Chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia Lai: Bài 1: Vội vàng phá rừng để trồng cao su?

13/08/2015 00:00

(TN&MT) - Dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su tại Gia Lai triển khai năm 2008. Sau 7 năm thực hiện, Dự án xuất hiện nhiều vấn đề: hiệu quả kinh tế - xã hội từ Dự án vẫn chưa đạt được như mục tiêu đề ra; tình trạng tranh chấp đất trong vùng Dự án không được giải quyết triệt để; nhiều diện tích đất rừng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, hàng nghìn ha đất khai hoang bị bỏ không gây lãng phí tài nguyên.

Bài 1: Vội vàng phá rừng để trồng cao su?

Thực hiện Dự án, UBND tỉnh Gia Lai đã nhanh chóng cấp phép 44 dự án cho 17 doanh nghiệp. Hàng chục ngàn ha rừng tự nhiên bị đốn hạ để thay thế bằng cao su. Tuy nhiên, do công tác khảo sát bước đầu được tiến hành quá vội vàng và chủ quan nên đã để lại nhiều hậu quả.

Ồ ạt phá rừng trồng cao su

Nằm trong Dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2008, tỉnh Gia Lai được phân chỉ tiêu 50.000 ha/100.000 ha của toàn khu vực Tây Nguyên. Để thực hiện Dự án, UBND tỉnh Gia Lai đã cho phép 44 dự án trồng cao su trên đất có rừng tự nhiên nghèo, cho 17 doanh nghiệp thuê đất trồng cao su trên địa bàn 5 huyện Chư Prông, Chư Pưh, Đức Cơ, Ia Pa và Ia Grai, với diện tích 32.555,6 ha. Tổng kinh phí đầu tư hơn 4.670,2 tỷ đồng.

Sau 7 năm thực hiện, đến nay các doanh nghiệp đã khai hoang 27.642 ha, diện tích đã trồng cao su 25.547,4 ha, 7.008 ha diện tích đất khai hoang chưa trồng, diện tích chưa khai hoang 4.913,5 ha. Điều đáng nói, nhiều diện tích đất của người dân (phần lớn là của người đồng bào dân tộc thiểu số) bị thu hồi đã gây ra nhiều bất ổn về kinh tế, xã hội ngay tại khu vực Dự án. Cho đến nay, tình trạng tranh chấp đất đai trong vùng Dự án giữa người dân với doanh nghiệp vẫn đang diễn ra và chưa được giải quyết triệt để như tại xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh), xã Đăk Djrăng (huyện Mang Yang), xã Ia Lâu (huyện Chư Prông)…

Nhiều diện tích cao su bị chết hoặc chậm phát triển do điều kiện đất đai không phù hợp
Nhiều diện tích cao su bị chết hoặc chậm phát triển do điều kiện đất đai không phù hợp

Dự án được kỳ vọng, tuy nhiên ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện từ các bước như điều tra rừng, khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu cũng như khai hoang, trồng thử nghiệm xem có phù hợp hay không…, đều được làm một cách qua quýt, đối phó để doanh nghiệp nhanh chóng được giao đất, giao rừng, tiến hành khai thác gỗ, lấy đất trồng cao su. Theo đó, hàng chục ngàn ha rừng bị phá trụi, rừng bị cạo trắng, bất chấp các hệ lụy về môi trường và sinh thái tự nhiên. Kéo theo đó, “lâm tặc” càng có cơ hội để khai thác gỗ trái phép ở những diện tích rừng nằm gần khu vực Dự án.

Vỡ mộng với cao su

Chính công tác điều tra, khảo sát được làm một cách qua quýt, đối phó dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Những diện tích rừng có đất không phù hợp như rừng khộp, nghèo dinh dưỡng, nền đất cát pha, xen lẫn đá sỏi, tầng canh tác mỏng, một số lô có tầng đá ban dày, vùng đất thấp, trũng bị ngập úng vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô… cũng đã bị cạo trắng để trồng cao su.

Đã có 2.598,8/25.547,4 ha cao su bị chết và kém phát triển, chiếm 10,2% diện tích. Một số diện tích có chất lượng sinh trưởng, phát triển kém, tỷ lệ sống đạt thấp (65%), có lô bị chết hoàn toàn. Có vườn cây cao su trồng 7 năm nhưng năng suất và chất lượng mủ thấp hơn mức bình thường. Có lô cao su đã trồng đi, trồng lại nhiều lần nhưng cây cao su vẫn không thể phát triển. Diện tích này tập trung chủ yếu tại địa bàn các xã Ia Mơr (huyện Chư Prông), Ia Pnôn (huyện Đức Cơ), Pờ Tó (huyện Ia Pa), Ia Blứ (huyện Chư Pưh) của các đơn vị như Công ty Cao su Chư Sê, Công ty Cổ phần Trồng rừng Công nghiệp Gia Lai (Hoàng Anh Gia Lai) Công ty Quang Đức.

Khi được tham gia Dự án, các doanh nghiệp cam kết với UBND tỉnh Gia Lai sẽ hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng vùng dự án 188,5 tỷ đồng, hỗ trợ an sinh xã hội gần 60 tỷ đồng… Tuy nhiên, trong khảo sát mới đây của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai về Kết quả giám sát Dự án Chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su, các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (nhà ở cho công nhân, khu làm việc của dự án…), nhưng đó mới chỉ là đầu tư cho doanh nghiệp, chứ không phải đầu tư cho địa phương.

Gỗ bị “lâm tặc” khai thác lậu ở ngoài vùng dự án tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai)
Gỗ bị “lâm tặc” khai thác lậu ở ngoài vùng dự án tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông, Gia Lai)

Ngoài ra, nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng, xuống cấp trong quá trình khai hoang, kiến thiết cơ bản do vận chuyển khối lượng lớn gỗ củi tận thu từ rừng, vận chuyển cây con, phân bón của doanh nghiệp. Điều đặc biệt, qua 7 năm thực hiện Dự án, UBND tỉnh Gia Lai vẫn chưa thu được tiền thuê đất của doanh nghiệp nộp vào ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, khoản tiền bán gỗ, củi trên diện tích khai hoang vẫn còn nợ ngân sách tỉnh trên 8 tỷ đồng. 

Dự án được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả to lớn về kinh tế xã hội như: giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng Dự án, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới… Nhưng tại thời điểm này, hiệu quả chẳng đến đâu. Cộng với khủng hoảng của ngành cao su do giá mủ cao su xuống quá thấp đã khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, Dự án ì ạch trong giai đoạn sắp phá sản.

Bài và ảnh: Quế Mai

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su ở Gia Lai: Bài 1: Vội vàng phá rừng để trồng cao su?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO