Xã hội

Chuyên gia đề xuất giải pháp kéo giới trẻ khỏi “bẫy” thuốc lá điện tử

Mai Đan (thực hiện) 05/10/2023 - 13:47

(TN&MT) - Mặc dù có nhiều tác hại đến sức khỏe nhưng thuốc lá điện tử với sự “mới lạ” của nó đã đánh trúng vào tâm lý của một bộ phận học sinh, sinh viên và nhanh chóng xâm nhập vào trường học, gây ra nhiều hậu quả và ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ trẻ. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh kiêm Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) về những giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, ngăn ngừa sử dụng cũng như cai nghiện thuốc lá điện tử.

bs1.jpg
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh kiêm Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế)

PV: Thưa ông, thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử ở nước ta, đặc biệt trong giới trẻ đang ở mức báo động như thế nào?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Theo Bộ Y tế, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh, thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Kết quả điều tra cho thấy, tình hình sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-15 vào năm 2022 là 3,5%, so với năm 2019 là 2,6%. Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng ở nhóm tuổi 15 - 24 (chiếm 7,3%) so với các nhóm 25 - 44 tuổi (chiếm 3,2%) và nhóm 45 - 64 tuổi (chiếm 1,4%). Việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đã và đang đe dọa phá bỏ những thành tựu của Việt Nam trong quá trình giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua.

PV: Ông có thể chỉ ra những tác hại của thuốc lá điện tử, thưa ông?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Thuốc lá điện tử không phải là sản phẩm ít gây hại cho cơ thể như các nhà sản xuất quảng cáo, trái lại chúng gây nhiều tác hại đối với sức khỏe của người hút cũng như những người xung quanh. Thuốc lá điện tử chứa nicotin, chứa rất nhiều chất phụ gia tạo màu, tạo mùi - những chất này sẽ thay đổi theo thị hiếu, theo thời gian… Thậm chí, trong thuốc lá điện tử có thể chứa ma túy có nguy cơ gây nghiện trong giới trẻ.

Thuốc lá điện tử là một trong những sản phẩm mới xuất hiện trong khoảng 10 năm qua, bằng chứng khoa học về độc tính và ảnh hưởng sức khỏe lâu dài của các sản phẩm này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Tuy vậy, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra hậu quả đối với sức khoẻ của việc sử dụng và tiếp xúc thụ động với “sol khí”/khói của các sản phẩm này.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch và tăng nguy cơ ung thư, cũng như nguy cơ mắc bệnh răng miệng và các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm các triệu chứng tiêu hóa, phổ biến nhất là đau vùng thượng vị, buồn nôn và nôn, tiêu chảy và xuất huyết tiêu hoá. Hậu quả rõ rệt nhất của thuốc lá điện tử là Hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử (EVALI). Tại Mỹ, ít nhất 2.807 trường hợp nhập viện và 68 trường hợp tử vong đã được xác nhận do EVALI cho đến tháng 2/2020.

PV: Thưa ông, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đã có những giải pháp gì để ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử trong trẻ em và thanh thiếu niên?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Để hạn chế tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh thì vai trò của gia đình rất quan trọng, các bậc phụ huynh cần quan tâm đến con nhiều hơn. Đặc biệt, phụ huynh cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe trẻ và giám sát trong các hoạt trong cuộc sống của trẻ trên cơ sở tôn trọng tránh dẫn đến các hành vi chống đối do bị áp đặt.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để tìm hiểu thêm về nếp sinh hoạt, cũng như mối quan hệ của trẻ để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, gia đình cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm.

img_0739.jpg
Các trường học đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tác hại của thuốc lá

Bên cạnh đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để trẻ ở lứa tuổi học sinh không bị lôi kéo vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội. Ngoài trang bị kiến thức về cách phòng tránh và các tác hại do sử dụng chất gây nghiện cho học sinh, nhà trường cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa để giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Đồng thời, tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích thu hút học sinh tham gia, tránh xa thuốc lá và những thú vui không lành mạnh khác.

Để ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá cũng mong có sự chung tay của các bộ, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; các cơ quan, đơn vị cần tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi mua, bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.

Ngày 24/5/2023, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 568/QĐ-TTg ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, với các mục tiêu và giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ nhằm tăng cường hiệu quả của công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Chiến lược cũng nhấn mạnh việc tiếp tục “ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”. Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 sẽ là định hướng quan trọng cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trong thời gian tới.

PV: Đó là những biện pháp nhằm ngăn ngừa giới trẻ tiếp cận và sử dụng thuốc lá điện tử. Vậy đối với những trường hợp đã nghiện thuốc lá điện tử, làm thế nào để cai nghiện, xin ông chia sẻ?

PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Thời gian qua Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) đã phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai thành lập trung tâm tư vấn cai nghiện thuốc lá, số tổng đài 1800 - 6606 (miễn phí từ 8h - 22h) hoặc đến tư vấn trực tiếp. Vì vậy, những trường hợp nghiện thuốc lá truyền thống hay thuốc lá thế hệ mới, trong đó có thuốc lá điện tử có thể gọi đến tổng đài trên để nhận được sự tư vấn cụ thể.

Cùng với đó, để cai nghiện thuốc lá thành công, các bạn trẻ cần có sự quyết tâm, hiểu biết và nhận được sự động viên, hỗ trợ từ mọi người xung quanh. Người cai nghiện thuốc lá cũng cần lưu ý, trước ngày bắt đầu cai thuốc lá, hãy giặt sạch quần áo và làm hết mùi thuốc lá trong phòng ngủ, phòng làm việc, ô tô, cũng như vứt bỏ toàn bộ các vật dụng có liên quan đến thuốc lá như hộp quẹt, gạt tàn thuốc, hộp đựng thuốc…

Bộ y tế , Quỹ PCTHTL đang đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét sửa Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, trong đó đưa chính sách và các biện pháp phòng, chống thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới cụ thể, rõ ràng, cũng như việc cấm sử dụng chúng để giúp các cơ quan chức năng thực hiện".

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế , Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia đề xuất giải pháp kéo giới trẻ khỏi “bẫy” thuốc lá điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO