Xã hội

Chuyện người nuôi hàu ở Đồng Tranh

Đình Du 02/11/2023 - 16:40

(TN&MT) - Nhiều khu vực gần bờ biển huyện Cần Giờ, TPHCM có hàng ngàn giàn nuôi hàu nổi. Trong đó, xã Long Hòa, An Thạnh và thị trấn Cần Thạnh là những vùng nuôi hàu nhiều nhất. Nghề nuôi hàu không những giúp người dân có kế sinh nhai mà còn giúp cho họ có được “của dư của để”, từng bước vươn lên thoát nghèo, đem lại cuộc sống ấm no, sung túc.

anh-1-modified.jpg
Khác những cảng cá khác, những chiếc thuyền ở cảng Đồng Trảng phần lớn chỉ phục vụ cho người dân nuôi và khai thác hàu

Khát vọng vươn lên

Cách trung tâm TPHCM hơn 50 km, Cần Giờ là huyện ngoại thành có bờ biển dài gần 20 km, hệ sông ngòi chằng chịt, thuận lợi cho việc nuôi trồng nhiều loài hải sản. Trong đó, hàu là một trong những loại hải sản chủ lực hiện đang được nuôi nhiều và phát triển mạnh ở nơi đây.

Đang cuối mùa mưa, tiết trời biển Cần Giờ như “cô gái đỏng đảnh” lúc mưa thì xối xả trút nước, lúc thì nắng gay gắt như thiêu da, cháy tóc… khiến những ai mới đến vùng đất này rất bỡ ngỡ bởi nếm đủ cái phong vị hết sức đặc sắc của tiết trời sắp giao mùa.

Chiếc ghe máy tại cảng Đồng Trảng đưa chúng tôi ra bãi hàu mênh mông trên biển thuộc xã Long Hòa cách bờ biển gần 1 km, anh Tư Thắng (49 tuổi), người cao ráo, toàn thân nâu bóng màu…ngư phủ, mắt đăm đăm nhìn về “cánh đồng” hàng hà sa số những thùng nhựa bập bềnh trên sóng nước, khoát tay nói: “Hơn một nửa người dân ở xứ Đồng Tranh này là dân nuôi hàu hết đó. Nó là “nghề thoát đói” của dân cả chục năm nay”.

anh-2-modified.jpg
Hàng ngàn dây hàu nổi nuôi trồng ở biển Cần Giờ

Anh Tư Thắng nhớ lại, hơn 20 năm trước, anh cùng vợ con từ Tiền Giang “trôi dạt” về rồi “cắm câu” tại khúc sông Đồng Tranh chảy ra biển Cần giờ. Một cắc lận lưng không có, anh cùng vợ làm đủ thứ việc tạp nham để sống độ nhật. Thời gian đầu theo ghe đánh bắt hải sản cũng chỉ đủ miếng ăn nhét miệng. Rồi anh quay sang phụ hồ nhiều năm trời cũng quay quắt với cái đói, cái nghèo trong khi nhu cầu của mấy đứa con ăn học ngày càng lớn. Thế là anh làm liều. Cái liều của Tư Thắng được “thế chấp” bằng khát vọng thoát nghèo, bằng chính sức vóc và sự từng trải của mình. Liều đi mượn tiền. Với số tiền mượn được gần 30 chục triệu đồng không lấy lời từ bạn bè, “chiến hữu”, Tư Thắng đầu tư một “đường hàu” dài khoảng 150m thả nổi bằng lốp xe để hàu giống bám vào sinh sống tự nhiên.

Ngày tháng đắp đổi, vượt qua bao nhiêu vụ hàu “sóng dập gió vùi”, đến nay anh Tư Thắng đã thành một chủ nuôi hàu “có số” ở khu Đồng Tranh với khoảng 150 đường hàu. Mắt anh ngời sáng khi khoe với chúng tôi: “Số vốn cho bãi hàu của tui bây giờ cũng khoảng 6 tỷ đồng. Đó là chưa kể tui đã tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người khác như: Trông coi bãi hàu và xâu vỏ hàu để nuôi hàu giống. Tuy nhiên, nghề nuôi hàu thiên nhiên cũng là một canh bạc với biển cả. Hàng năm, từ tháng 9 đến tháng 5 (năm sau) là lúc hàu cám xuất hiện nhiều trong tự nhiên, người nươi hàu thả neo hàng trăm dây hàu đã xiên cố định vỏ hàu loại lớn để làm giá thể cho cả hàu cám và hàu con bám vào làm nơi trú ngụ và sinh sống”.

anh-4-modified.jpg
Người dân xâu vỏ hàu để nhử hàu giống bám vào sinh sống

Phát huy giá trị vùng biển

Cũng theo anh Tư Thắng, trong tự nhiên, hàu hoàn toàn sống cố định, không di chuyển như một số loài nhuyễn thể khác, thuộc loại động vật bắt mồi thụ động. Thức ăn chính là tảo khuê sống trôi nổi theo dòng nước thủy triều lên xuống. Do đó, vùng sông nước thường xuyên có thủy triều lên xuống như ở biển Cần Giờ rất thích hợp cho việc nuôi hàu.

Nhưng để hàu cám, hàu con “đậu” được vào vỏ hàu sinh sống cũng “hên xui”, có đường hàu thả đến 2 năm mà hàu vẫn chưa đậu, xem như người nuôi trắng tay. Mỗi năm từ tháng 12 đến tháng giêng là hàu đúng độ tuổi thu hoạch, nhưng thời điểm này khu biển Cần Giờ có độ mặn rất cao khiến hàu dễ nhiễm bệnh và chết. Do đó, người nuôi phải “né” bằng cách thu hoạch sớm, khiến cho năng suất và chất lượng hàu thường không được như mong muốn. Trúng một mùa, trừ chi phí thì có thể thu được vài trăm triệu. Chuyện chủ hàu ở đây “ẵm” tiền tỷ là không còn xa lạ.

anh-5-modified.jpg
Anh Tư Thắng (trái) kể lại câu chuyện từ hai bàn tay trắng giờ trở thành ông chủ chủ bãi hàu

Chỉ vào bãi vỏ hàu với hàng chục nhân công đang xâu dây vô từng vỏ hàu, Tư Thắng nói hoan hỷ: “Đó là người dân sinh sống ở đây tui mướn công nhật để xâu dây hàu, những anh chị đang làm như: Chín Ẩn, Tư Thưởng, chị Phê, Hai Cũ… kiếm cũng được hơn 200 ngàn mỗi ngày”. Tuy chưa là đại gia, nhưng Tư Thắng với người dân nuôi hàu ở khu Đồng Tranh đã là một ông chủ thoát thai từ hai bàn tay trắng. Và giờ đây, anh đang là cái cầu nối để xóa nghèo cho hàng chục gia đình làm công cho anh.

Còn đó một “rào cản” nữa như Tư Thắng tiết lộ, không phải ai ở xã Long Hòa này cũng có máu “liều” như mình. Dám vay mượn bạn bè, chiến hữu để thoát nghèo, làm giàu. Vì lãi suất vay ở “xã hội” thường cao, mà thời gian trả vốn lại ngắn. Còn vay ở các chương trình hoặc ngân hàng chính sách xã hội thì “đa số người dân ở xã đều không có sổ đỏ hay tài sản thế chấp”, nên không thể “rớ tới” nguồn vốn ưu đãi này được. Đó là cái “ách”... khiến một bộ phận người dân ở Cần Giờ bị “đói vốn” đầu tư nuôi trồng thủy sản ban đầu. Hiện trên địa bàn có 220 ha nuôi hàu tại huyện Cần Giờ, sản lượng trên 21.000 tấn mỗi năm.

Khi ánh chiều dần tắt, cũng là lúc chúng tôi chia tay làng hàu. Mặc dù bước chân dần xa khu cảng nhưng âm thanh tiếng búa và mũi khoan vào vỏ hàu của những nhân công đang ngồi xâu dây để chuẩn bị cho vụ nuôi thả hàu kế cận vẫn lách cách vang vọng. Thủy triều dâng cao vỗ vào bờ, dòng phù sa cuốn các sinh vật phù du từ các sông hòa quyện vào biển, mang lượng thức ăn phong phú cho hàu, mang lại cho người dân huyện Cần Giờ ấm no, sung túc, dần xa lánh cái nghèo.

Theo Nghề nuôi hàu giúp dân nghèo hồi sinh
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện người nuôi hàu ở Đồng Tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO