Chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia Lai: Bài 2- Hiệu quả thấp, đất bỏ hoang

17/08/2015 00:00

(TN&MT) - Hàng chục ngàn ha rừng đã bị cạo trắng để thay thế bởi những vườn cao su chết hoặc chậm phát triển. Một vài doanh nghiệp đã bán dự án hoặc tự ý chuyển...

 

(TN&MT) - Hàng chục ngàn ha rừng đã bị cạo trắng để thay thế bởi những vườn cao su chết hoặc chậm phát triển. Một vài doanh nghiệp đã bán dự án hoặc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, làm phá vỡ quy hoạch. Trong khi nhiều diện tích đất dự án bị bỏ hoang thì người dân sống trong vùng dự án lại nghèo vẫn hoàn nghèo vì thiếu đất sản xuất.  

Ngôi nhà tôn tồi tàn của người dân bị thu hồi đất trong vùng dự án
Ngôi nhà tôn tồi tàn của người dân bị thu hồi đất trong vùng dự án

Lời hứa chỉ ở trên giấy

Theo dự án đầu tư đã phê duyệt, tổng số lao động dài hạn cần tuyển dụng là 9379 lao động. Tuy nhiên, trái với những hứa hẹn, cam kết ban đầu, hiện tại, số lao động đã tuyển dụng của toàn bộ dự án là 2254 người. Trong đó, có 777 lao động là người đồng bào dân tộc tại chỗ, đây là con số quá thấp. Ngoài ra, có 2414 người chỉ là lao động thời vụ. Mức lương và tiền công công nhân thấp, đời sống của nhân dân trong vùng dự án còn nhiều khó khăn.

Chúng tôi tìm về xã biên giới Ia Púch (huyện Chư Prông, Gia Lai), nơi có 5 doanh nghiệp được giao đất để trồng cao su, nhiều diện tích cao su đã cho khai thác. Nhìn vào bản báo cáo của xã Ia Púch, hơn 9.000 ha cao su đại điền, khoảng 772 ha cây công nghiệp dài ngày như điều, cà phê, hồ tiêu, trong đó cao su tiểu điền của người dân 132 ha, 300 ha mì…Với những con số hoành tráng như thế, ít ai ngờ rằng xã Ia Púch là một xã nghèo, mà con số hộ nghèo đang ở mức cao lên đến 34%.

Tiêu biểu là gia đình Rơ Ma Khen, làng Brang, xã Ia Púch (huyện Chư Prông, Gia Lai) bị thu hồi đất làm dự án và đền bù chỉ với giá 2,5 triệu đồng/ha. Thu hồi xong, không còn chỗ ở nên Khen phải mượn miếng đất để cất cái chòi lợp tôn ở tạm. Cái chòi chừng 12m2, bên trong chẳng có gì quý giá, sàn nhà gỗ đã gãy ra thành những lỗ lớn nhưng là nơi sinh sống của 4 người. Già Rơ Mah Chat – thôn trưởng làng Brang cho biết: “Gia đình Khen đã bị thu hồi hết đất. Hàng ngày Khen đi làm cỏ mì cho người ta, hết việc lại đi mót mủ cao su sống qua ngày thôi. Làng này và các làng xung quanh đây, nhiều nhà bị thế này lắm”.

Với lý do tập quán canh tác, sản xuất của người đồng bào địa phương còn thấp, không phù hợp với việc canh tác loại cây cần kỹ thuật cao như cao su, doanh nghiệp đã ngừng tuyển người địa phương và thay vào đó là tuyển người dân tộc Mông di cư từ phía bắc vào, gây nhiều bất ổn chính trị. Bên cạnh đó, các công ty thường trả lương muộn, với giá rẻ mạt để “đuổi khéo” những người lao động đồng bào DTTS. Và vì vậy, lời hứa xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc địa phương vùng dự án có lẽ chỉ là trên giấy.

Những diện tích cao su chết, chậm phát triển bị “hô biến” thành đất trồng mía, trồng mì, trồng cỏ nuôi bò.
Những diện tích cao su chết, chậm phát triển bị “hô biến” thành đất trồng mía, trồng mì, trồng cỏ nuôi bò.

 Lãng phí tài nguyên đất

Trong khi vẫn chưa có chủ trương từ cấp có thẩm quyền, các doanh nghiệp có diện tích cây cao su bị chết, kém phát triển đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng. Cụ thể, theo thống kê sơ bộ ban đầu đã có 81 ha đất được Công ty CP Hoàng Anh đã chuyển đổi một phần diện tích đất trồng cao su bị chết hoặc kém phát triển tại tiểu khu 1148 thuộc xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, Gia Lai) để sử dụng vào mục đích khác. Cụ thể, doanh nghiệp đã trồng 34 ha mía (trồng tháng 2/2013), 43 ha trồng cỏ (trồng năm 2015) và 04 ha xây dựng trại chăn nuôi bò.

Theo khảo sát của HĐND tỉnh Gia Lai, một số diện tích cao su trên địa bàn xã Ia Blứ (Chư Pưh) đã, đang bị phá bỏ để chuyển sang sử dụng vào mục đích khác, một số diện tích cao su có dấu hiệu ngừng đầu tư, chăm sóc… Tại huyện Chư Prông, một số diện tích khai hoang hoặc đất không phù hợp trồng cao su đã được Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê trồng mì. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vùng dự án chưa được hoàn thành.

Việc các doanh nghiệp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng khi chưa có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT nếu không được chấn chỉnh, ngăn chặn sẽ tạo tiền lệ xấu. Các doanh nghiệp có thể lợi dụng việc giá mủ cao su tiếp tục xuống thấp để ngừng đầu tư chăm sóc các diện tích cao su, để cây cao su tự chết, kém phát triển rồi phá bỏ chuyển sang trồng các loại cây khác. Nhiều diện tích đất đã khai hoang nhưng không được trồng cao su, hàng ngàn ha cao su chết hoặc kém phát triển nhưng vẫn chưa có chủ trương trồng cây thay thế, dẫn đến đất bị bỏ không, gây lãng phí nguồn tài nguyên.

Say 7 năm triển khai thực hiện Dự án chuyển đổi 50000 ha rừng nghèo sang trồng cao su với nhiều kỳ vọng là mang lại đổi thay cho tỉnh Gia Lai về mọi mặt, thì giờ đây, dự án không những không có hiệu quả mà còn ngày càng bộc lỗ rõ nhiều sai lầm. Thế nhưng, nói đến trách nhiệm thì không biết thuộc về ai?

Bài & ảnh: Quế Mai

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia Lai: Bài 2- Hiệu quả thấp, đất bỏ hoang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO