Sự đổi thay nhanh chóng từ các thôn xóm, đời sống của người dân nâng cao, nghèo đói được đẩy lùi, là nhờ sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và người dân trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà trọng tâm là dồn điền đổi thửa và chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Trước đây, các hộ dân sản xuất nông nghiệp ở xã Tào Sơn phần lớn đều có 7 đến 9 thửa ruộng nhỏ nằm cách xa nhau, vì vậy rất khó khăn trong việc gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và năng suất không cao do thiếu đầu tư, sản xuất manh mún. Thực hiện việc dồn điền đổi thửa các mảnh ruộng nhỏ đã được góp lại trên một thửa ruộng lớn tạo ra những vùng sản xuất quy mô lớn, góp phần thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân, cũng từ đó đời sống người dân ngày càng được nâng cao và ổn định.
Xã Tào Sơn với 511 hộ nhưng chỉ có 4 ha đất nông nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của huyện Anh Sơn trong cuộc vận động người dân dồn điền đổi thửa, chuyển đổi ruộng đất góp phần xây dựng nông thôn mới, đến nay, 12/12 thôn đã hoàn thành việc chuyển đổi ruộng đất; tất cả 1.033 hộ đang sử dụng đất nông nghiệp thực hiện dồn điền đổi thửa.
Xã cũng đóng và cắm 1.200 cọc bê tông trên các tuyến giao thông thủy lợi nội đồng. Nhân dân địa phương cùng tham gia đóng góp 25 ngày công liên tục để làm giao thông thủy lợi nội đồng, xây dựng trục đường chính nội đồng có chiều rộng đường theo mặt ruộng là 4m, có chiều dài là 17.919m gồm 45 tuyến; xây dựng mương tưới rộng 1,5m với tổng chiều dài là 6.120m phục vụ nước tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp.
UBND xã cho biết, để thực hiện việc dồn điền đổi thửa thành công và nhanh chóng trên phạm vi toàn xã là nhờ sự đồng sức đồng lòng của người dân và chính quyền địa phương. Qua các buổi họp, tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện dồn điền đổi thửa, mỗi hộ gia đình ai cũng hiểu dồn điền đổi thửa sẽ tạo thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp từ khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch đều không phải tốn công sức nhiều như khi sản xuất ở các thửa ruộng nhỏ. Hiện nay, tại xã Tào Sơn, sản lượng và năng suất cây trồng đã tăng gấp 3 đến 4 lần so với trước khi chưa dồn điển đổi thửa, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, đói nghèo được đẩy lùi, người dân phấn khởi.
Cùng với việc thực hiện dồn điền đổi thửa, xã Tào Sơn còn vận động người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao năng suất, tạo bước chuyển đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Trước đây, bà con trong xã cùng với việc trồng lúa trên diện tích ổn định thì diện tích hoa màu hàng năm chủ yếu là trồng cây dưa hấu nhưng năng suất thấp, hiệu quả không cao. Xác định cây sắn và cây bí là một trong những cây trồng thế mạnh của địa phương, xã vận động người dân chuyển đổi trồng từ cây dưa hấu sang trồng cây sắn và cây bí xen kẽ nhau ở những thửa đất khô cằn, đồi vệ. Cùng với phục vụ nhu cầu người dân địa phương, sắn và bí là những cây trồng có lợi thế trong việc tiêu thụ sản phẩm, cây sắn đã có nhà máy của huyện Thanh Chương về tận nơi thu mua với giá phù hợp, còn bí được nhân dân trong xã trồng nên cũng có 2 cơ sở ngay tại địa phương chuyên thu mua để nhập bán cho các tỉnh phía bắc với giá thành cao và ổn định.
Có được thành quả như ngày hôm nay đó là nhờ sự đồng sức, đồng lòng của chính quyền địa phương và nhân dân. Từ việc sớm hoàn thành dồn điền đổi thửa kết hợp với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đời sống người dân ngày càng cải thiện, đói nghèo được đẩy lùi. Đây là tiền đề, nền tảng cho việc hoàn thành các chỉ tiêu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.