Chuyển đổi số mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp để tạo ra và nắm bắt giá trị. Sự phát triển các công nghệ như điện toán đám mây, truyền thông xã hội và phân tích dữ liệu lớn đang thúc đẩy các xu hướng mang lại tiềm năng to lớn cho ngành Dầu khí. Ngành Dầu khí với các đặc điểm riêng vốn có vừa thuộc lĩnh vực năng lượng, vừa thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường, là các lĩnh vực tiềm năng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Kể từ cuộc cách mạng công nghiệp, ngành Dầu khí đã đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi kinh tế của thế giới. Ngày nay, ngành Dầu khí có cơ hội tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình thông qua số hóa.
Toàn cảnh Hội thảo |
Có thể nói, công tác chuyển đổi số tại Công ty mẹ là nhiệm vụ cần thiết, phù hợp xu thế chung của thế giới và ngành Dầu khí, giúp hình thành nền tảng số liên kết các chuỗi giá trị, tăng năng suất, tối ưu chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng minh bạch và hiệu quả, thu hẹp khoảng cách; quy hoạch, định hướng, phối hợp, hỗ trợ các đơn vị thành viên thực hiện chuyển đổi số để Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trở thành một tập đoàn số toàn diện vào năm 2030.
Để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số tại Công ty mẹ, Ban chỉ đạo/Tổ triển khai công tác chuyển đổi số đã xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số tổng thể (dự kiến) gồm 2 nội dung chính: Xây dựng chiến lược chuyển đổi số Công ty mẹ và lộ trình thực hiện giai đoạn 2021-2025 và Quy hoạch, định hướng, phối hợp, hỗ trợ các đơn vị thành viên thực hiện chuyển đổi số.
Đối với lĩnh vực E&P, việc ứng dụng đồng bộ công nghệ số và các phân tích tiên tiến sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động tìm kiếm thăm dò - khai thác dầu khí, đảm bảo hoạt động an toàn, tối ưu chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Hoạt động E&P đặc biệt là tìm kiếm, thăm dò dầu khí luôn có rủi ro cao, nhưng một khi thành công cũng mang tới thành quả lớn. Chuyển đổi số giúp phân tích tổng hợp tất cả các loại dữ liệu hiện có sử dụng các công nghệ xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…, giảm thiểu rủi ro cho công tác E&P.
Ban Chiến lược trình bày về công tác chuyển đổi số lĩnh vực E&P |
Tuy nhiên, việc triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi số tại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo đánh giá của các Ban/VP và chuyên gia tư vấn, hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin; chế độ đãi ngộ thu hút nguồn lực; chưa có cơ chế quản lý ứng dụng công nghệ thông tin tập trung tại Công ty mẹ cũng như toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là những thách thức cần phải giải quyết để triển khai công tác chuyển đổi số tại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên.
Trong công tác E&P, bên cạnh các khó khăn chung mang tính vĩ mô như: hạ tầng viễn thông cần liên tục được nâng cấp kịp với xu thế công nghệ; môi trường pháp lý cho công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), các khó khăn nội tại của ngành Dầu khí đó là: hệ thống kỹ thuật, công nghệ còn lạc hậu; hạ tầng công nghệ thông tin giữa các đơn vị chưa đồng nhất; cơ sở dữ liệu còn phân tán; lực lượng lao động có chuyên môn cao về công nghệ thông tin trong E&P chiếm tỷ lệ thấp; ứng dụng, phát triển công nghệ, kỹ thuật số mới chưa cao; chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể về lưu giữ, truyền tải, chia sẻ thông tin mật theo kịp xu thế công nghệ số; nhận thức về chuyển đổi số chưa rõ rệt. Nhìn chung, mức độ số hóa của PVN nói chung và lĩnh vực E&P nói riêng chưa theo kịp xu thế chuyển đổi số của ngành dầu khí cũng như các ngành công nghiệp khác trên thế giới.
Văn phòng trình bày đề án chuyển đổi số tại PVN |
Để giải quyết các khó khăn, hạn chế nêu trên trong công tác chuyển đổi số tại Công ty mẹ cũng như trong công tác E&P, theo các ý kiến của các thành viên tham dự Hội thảo và chuyên gia tư vấn, cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn và Ban chỉ đạo chuyển đổi số; huy động, bổ sung, đãi ngộ phù hợp nguồn nhân lực chất lượng cao; ban hành các quy chế, quy định, quy trình phối hợp triển khai; đẩy mạnh công tác truyền thông và đào tạo liên quan văn hóa số, chuyển đổi số.
Đối với chuyển đổi số trong lĩnh vực E&P, tập trung vào các nội dung sau: ưu tiên kỹ thuật số cho các giám đốc điều hành cấp cao, xây dựng lộ trình chiến lược kỹ thuật số; thúc đẩy văn hóa sáng tạo và đổi mới công nghệ; đầu tư vào nguồn nhân lực/nhân lực số, xây dựng hệ thống quản lý tri thức và các chương trình phát triển thúc đẩy tư duy mới, tư duy kỹ thuật số, phát triển lực lượng lao động số; phát triển khả năng áp dụng kỹ thuật số thông qua đầu tư, xây dựng, mua hoặc hợp tác với các đối tác; nghiên cứu phương thức chuyển đổi toàn bộ Quy trình làm việc; xây dựng lộ trình nâng cấp từng bước thực hiện chuyển đổi số; cải cách cấu trúc dữ liệu, tối ưu hóa sử dụng các nền tảng dữ liệu (data platform); đầu tư hệ sinh thái hợp tác trong quan hệ đối tác và môi trường kinh tế chia sẻ.
Chủ tịch HĐQT Hoàng Quốc Vượng phát biểu |
Phát biểu kết luận, Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Petrovietnam là cần thiết, phù hợp với xu thế chung của thế giới. Trước mắt, công tác chuyển đổi số cần được thực hiện và áp dụng thành công tại Công ty mẹ - Tập đoàn. Để thực hiện được nhiệm vụ nêu trên, Chủ tịch HĐTV Hoàng Quốc Vượng yêu cầu Ban chỉ đạo/Tổ triển khai chuyển đổi số phối hợp với tư vấn chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số cụ thể, ưu tiên chuyển đổi số lĩnh vực E&P; đồng thời, tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi tư duy, nhận thức, văn hóa số của lãnh đạo, người lao động dầu khí.
Trong bối cảnh xu thế chuyển dịch năng lượng, chuyển đổi số trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi Petrovietnam cần phải xây dựng một chiến lược chuyển đổi số phù hợp nhằm thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, cũng như phục vụ công tác xây dựng Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vì mục tiêu phát triển bền vững Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.