Để hiểu hơn về quyết định mang tính lịch sử này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với ông Hồ Hữu Huy - Cố vấn phát triển chính sách toàn cầu về nhựa của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam).
PV: Xin ông cho biết những nội dung cơ bản của Nghị quyết 5/14 của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc, được thông qua tại kỳ họp thứ V của Hội đồng trong tháng 3/2022 về thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa?
ông Hồ Hữu Huy: Nghị quyết 5/14 được Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc chính thức thông qua trong tháng 3/2022 có tiêu đề “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ quốc tế có tính ràng buộc pháp lý”. Trong phần mở đầu, Nghị quyết nhấn mạnh tầm nghiêm trọng của các ảnh hưởng do ô nhiễm nhựa gây ra trên toàn cầu, cũng như quan ngại của tất cả các quốc gia về tác hại của ô nhiễm nhựa đến môi trường lẫn sức khoẻ con người. Các chứng cứ và thảo luận của chuyên gia trong những năm qua cho thấy, cần có những luật lệ ở cấp toàn cầu để giải quyết vấn đề triệt để và hiệu quả.
Trong phần ra quyết định, Nghị quyết đề nghị Giám đốc điều hành của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc triệu tập Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ (UBĐPLCP), để xây dựng một công cụ quốc tế có tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển (nghĩa là, Hiệp ước sẽ cần giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa trong tất cả các thành phần môi trường, bao gồm cả môi trường biển). UBĐPLCP sẽ bắt đầu làm việc từ nửa cuối năm 2022 với kỳ vọng hoàn thành công việc vào cuối năm 2024. Và như vậy, Hiệp ước có thể sẽ được chính thức ký kết trong năm 2025.
Một số điểm nổi bật trong nội dung Quyết định có thể được chỉ ra như sau. Thứ nhất, Nghị quyết đề cập trực tiếp đến kinh tế tuần hoàn, tiếp cận theo toàn bộ vòng đời của nhựa, các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững, do vậy, nội dung đàm phán sẽ bao gồm thảo luận tất cả các điểm mấu chốt của ô nhiễm nhựa, bao gồm từ thiết kế sản phẩm cho đến quản lý rác thải.
Thứ hai, Nghị quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy thiết kế bền vững các sản phẩm và vật liệu, để chúng có thể được tái sử dụng, tái chế, và được giữ lại trong nền kinh tế càng lâu càng tốt, để tiết kiệm tài nguyên và giảm thiểu rác thải. Việc quan trọng trước hết là phải giảm lượng rác thải, chứ không chỉ tập trung vào khâu quản lý rác thải.
Cuối cùng, Nghị quyết ghi nhận sự đóng góp quan trọng của khối phi chính thức trong việc thu gom, phân loại và tái chế nhựa tại nhiều quốc gia, đồng thời, khuyến khích hành động từ tất cả các nhóm chủ thể liên quan, bao gồm khu vực tư và các ngành công nghiệp.
PV: Với nội dung như ông cho biết, khi tham gia đàm phán thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, Việt Nam cần lưu ý những vấn đề gì để đảm bảo thỏa thuận đúng thực chất, có thể thực thi khi ban hành, thưa ông?
ông Hồ Hữu Huy: Hiện tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1407/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, với quan điểm Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa, góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả. Đây là bước khởi đầu tốt cho sự tham gia của Việt Nam trong quá trình đàm phán.
Một trong những điểm mấu chốt của việc phát triển Hiệp ước này là cụ thể hoá các nghĩa vụ và hành động của các quốc gia khi tham gia Hiệp ước. Nếu Hiệp ước chỉ đặt ra một loạt các mục tiêu xa vời về việc giảm thiểu ô nhiễm nhựa, nhưng không cụ thể hoá được các chính sách cho các quốc gia cùng thực hiện, sẽ làm tăng gánh nặng tài chính cho các quốc gia có mong muốn bảo vệ môi trường nhưng nguồn lực hạn chế và không thể đảm bảo được các quốc gia sẽ cùng quyết tâm tự phát triển các phương án đủ hiệu quả để đạt được mục tiêu chung toàn cầu. Vì vậy, điểm cần lưu ý khi đàm phán, đó là việc thực hiện nghĩa vụ chung phải đi đôi với việc chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ thực hiện.
Việt Nam đã và đang thực hiện các hành động cụ thể để giải quyết ô nhiễm nhựa, như phát triển lộ trình cấm một số sản phẩm nhựa dùng một lần, lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa, xây dựng và thực hiện khung chính sách Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, bước đầu triển khai các hoạt động nâng cấp hệ thống quản lý rác thải, như việc thí điểm phân loại tại nguồn và thu gom riêng các loại rác thải,... cho thấy quyết tâm cao của Việt Nam trong việc giải quyết ô nhiễm nhựa. Nếu Việt Nam tiếp tục mở rộng và đồng bộ các chính sách này theo khuôn khổ của Hiệp ước sau khi ký kết, và đóng góp vào mục tiêu chung toàn cầu, sẽ cần có các cơ chế hỗ trợ nguồn lực từ quốc tế cho việc thực hiện.
Theo Nghị quyết 5/14 chúng ta có thể thấy, một số lựa chọn chính sách có thể được đưa ra ở toàn cầu bao gồm: các nghĩa vụ về việc giảm thiểu, cấm một số sản phẩm nhựa không cần thiết hoặc đặc biệt nguy hại cho môi trường và sức khoẻ; các quy định tiêu chuẩn về thiết kế sản phẩm... Khi so sách với các kịch bản chính sách này, cần lưu ý điểm thuận lợi cho Việt Nam khi thực hiện sẽ là gì, nếu chính sách cấp toàn cầu không đồng bộ với chính sách trong nước, Việt Nam sẽ cần những hỗ trợ nguồn lực như thế nào để đảm bảo thực thi hiệu quả. Các thông tin này sẽ giúp Việt Nam xây dựng các quan điểm khi đàm phán, và định vị được sự ủng hộ hoặc các đề xuất cụ thể của Việt Nam với các chính sách được đàm phán trong Hiệp ước.
PV: Để hỗ trợ cho Việt Nam tăng cường nguồn lực cũng như năng lực đàm phán và thực thi, về phía WWF, sẽ có những hỗ trợ gì cho Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?
ông Hồ Hữu Huy: WWF sẽ tiếp nối các hoạt động hợp tác hiện tại với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan trong việc giải quyết ô nhiễm nhựa tại Việt Nam, đối với cả các chính sách quốc gia và các hoạt động tại địa phương.
Các chính sách trong nước liên quan đến giảm thiểu và cấm một số sản phẩm nhựa dùng một lần, Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, phát triển kinh tế tuần hoàn, khuyến khích sản xuất và tiêu dùng bền vững... mà trong thời gian qua WWF có cơ hội hợp tác, hỗ trợ trong việc phát triển và thực thi sẽ là tiền đề quan trọng cho việc tiếp nối, nhân rộng và đồng bộ với chính sách quốc tế khi Việt Nam tham gia Hiệp ước về ô nhiễm nhựa.
Các hoạt động thí điểm về thay đổi thói quen tiêu dùng nhựa dùng một lần, thúc đẩy các mô hình tái sử dụng và các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, phân loại và quản lý rác thải hiệu quả,... mà chúng tôi đồng hành cùng các địa phương sẽ giúp cung cấp những góc nhìn về tính thực tế, và bài học về việc thực thi hiệu quả cho những thay đổi về quản lý nhựa mà Hiệp ước sẽ yêu cầu các quốc gia thực hiện.
Ngoài ra, WWF cấp toàn cầu và tại Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về những khuyến nghị chính sách nhằm đảm bảo sự thành công và tính hiệu quả của Hiệp ước; Tạo các cơ hội, diễn đàn chính sách cấp khu vực để các nước chia sẻ các bài học thành công và thảo luận quan điểm, song song với quá trình đàm phán trong 2 năm tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!