Chuyên gia địa chất đánh giá mức độ nghiên cứu trượt lở đất tại Lâm Đồng
(TN&MT) - Trong những năm qua, khi một số tai biến địa chất liên tục xảy ra hàng năm và gây ra rất nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và của, vấn đề nghiên cứu tai biến địa chất, đặc biệt là trượt, sạt lở đất đã được chú trọng hơn, trong đó có một số nghiên cứu liên quan đến tỉnh Lâm Đồng. Trước thực tế vụ sạt lở vừa xảy ra tại chốt Cảnh sát giao thông đèo Bảo Lộc (thuộc địa bàn huyện Đạ Huoai), tỉnh Lâm Đồng vào cuối tháng 7, chuyên gia địa chất cho rằng cần phải có kịch bản và giải pháp lâu dài ứng phó với sạt lở.
Một số công trình nghiên cứu trượt lở đất liên quan đến tỉnh Lâm Đồng
Tổng hợp các công trình nghiên cứu trượt, sạt lở đất đá, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết có một số công trình liên quan đến tỉnh Lâm Đồng như: Đề tài “Nghiên cứu đánh giá tổng hợp các loại hình tai biến địa chất lãnh thổ Việt Nam và các giải pháp phòng tránh” (2 giai đoạn: 1999-2000 và 2001-2003). Đây là công trình nghiên cứu cấp lãnh thổ, ở tỷ lệ 1/1.000.000. Lần đầu tiên 7 loại hình tai biến địa chất: nứt sụt đất, trượt lở, lũ quét lũ bùn đá, xói mòn đất, bồi lở bờ sông, bồi lở cửa sông và ven biển, môi trường địa hoá đặc biệt đã được nghiên cứu đánh giá một cách đồng bộ. Công trình nghiên cứu này đã xây dựng được bộ phương pháp nghiên cứu tai biến địa chất hợp lý cho lãnh thổ nước ta. Hiện trạng, nguyên nhân dẫn đến từng loại hình tai biến đã được làm sáng tỏ.
Các kết quả nghiên cứu trên là cơ sở khoa học cho việc phân vùng nguy cơ cho từng loại hình tai biến một cách cụ thể. Trên cơ sở 7 loại hình tai biến độc lập, đã tiến hành đánh giá tổng hợp, từ đó xây dựng ba sơ đồ phân vùng nguy cơ tai biến địa chất: 3 thành phần (nứt sụt đất, trượt lở đất, lũ quét-1ũ bùn đá), 5 thành phần (nứt sụt đất, trượt lở đất, lũ quét-lũ bùn đá, xói mòn đất và môi trường địa hóa đặc biệt) và 7 thành phần.
Lần đầu tiên trong nghiên cứu tai biến địa chất đã xây đựng được hệ thống cơ sở dữ liệu ở Bắc Trung Bộ phục vụ cho công tác nghiên cứu tai biến có ý nghĩa thực tế đối với các cấp quản lý nhiều ngành thuộc nhiều cấp từ Trung ương đến các địa phương, đặc biệt là các tỉnh thuộc vùng nghiên cứu.
Bên cạnh đó còn có Đề tài: “Nghiên cứu một số dạng tai biến địa chất điển hình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên”. Đề tài này đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá hiện trạng 4 dạng tai biến địa chất điển hình: nứt sụt đất, trượt lở đất, lũ quét - lũ bùn đá và xói lở bờ sông trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng). Sản phầm gồm: Bản đồ nguy cơ nứt sụt đất khu vực Tây Nguyên tỷ lệ 1/250.000 thể hiện ở 5 cấp nguy cơ khác nhau: rất cao, cao, trung bình, thấp và rất thấp.
Đặc biệt, trong thời gian từ 2012 đến hết 2020, đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ các vùng miền núi Việt Nam” đã hoàn thành công tác “Điều tra và thành lập bản đồ hiện trạng TLĐĐ ở tỷ lệ 1:50.000” cho 25 tỉnh miền núi. Tuy vậy, khu vực Lâm Đồng là khu vực nằm trong 12 tỉnh còn lại chưa được tiến hành điều tra hiện trạng ở tỷ lệ 1/50.000 (do đề án chuyển sang giai đoạn 2, thành lập đề án mở mới tiếp theo “Cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”).
Ngoài ra, còn có Đề tài KHCN “Nghiên cứu cơ sở khoa học xây dựng bộ tiêu chí và xác định các khu vực nhạy cảm về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”, mã số TNMT.2021.02.08. Kết quả đề tài đã xây dựng được bộ tiêu chí và khoanh định các khu vực cao, rất cao về TLĐĐ, lũ quét của 37 tỉnh miền núi Việt Nam. Kết quả thành lập được bộ bản đồ phân bố các “khu vực nhạy cảm” (tỷ lệ 1/10.000 và 1/5.000) có nguy cơ cao, rất cao về trượt lở đất đá, lũ quét thuộc 37 tỉnh miền núi, trung du Việt Nam (trong đó có tỉnh Lâm Đồng).
Các bản đồ phân bố kết quả của từng “khu vực nhạy cảm” về TLĐĐ, lũ quét cần tập trung ưu tiên điều tra đánh giá chi tiết ở tỷ lệ lớn nêu trên sẽ được tổng hợp lại thành một bản đồ dạng số, trên đó thể hiện sự phân bố các “khu vực nhạy cảm” về TLĐĐ, lũ quét và những khu vực đa thiên tai tổng hợp của cả TLĐĐ và lũ quét cần tập trung ưu tiên điều tra đánh giá chi tiết ở tỷ lệ lớn (1/10.000 và 1/5.000).
Sau đó, các kết quả nghiên cứu trong Đề tài này được chuyển giao cho Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam phục vụ cho việc thành lập đề án mở mới tiếp theo “Cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam”. Các sản phẩm đạt được của đề tài làm cơ sở định hướng cho công tác điều tra, đánh giá, dự báo, cảnh báo sớm TLĐĐ, lũ quét ở các tỷ lệ 1/10.000, 1/5.000 để phục vụ hiệu quả hơn đối với việc quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sắp xếp lại dân cư cho các địa phương, đồng thời góp phần phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đất, lũ ống, lũ quét gây ra. Rộng hơn nữa góp phần giảm thiệt hại cho các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển, hạ tầng cơ sở còn rất nghèo nàn hoặc vùng dân tộc ít người, cuộc sống còn khó khăn.
Đánh giá tính khả thi của các giải pháp phòng chống trượt
Đánh giá các đề tài nghiên cứu các tai biến địa chất, ngày 5/11/2020, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Viện Địa lý Tài nguyên thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo đánh giá đề tài nghiên cứu các tai biến địa chất, nứt sụt đất, trượt lở đất và đề xuất các biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa và khắc phục trên địa bàn. Theo đó, trong thời gian qua trên địa bàn thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng liên tiếp xảy ra các trường hợp nứt, sụt đất, trượt lở đất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và dẫn đến nguy cơ mất an toàn. Thống kê chỉ riêng trên địa bàn Đà Lạt có trên 210 điểm sạt lở, sụt lún đất, chủ yếu trên các tuyến đường giao thông.
Tại hội thảo, Hội đồng tư vấn đánh giá đề tài cùng với các nhà khoa học, nhà quản lý và ngành chức năng liên quan đã phản biện làm rõ thêm một số nội dung trong báo cáo đề tài, đặc biệt là phân tích về thực trạng, nguyên nhân và các biện pháp khắc phục tình trạn nứt sụt đất, trượt lở đất để hoàn thiện đề tài, từ đó làm cơ sở để nghiệm thu, áp dụng vào công tác quản lý.
TS. Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết: Do mức độ điều tra nghiên cứu ở các tỷ lệ nhỏ nên các kết quả nghiên cứu của phần lớn các đề tài, dự án còn mang tính khái quát, khả năng áp dụng mới chỉ mang tính định hướng cho các công tác tiếp theo. Việc nghiên cứu khoanh vùng và đưa ra các phương án phòng chống tai biến trượt, sạt lở đất đá cho các khu vực cụ thể ở nhiều địa phương còn nhiều hạn chế. Các giải pháp phòng chống trượt lở đưa ra còn thiếu sức thuyết phục.
Các nghiên cứu về trượt lở đất đá gần đây ở tỷ lệ lớn hơn (trên 1/50.000) được thực hiện như một phần nghiên cứu lồng ghép trong một nghiên cứu tổng thể về tai biến địa chất hoặc môi trường mà chưa được thực sự đánh giá đúng đắn mức độ nguy hiểm của nó. Do vậy những nghiên cứu riêng, chuyên sâu về trượt lở đất là rất ít, quá trình đánh giá trượt lở thường chỉ được thực hiện kỹ cho các khối đất đá, hay các mặt trượt riêng lẻ… nơi có các công trình công cộng hoặc dân sinh quan trọng có liên quan. Như vậy, đến nay phần lớn các bộ sản phẩm bản đồ đã được xây dựng đều ở tỷ lệ nhỏ và tỷ lệ trung bình, thể hiện các kết quả điều tra trên diện rộng, nên rất khó xác định được chính xác về mức độ nguy cơ chi tiết tới các cấp xã, thôn.
TS. Trịnh Xuân Hòa cho biết thêm: Việc nghiên cứu khoanh vùng và đưa ra các phương án phòng chống tai biến cho các khu vực cụ thể ở nhiều địa phương còn nhiều hạn chế. Các giải pháp phòng chống trượt lở đưa ra còn thiếu sức thuyết phục, kết quả của một số đề tài chưa nêu được nguyên nhân trực tiếp gây trượt, do vậy giải pháp phòng chống trượt đưa ra khi thực thi không đem lại hiệu quả. Đặc biệt các nghiên cứu về phân vùng mức độ, khả năng xảy ra tai biến trượt lở đất đá lại càng hạn chế. Các phương pháp tích hợp thông tin, mô hình hóa khả năng trượt lở còn rất nhiều hạn chế. Do mức độ điều tra nghiên cứu ở các tỷ lệ nhỏ nên các kết quả nghiên cứu của phần lớn các đề tài, dự án còn mang tính khái quát, khả năng áp dụng mới chỉ mang tính định hướng cho các vùng rộng lớn.
Theo kế hoạch của Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, trong giai đoạn từ năm 2012 đến hết năm 2020 sẽ tiến hành công tác nghiên cứu, điều tra hiện trạng và phân nguy cơ xảy ra trượt, sạt lở đất đá cho 37 tỉnh miền núi phía Bắc trong đó có tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, đến năm 2020 đề án đã tạm dừng để kết thúc giai đoạn 1. Tính đến hết năm 2021 Đề án này mới chỉ hoàn thành công tác “Thành lập bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá tỷ lệ 1:50.000” cho 25 tỉnh miền núi Miền Bắc và Miền Trung và công tác “Thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỉ lệ 1:50.000” cho 15 tỉnh miền núi phía Bắc. TS. Trịnh Xuân Hòa mong rằng trong thời gian tới, công tác điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng và phân vùng cảnh báo nguy cơ TLĐĐ cho 12 tỉnh miền Trung và Nam Bộ (trong đó có tỉnh Lâm Đồng) sẽ được thực hiện theo như kế hoạch ban đầu đặt ra, góp phần ứng phó hiệu quả nếu có tình huống thiên tai tương tự vụ sạt lở đèo Bảo Lộc xảy ra, không chỉ ở Lâm Đồng mà còn ở các tỉnh thành khác trên cả nước.