Đất đai

Chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp: Điểm sáng ở Quỳ Châu

Tuấn Lân 02/03/2018 19:40

(TN&MT) - Đến huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An) được nghe chính quyền nơi đây hỗ trợ kinh phí và thực hiện giúp dân các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp; để từ rừng tự nhiên sản xuất nghèo kiệt, đất trống đồi trọc được cải tạo trồng rừng sản xuất.

Tìm hiểu, việc chính quyền huyện Quỳ Châu giúp dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp được thực hiện theo Thông tư 23/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT quy định về cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất. Từ năm 2016 đến nay, Quỳ Châu đã giúp cho được gần 570 hộ dân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Nghị định 163. Nhưng để có được kết quả này, là một câu chuyện dài đầy trăn trở. Quỳ Châu từ nhiều năm trước, từng là một điểm nóng của tỉnh về tình trạng phá rừng tự nhiên, xâm lấn đất nông lâm trường và chuyển nhượng trái phép quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Nguyên nhân có nhiều, nhưng gốc rễ, nguồn cơn dẫn đến tình trạng này cơ bản là do đời sống của người dân quá khó khăn, “nóng tay phải bắt lỗ tai”.

anh-3.jpg
Phần lớn những hộ dân ở Quỳ Châu được Nhà nước giao rừng đều là đồng bào các dân tộc thiểu số

Hiểu rõ nguyên nhân cốt lõi là như vậy, nên cũng trong nhiều năm qua, chính quyền huyện Quỳ Châu bên cạnh tập trung cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật; chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm... đau đầu tìm lời giải để giải quyết bài toán dân sinh.

Nghiên cứu Thông tư 23 của Bộ NN&PTNT, thấy rằng, với rừng tự nhiên sản xuất nhưng nghèo kiệt, chủ rừng là tổ chức, cộng đồng hay hộ gia đình đều sẽ được làm các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất để trồng rừng thay thế. Quỳ Châu có đông đảo các hộ dân được nhà nước giao quản lý rừng tự nhiên sản xuất, nhưng có nhiều diện tích rừng nghèo kiệt, thậm chí là đất trống đồi trọc. Vì
vậy, những quy định tại Thông tư 23 rõ ràng là một lối mở, tại sao chưa được áp dụng?

Đi tìm câu trả lời, các cán bộ huyện Quỳ Châu hiểu nguyên do là bởi phần lớn những hộ dân ở Quỳ Châu được Nhà nước giao rừng đều là đồng bào các dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức có hạn, trong khi điều kiện kinh tế khó khăn, làm sao có thể tự nắm bắt, thực hiện được các thủ tục để được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận?
Và lời giải đã bật ra từ đây. Chính quyền phải thực sự quan tâm vào cuộc giúp cho dân thực hiện các thủ tục để người dân được chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, từ rừng nghèo kiệt, cải tạo trồng rừng thay thế. Năm 2016, huyện Quỳ Châu chỉ đạo chính quyền các xã, thông tin đến nhân dân biết về việc huyện sẽ xem xét, giúp người dân có nguyện vọng chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp. Và để kích cầu, cũng trong năm này Quỳ Châu đã trích 200 triệu đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp nông nghiệp hỗ trợ 50% kinh phí cho người dân làm thủ tục theo quy định.

Một việc làm mà huyện Quỳ Châu thận trọng, quan tâm thực hiện, đó là phải đánh giá chính xác thực trạng rừng tự nhiên sản xuất; chỉ rừng nghèo kiệt hoặc đất trống đổi trọc mới được phép thực hiện thủ tục chuyển đổi. Bởi nếu để xẩy ra việc đánh giá thiếu khách quan, không chính xác, vô hình chung sẽ tạo điều kiện cho việc phá hại rừng tự nhiên. Vì vậy, UBND huyện Quỳ Châu giao trách nhiệm cho Hạt Kiểm lâm phối hợp các phòng chuyên môn và chính quyền các xã thực hiện kiểm tra, đánh thực trạng rừng một cách nghiêm ngặt.

anh-1-1.jpg
Đây không chỉ là cú hích giúp người dân phát triển kinh tế lâu dài, mà qua đó còn giảm những áp lực của người dân lên rừng tự nhiên...

Qua rà soát, bóc tách rõ ràng đâu là rừng tự nhiên sản xuất cần bảo vệ; đâu là rừng nghèo kiệt không thể phục hổi và đất trống đồi trọc có thể chuyển đổi trồng rừng thay thế. Từ đó, thực hiện quy trình, lập hồ sơ theo đúng trình tự để ngành có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định tại Thông tư 23 của Bộ NN&PTNT.
Các cán bộ Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu tham gia các cuộc cuộc kiểm tra, rà soát cho hay, các diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn cần bảo vệ, đã được lập hồ sơ, có niêm yết thậm chí đánh số cho từng cây gỗ; bên cạnh đó, có khoảng 8.000 ha đất lâm nghiệp là đất có rừng nghèo kiệt, hoặc đất trống đồi trọc có thể chuyển đổi cải tạo trồng rừng sản xuất.

Về việc huyện Quỳ Châu có chủ trương giúp dân, trích một phần ngân sách hỗ trợ dân thực hiện các thủ tục thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, theo các anh là một việc làm tích cực, vì dân mà hành động. Đây không chỉ là cú hích giúp người dân phát triển kinh tế lâu dài, mà qua đó còn giảm những áp lực của người dân lên rừng tự nhiên...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp: Điểm sáng ở Quỳ Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO