Phát triển Xanh

Chuyển đổi số sẽ giữ chuyển đổi xanh bền vững

Khánh Ly 28/11/2024 - 15:40

(TN&MT) - Trong xu thế chuyển đổi xanh mạnh mẽ như hiện nay, việc áp dụng các giải pháp chuyển đổi số được cho là sẽ giúp doanh nghiệp tăng hiệu suất trong cả thích ứng tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Bản thân công nghệ số cũng cần xanh hơn vì càng hiện đại càng tiêu tốn nhiều năng lượng.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 về xu hướng Chuyển đổi kép đã chỉ ra, trong giai đoạn 2017 - 2021, Việt Nam nắm giữ 15% trong tổng số 493 bằng sáng chế xanh tại các thị trường mới nổi, xếp sau Malaysia (51%) và Thái Lan (20%). Hầu hết các bằng sáng chế về công nghệ chuyển đổi xanh của Việt Nam liên quan đến các lĩnh vực như năng lượng gió, quản lý chất thải, giảm ô nhiễm không khí và nguồn nước, công trình xanh.

Trong khi đó, xét về các công nghệ chuyển đổi số, Việt Nam chỉ chiếm 8% trong tổng số 537 bằng sáng chế của các nền kinh tế đang phát triển, xếp sau Malaysia (58%), Philippines (16%) và Thái Lan (11%). Các con số này thể hiện phần nào xu thế tại Việt Nam hiện nay đã quan tâm và đẩy mạnh phát triển xanh, nhưng vẫn chưa có sự đầu tư tương xứng về số hóa. Trong khi đó, chuyển đổi số được xem là động lực quan trọng để thúc đẩy sự thành công chuyển đổi xanh.

1-1667101478991569476076-0-355-1028-2000-crop-16671015063501929011142.jpg
Quản lý sản xuất bằng ứng dụng nhật ký nông hộ; tham gia các sàn giao dịch điện tử; theo dõi giá cả trong nước và thế giới qua thiết bị điện tử

Tại hội thảo “Tiên phong chuyển đổi kép” do Báo Đầu tư vừa tổ chức, ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số cũng phải dùng chuyển đổi xanh vì công nghệ số giúp tăng tốc cả thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Song, bản thân công nghệ số cũng cần xanh hơn vì nó tiêu tốn nhiều năng lượng. “Chuyển đổi kép là xu hướng tất yếu mà cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích bền vững cho xã hội và môi trường” - ông Lê Việt Anh nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách, Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: Việt Nam đang hướng tới mốc thương mại toàn cầu đạt 1.000 tỷ USD. Chúng ta đang ở Top 20 các nước có thương mại lớn nhất thế giới, và cũng nằm trong Top 20 nước có phát thải lớn nhất thế giới, trong khi quy mô của chúng ta nhỏ chỉ 0,8 - 1% toàn cầu.

Tại Hội nghị COP26 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, đi trước nhiều đối thủ cạnh tranh là Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Nga… Đây đều là những nước phát thải lớn và cạnh tranh mặt hàng trực tiếp với Việt Nam.

Theo ông Thọ, thế giới đang ở thời kỳ chuyển đổi từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sang Cách mạng công nghiệp lần thứ 5 là “Cách mạng xanh”. Dẫn chứng là Liên minh châu Âu (EU) đã thể chế hóa vào luật của mình và bắt đầu áp dụng, theo đó tất cả các công ty niêm yết bắt buộc phải thực hiện báo cáo phát triển bền vững. Việc yêu cầu giảm phát thải và báo cáo phát triển bền vững này là áp dụng với toàn bộ chuỗi cung ứng, toàn bộ hệ thống, nếu không đạt được thì sẽ bị loại bỏ về thương mại và đầu tư.

Bà Đỗ Lê Thu Ngọc - Trưởng phòng Phát triển bao trùm, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhìn nhận: Câu chuyện chuyển đổi kép với những nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam, cùng nhiều các tổ chức phát triển, hiện đã có những tác động tích cực nhất định tới cộng đồng các doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, có thể nhận thấy, các doanh nghiệp lớn thường sẽ có khả năng tiếp cận nhanh hơn, và chuyển từ nhận thức thành hành động một cách rõ ràng hơn. Trong khi các công ty nhỏ và vừa đa phần mới ở nhận thức, chưa có nhiều sự thay đổi, hành động rõ rệt.

"Hiện có nhiều thách thức trong câu chuyện chuyển đổi xanh, cần có nhân sự để hiểu được vấn đề chuyển đổi là gì, cách làm như thế nào. Ngoài ra, còn áp lực vừa tuân thủ quy định của Nhà nước và địa phương, vừa làm ra sản phẩm đủ rẻ để người tiêu dùng có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, áp lực sẽ trở thành động lực nếu doanh nghiệp biết hóa giải thách thức thành cơ hội" - bà Ngọc nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số sẽ giữ chuyển đổi xanh bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO