Có một cây là có rừng

Phương Anh| 14/12/2021 08:57

(TN&MT) - "Cây xanh không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn mang lại những lợi ích vô cùng to lớn về sinh thái, cảnh quan và môi trường, giúp điều hòa khí hậu, bảo vệ con người khỏi các tai biến thiên nhiên".

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tại Lễ ra quân trồng rừng ngập mặn ứng phó biến đổi khí hậu hưởng ứng Chương trình “Trồng 1 tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh” vừa diễn ra ngày 12/12, tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Lễ ra quân lần này có ý nghĩa rất lớn khi lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông điệp và hành động chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Trong đó, trồng rừng ngập mặn vừa dựng “bức tường xanh chắn sóng” vừa là giải pháp “mềm” trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, việc mỗi người trồng một cây, mỗi nhà trồng vài cây để tiến gần tới mục tiêu trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm tới theo sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) là một việc làm cấp thiết góp phần chung tay bảo vệ môi trường.

 

Thực tiễn, những năm gần đây, cả nước đã xuất hiện những phong trào “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam”, “1 triệu cây xanh - Thêm cây, thêm sự sống…”, “Gia đình trồng cây xanh”… do các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phát động. Đến hôm nay, Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh đã và đang tiếp thêm động lực để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa cho các phong trào hiện có.

Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả Chương trình này, cây xanh phải được trồng bù vào những cánh rừng đã mất, phủ xanh lại những đồi trọc. Trồng cây xanh như một phần phục hồi rừng làm lá chắn chống lũ lụt chứ không phải trồng cây cảnh, trồng cây làm kinh tế. Rõ ràng, những rừng keo, rừng tràm, cao su, bạch đàn giúp cải thiện đời sống nhưng không ngăn cản được lũ ống, lũ quét như rừng tự nhiên. Trồng cây để phục hồi được diện tích rừng đã mất, đó mới là kế sách lâu dài và bền vững cho tương lai.

Dân số Việt Nam hiện nay khoảng trên 98 triệu người, để có 1 tỷ cây xanh trong 1 năm, mỗi năm, mỗi người sẽ phải trồng khoảng 2,5 cây. Trừ đi số trẻ em, người già, 1 người trong độ tuổi lao động sẽ trồng khoảng 5 cây xanh mỗi năm. Con số đó không quá lớn. Song, làm thế nào để mọi người Việt đều muốn trồng cây và trồng thật sự?

Có lẽ, đã đến lúc phát động một cuộc "cách mạng" về tái tạo rừng xanh với sự tham gia của toàn dân. Phải thấy rằng, trồng cây, phục hồi rừng bây giờ là yêu nước. Ai cũng có thể nói rằng mình yêu nước, đây là lúc để thể hiện tinh thần đó. Ai cũng thấy được trách nhiệm của mình và sẵn sàng hành động. Khi bão lũ xảy ra, muôn vạn cánh tay đưa lên để cứu trợ đồng bào bị thiệt hại, muôn vạn cánh tay đó, cần phải đưa lên hưởng ứng tham gia trồng cây xanh, phòng chống vẫn hơn khắc phục hậu quả.

Trồng 1 cây xanh đã khó. Trồng 1 tỷ cây xanh còn khó muôn phần. Và giữ cho chừng đó cây sống được, hình thành những cánh rừng khỏe mạnh để phát huy hiệu quả ngăn ngừa lũ lụt càng khó hơn. Làm thế nào để trồng cây trở nên thực chất? Với tất cả băn khoăn trên, một tỷ cây xanh chỉ thành hiện thực nếu nó trở thành từ khóa kèm kế hoạch hành động chi tiết, công khai và nghiêm túc. Giáo dục môi sinh bắt đầu từ việc thay đổi sâu sắc nhận thức của mọi công dân về môi trường và khí hậu - đối tác sinh tồn của mỗi chúng ta.

“Rừng co - lũ to”, hay nói rõ ra là mất rừng thường đi liền với nhiều hệ lụy. Những trận lũ quét, sạt lở đất nhiều nơi thời gian qua ở khắp mọi miền đất nước đang cảnh tỉnh con người trước môi trường sinh thái bị suy thoái, trong đó, có việc mất rừng. Vậy nên, ngay từ bây giờ, mỗi người một tay, cùng chăm sóc, cùng nhau bảo vệ những cánh rừng xanh, để hạn chế hiểm họa từ thiên nhiên.

Trồng 1 cây xanh hôm nay là gieo thêm 1 mầm hạnh phúc cho ngày mai!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có một cây là có rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO