Chuyển đổi số ngành TN&MT: Nhận thức đóng vai trò quyết định

Linh Chi| 08/06/2021 10:21

(TN&MT) - Người dân là trung tâm của chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số được thành công thì trước tiên cần phải chuyển đổi nhận thức của mỗi người về vấn đề này. Có thể nói “Chuyển đổi nhận thức” là giải pháp cần thực hiện đầu tiên trong Chương trình chuyển đổi số TN&MT. Đây là khẳng định của ông Lê Phú Hà - Cục trưởng Cục CNTT&DLTNMT.

Thời gian qua, mỗi người dân có lẽ ít nhiều đều đã có những cảm nhận chuyển đổi số khi thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân. Lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước bao gồm: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp.

Vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đã thể hiện qua nhiều lợi ích mà người dân được thụ hưởng, trong đó có việc tiếp cận một cách nhanh nhất, bình đẳng nhất với tất cả các dịch vụ của xã hội, tạo dựng một cuộc sống, môi trường sống hiện đại, văn minh và thông minh. Có thể điểm một số dấu ấn của quá trình chuyển đổi số như: Trên 50% các Bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và bắt đầu triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đã làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số.

Xây dựng cơ sở dữ liệu số về tài nguyên và môi trường.

Trong lĩnh vực cải cách hành chính, sau khi trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào vận hành hơn một năm qua đã góp phần tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng và hàng chục triệu giờ công lao động. Gần 3.000 dịch vụ công được tích hợp trên hệ thống này đã tạo ra một sự thay đổi chưa từng có nếu so sánh với việc phải đến các cơ quan hành chính như trước. Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, công nghệ số đã giúp việc triển khai công việc không bị gián đoạn, bảo đảm sức khỏe của người dân…

Những kết quả đạt được đã khẳng định là Việt Nam có thể áp dụng mạnh mẽ kỹ thuật số vào trong nền kinh tế và hoàn toàn có khả năng phát triển mạnh kinh tế số, xã hội số. Tuy nhiên, để đến được cái đích là xây dựng nền kinh tế số và xã hội số thì vẫn cần nâng cao nhận thức, quyết tâm về “chuyển đổi số”.

Trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 nêu rõ: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. Theo đó: “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Để tạo nền móng chuyển đổi số chúng ta cần  phải chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số trong xã hội, lan truyền từ điểm tới diện, từ một nhóm tổ chức, cá nhân tiên phong tới cộng đồng, bằng những câu chuyện thành công điển hình, có tính thuyết phục cao. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.

Quyết định số 417/QĐ-BTNMT phê duyệt Chương trình chuyển đổi số TN&MT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu:

- Đến năm 2025, 80% cơ sở dữ liệu về TN&MT được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big data) 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4, được xác thực một lần, cung cấp trên nhiều nền tảng thiết bị, tối ưu hóa, mang lại sự thuận tiện cho người dùng; 70% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; duy trì 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật Nhà nước)...

- Đến năm 2030, giảm 30% thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công có sự tham gia cung cấp bởi các tổ chức ngoài Nhà nước; 100% dịch vụ hành chính công phát sinh hồ sơ trực tuyến; tích hợp các dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; 95% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính...

Quyết định này cũng chỉ rõ 4 giải pháp cần triển khai. Đó là, muốn chuyển đổi nhận thức người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách; Duy trì hoạt động hiệu quả Liên minh Chuyển đổi số để truyền cảm hứng, đi tiên phong; Xây dựng bộ nhận diện chung cho Chương trình chuyển đổi số quốc gia; Mỗi địa phương chủ động lựa chọn một xã/phường để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số ngành TN&MT: Nhận thức đóng vai trò quyết định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO