Môi trường

Chuyên gia đề xuất biện pháp phòng tránh tai biến trượt lở tại Hà Giang

Mai Đan (thực hiện) 26/07/2023 - 14:38

(TN&MT) - Hà Giang là tỉnh miền núi phía Bắc, có địa hình đồi núi dốc, chia cắt mạnh, địa chất không đồng nhất, hàng năm thường xuyên xảy ra các loại hình thiên tai như: Dông, lốc, sét, mưa đá, rét hại, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, ngập úng cục bộ… Đáng chú ý, đây là tỉnh có mức độ nguy cơ trượt lở đất đá rất cao.

z4548077100176_1b7eef231e851fd4dadfa9c3453e9beb.jpg

Thông tin trên được ông Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường trong chuyến đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại tỉnh Hà Giang của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai vào những ngày gần đây.

img_9814-1-.jpg
Ông Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản

PV: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về nguy cơ trượt lở đất đá tại Hà Giang?

Ông Trịnh Xuân Hòa: Theo kết quả triển khai công tác đánh giá và thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá trên toàn bộ diện tích khu vực tỉnh Hà Giang, toàn tỉnh có nguy cơ trượt lở đất đá ở 5 mức độ khác nhau, trong đó diện phân bố của các khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao vào khoảng 1.860 km2 (chiếm tỷ lệ khoảng 23% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh Hà Giang); nguy cơ trượt lở đất đá cao 1.800 km2 (chiếm khoảng 23%); nguy cơ trượt lở đất đá trung bình 1.700 km2 (chiếm khoảng 21%); nguy cơ trượt lở đất đá thấp vào khoảng 1.100 km2 (chiếm 14%); và nguy cơ trượt lở đất đá rất thấp 1.450 km2 (chiếm khoảng 18%).

Hà Giang được xác định là tỉnh có mức độ nguy cơ trượt lở đất đá rất cao. Đánh giá tổng thể ở từng khu vực theo đơn vị hành chính cấp huyện thì trong số 11 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Hà Giang, có 5 huyện được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao (gồm các huyện Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Vị Xuyên và Xín Mần) và 6 huyện được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá cao (gồm các huyện Bắc Quang, Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh và Thành phố Hà Giang). Theo đơn vị hành chính cấp xã thì trong số 195 xã/phường của tỉnh Hà Giang, có 84 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá rất cao; 76 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá cao; và 35 xã được xác định có nguy cơ trượt lở đất đá trung bình.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân gây trượt lở đất đá tại các khu vực trên địa bàn tỉnh Hà Giang?

Ông Trịnh Xuân Hòa: Các công trình dân sinh xây dựng có sự san gạt làm mất chân của sườn dốc tự nhiên gây cân bằng tự nhiên của đất, đá như đường giao thông, nhà cửa có nguy cơ xảy ra trượt lở cao nhất, như ở các khu vực thị trấn Vinh Quang của huyện Hoàng Su Phì, thị trấn Cốc Pài của huyện Xín Mần, dọc quốc lộ 2 qua các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên... đặc biệt là tại các vị trí có biểu hiện đứt gãy kiến tạo với quy mô lớn cắt qua. Ở các khu vực như huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, một phần huyện Quản Bạ và Yên Minh, do đặc điểm là vùng địa hình karst với độ dốc địa hình lớn, các đá bị dập vỡ, nứt nẻ, cà nát mạnh rất dễ xảy ra hiện tượng đá đổ, đá rơi và sụt lún karst.

anh-1.jpg
Các vị trí sạt lở dọc theo tuyến đường giao thông liên huyện Hoàng Su Phì

Tại các vị trí có thảm thực vật thưa, nếu xây dựng công trình dân dụng làm mất sự cân bằng tự nhiên của đất, đá sẽ có khả năng xảy ra trượt lở đất đá nhiều hơn. Tại các vị trí có bề mặt địa hình tự nhiên dốc (>40 độ), nếu xây dựng công trình dân dụng làm mất sự cân bằng tự nhiên của đất, đá sẽ có khả năng xảy ra trượt lở đất đá nhiều hơn. Tại những vị trí đã xảy ra trượt lở nếu không có những biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời thì nguy cơ tiếp tục xảy ra trượt lở là rất lớn, qua thực tế khảo sát cho thấy, phần lớn các điểm trượt lở đều chưa được xử lý, khắc phục một cách có hiệu quả, do vậy các điểm trượt lở này thường xuyên xảy ra hiện tượng tái hoạt động nhiều lần.

PV: Xin ông đưa ra dẫn chứng cụ thể về một huyện của Hà Giang có nguy cơ trượt lở đất đá từ cao đến rất cao, qua đó cho thấy tầm quan trọng của việc triển khai cấp thiết các giải pháp phòng ngừa?

Ông Trịnh Xuân Hòa: Từ công tác nghiên cứu thực địa, kết hợp với kết quả điều tra hiện trạng trượt lở đất đá, cùng với các số liệu về phân vùng các vùng có nguy cơ trượt lở đất đá cho thấy hầu hết tất cả các điểm trượt xảy ra đều nằm trong khu vực có nguy cơ trượt lở cao đến rất cao trên bản đồ phân vùng nguy cơ trượt lở đất đá.

Tại khu vực huyện Hoàng Su Phì, những vị trí đã xảy ra trượt lở đều có kiểu trượt hỗn hợp dạng dòng bùn đá, trượt trong đới phong hóa mạnh và hoàn toàn, trên địa hình vách dốc từ 35-50 độ. Vật liệu trượt chủ yếu là đất đá bở rời, là sản phẩm phong hóa của đá granit hai mica. Phong hóa không đều, còn nhiều các khối tảng kích thước từ nhỏ trung bình đến to bị phong hóa bóc vỏ còn sót lại. Thành phần vật liệu trượt gồm sét, bột, tảng, độ gắn kết rất yếu.

anh2-truot-lo.jpg
Vách trượt ở Tổ 5 thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì

Các điểm trượt trên xảy trong khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá từ cao đến rất cao, với độ dốc địa hình lớn, đất đá bị phong hóa mạnh có thành phần vật liệu hỗn độn giàu sét, sạn, tính chất cơ lý bở rời gắn kết yếu. Trong điều kiện mưa lớn kéo dài đất đá cơ lý yếu bị ngậm nước quá nhiều dẫn đến trương nở bão hòa nước làm tăng thể tích và trọng lượng, đồng thời giảm lực ma sát. Các nguyên nhân đó sẽ làm tăng lực gây trượt (hay lực cắt), mặt khác, làm giảm độ bền chống cắt theo các mặt trượt, khe nứt của đất đá, làm cho lực gây trượt thắng lực chống trượt nên đã phát sinh trượt.

Đặc biệt, những khu vực bị cắt xẻ taluy gây mất chân mái dốc và làm tăng độ dốc sườn, mất ổn định mái dốc sườn. Những khu vực này khi gặp mưa lớn nhiều giờ sẽ gây trượt lở mạnh. Trượt ở những khu vực này thường có nguy cơ gây rủi ro cao về tính mạng, nhà cửa, vườn chuồng bởi tập tục xẻ taluy làm nhà, sinh sống dưới chân taluy thường là những khối trượt tiềm ẩn.

PV: Trước những nguy cơ trên, ông đề xuất các biện pháp gì để phòng tránh tai biến trượt lở, giảm thiểu rủi ro, thưa ông?

Ông Trịnh Xuân Hòa: Để phòng tránh, giảm thiểu tối đa hậu quả của tai biến trượt lở, tỉnh Hà Giang cần gắn biển cảnh báo tai biến trượt lở đất tại các khu vực có nguy cơ trượt lở cao; đồng thời triển khai các biện pháp công trình như: Bạt thoải taluy, hạ bậc, làm kè, gia cố bê-tông, làm rãnh thoát nước mặt, nước ngầm ở những vách taluy cao và dốc nhằm trống trượt tiếp diễn có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang luôn theo dõi, quan trắc hoạt động của khối trượt, quan trắc khe nứt để nâng cao cảnh giác và thông báo với các cơ quan chức năng đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời.

anh-3.jpg
Trượt lở đất đổ xuống nhà dân ở khu vực Tổ 5 thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì

Đặc biệt, tỉnh cần tuyên truyền thường xuyên để nhân dân kịp thời theo dõi dự báo thời tiết và khi thấy mưa lớn kéo dài, những người ở các khu vực có nguy cơ cao cần phải nâng cao cảnh giác, di chuyển đến những nơi an toàn, để đảm bảo tính mạng và tài sản.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Giang là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc nằm trong Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng núi Việt Nam” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản triển khai thực hiện từ năm 2012 đến năm 2020. Đây là tỉnh đã được bàn giao 2 loại bản đồ: Bản đồ hiện trạng trượt lở đất đá và bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá. Hai loại bản đồ này là sản phẩm chính của Đề án, trong đó bản đồ hiện trạng giúp địa phương hình dung một cách tổng quan về tình hình trượt lở đất đá tại địa phương để đề ra hướng giải quyết; còn bản đồ phân vùng cảnh báo đóng vai trò quan trọng trong việc đề ra giải pháp để giảm thiểu thiệt hại.

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia đề xuất biện pháp phòng tránh tai biến trượt lở tại Hà Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO