạn hán cao. Ông Trần Trung Thành cho biết thêm: “Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục nắng nóng và không có mưa. Đến cuối tháng 4, khả năng sẽ có mưa rào trên diện rộng chuyển mùa. Theo dự báo của Trung tâm, đến giữa tháng 5, mùa mưa Tây Nguyên mới bắt đầu, muộn hơn quy luật từ 10 – 15 ngày”.
Trước diễn biến thời tiết khắc nghiệt này, ông Thành cũng khuyến cáo người dân, tháng 4 là thời điểm nguồn nước ngầm cạn kiệt nhất, bà con nhân dân phải dùng nước tiết kiệm, chủ động phòng chống hạn trong thời gian tiếp theo. Đồng thời, bà con phải lưu ý, không nên vội gieo trồng ở những nơi có mưa trái mùa, phải nghe theo khuyến cáo của cơ quan chức năng về thời gian gieo trồng để đảm bảo cây trồng không bị chết và phát triển tốt.
Bài & ảnh: Quế Mai