Chuyển đổi số “chắp cánh” cho sản phẩm OCOP Phú Thọ
Ngày 22/7, tại Hà Nội, chương trình “Chợ phiên OCOP về miền đất Tổ” được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Phú Thọ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Agritrade), TikTok Việt Nam và KOLIN MCN (Đơn vị chuyên đào tạo kinh doanh trên nền tảng số) tổ chức.
Quảng bá sản phẩm OCOP trên nền tảng số
Chương trình “Chợ phiên OCOP về miền đất Tổ” đánh dấu giai đoạn bản lề cho ngành thương mại điện tử của tỉnh Phú Thọ, trở thành bệ phóng giúp nông sản địa phương vươn đến tỉnh thành trên khắp cả nước, thậm chí là thị trường quốc tế.
Phát biểu khai mạc “Chợ phiên OCOP về miền đất Tổ”, ông Nguyễn Minh Tiến – Giám đốc Agritrade cho biết: Hiện nay xu hướng người tiêu dùng hướng tới những nền tảng có tính tương tác cao, nhất là đối với các đặc sản, nông sản, các sản phẩm OCOP. Qua các nền tảng đó cho phép người bán hàng, các KOL, các chủ thể kể câu chuyện giới thiệu về truyền thống, giới thiệu về quy trình, giới thiệu về xuất xứ để tăng tính tương tác giữa người tiêu dùng và người bán hàng, đặc biệt là tạo niềm tin, niềm cảm hứng cho người tiêu dùng.
Đại diện cho Công ty TikTok tại Việt Nam ông Nguyễn Lâm Thanh cho rằng: “Cùng sự phát triển thần tốc của thương mại điện tử và nền kinh tế số trong nước, nông sản Việt ngày càng lớn mạnh trên thị trường quốc tế, khẳng định tiềm năng và chất lượng của sản phẩm nội địa. Tiếp nối chương trình dài hạn OCOP phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ, đội ngũ TikTok tự hào quảng bá đặc sản địa phương, làng nghề truyền thống và các loại hình thủ công mỹ nghệ Việt Nam, góp phần xúc tiến giao thương trong khu vực và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc đến bạn bè năm châu”.
Theo chủ trương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, TikTok, với vai trò đối tác chiến lược, đã không ngừng đưa ra những sáng kiến mới nhằm xúc tiến thương mại sản phẩm nông thôn, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nâng cao, đồng thời chuyển đổi số nông thôn mới theo định hướng NTM thông minh.
Bà Vũ Diệu Thúy – Nhà sáng lập MCN Kolin chia sẻ, không chỉ dừng lại ở việc livestream quảng bá, bán các nông sản, sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ trên Tiktok Shop, Kolin MCN sẽ tiếp tục chiến dịch hỗ trợ các chủ thể tham gia kinh doanh nông sản online với các hoạt động tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao quy trình lập gian hàng, xây và vận hành kênh bán hàng...
Sự kiện livestream thu hút hơn 20 triệu lượt tương tác
Sự kiện livestream của chương trình đã thu hút hơn 20 triệu lượt xem, minh chứng cho sức hút của các sản phẩm đặc trưng của địa phương, đến từ 6 chủ thể tiêu biểu gồm có: Thịt chua Trường Foods, Chè Đinh OCOP 5 sao Hoài Trung, Bún gạo Hùng Lô, Tương Hoa Lúa, Rau sắn muối chua Liên Gia Trang, Maika food với hơn 40 sản phẩm nông đặc sản các loại. Thông qua sự hỗ trợ quảng bá đến từ các nhà sáng tạo nội dung nổi bật trên nền tảng TikTok như diễn viên Hoàng Kim Ngọc, Vũ Diệu Thúy, Huyền Trang uy tín, Đàm Đức, Hoa thịt chua, Bảo Ngọc Aerobic, Hạnh Tây Bắc TV, Vũ Trà My, Sùng Tủa, Cô Gái…
Phú Thọ được biết đến là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều vùng sản xuất cây ăn quả có múi, sản xuất lúa chất lượng cao, sản xuất chè, rau an toàn và rau nguyên liệu phục vụ chế biến. Nơi đây còn nổi tiếng với nhiều loại nông sản và đặc sản độc đáo, phong phú như: Bưởi Đoan Hùng, thịt chua Thanh Sơn, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, tương làng Cổ Đất Tổ, Bún Gạo Hùng Lô … Trên địa bàn tỉnh hiện có 396 Hợp tác xã nông nghiệp, 350 trang trại, 272 tổ hợp tác và một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn. Về sản phẩm OCOP, tính đến hiện nay tỉnh Phú Thọ đã có 139 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 92 sản phẩm 3 sao, 47 sản phẩm 4 sao, 03 sản phẩm tiềm năng 5 sao và 01 sản phẩm 5 sao.
Thông qua dự án này, TikTok đặt mục tiêu cải thiện sinh kế của 20.000 nông dân địa phương, người dân thuộc các làng nghề thủ công và các doanh nghiệp nhỏ trải dài trên khắp 63 tỉnh thành của Việt Nam, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống địa phương và thúc đẩy du lịch trên các vùng miền.