Chung tay vì một môi trường không khói thuốc lá: Đẩy lùi mối đe dọa

Xuân Hợp| 30/05/2022 23:42

(TN&MT) - Với mục tiêu xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ quan, đơn vị, đồng thời, nâng cao sức khỏe của cán bộ công chức, viên chức và người lao động, thời gian qua, Bộ TN&MT đã có những biện pháp tích cực lan tỏa và đi vào chiều sâu nhằm đẩy lùi tác hại của thuốc lá.

Từ những tác hại tới môi trường…

Hút thuốc là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường học, nơi công cộng và ngoài trời do khói thuốc thải ra ngoài không khí hàng ngàn chất hóa học độc hại. Ngoài tác hại đối với sức khỏe, thuốc lá cũng góp phần không nhỏ vào việc hủy hoại môi trường.

Theo thống kê của Bộ TN&MT, ở nước ta hiện nay, tỷ lệ bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại nhà là 67,6% và tại nơi làm việc là 49,0%. Đặc biệt, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của phụ nữ gần 70%, của trẻ em gần 50%. Như vậy, số người phải thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động rất cao.

dsc_3284.jpg

Quang cảnh Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25 - 31/5/2022 do Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá tổ chức. Ảnh: Hoàng Minh

Khói thuốc tạo ra nhiều hạt muội là yếu tố gây ô nhiễm không khí nguy hiểm đối với sức khoẻ con người. Những người hút thuốc có lẽ không biết rằng lượng chất độc họ tạo ra khi hút 3 điếu thuốc nhiều gấp 10 lần lượng chất độc do một chiếc xe hơi thải ra. Nồng độ hạt muội đo được trong không khí sau khi động cơ chạy 1 giờ đầu tiên là 88 ug/m3.

Trong khi đó, nồng độ này ở những điếu thuốc lá trong cùng thời gian là 830 ug/m3 - lớn hơn gần 10 lần. Điều đáng chú ý là khi hoạt động với công suất lớn nhất, lượng hạt muội mà động cơ diesel thải ra trong garage chỉ lớn gấp đôi nồng độ đo được ngoài trời. Trong khi đó, nồng độ hạt muội từ khói thuốc cao gấp 15 lần nồng độ bên ngoài.

Bên cạnh đó, quá trình sản xuất thuốc lá cũng giải phóng độc tố vào không khí và đất. Suy thoái đất do ô nhiễm công nghiệp làm cho đất trồng trọt không thích hợp để trồng trọt. Quá trình sản xuất thuốc lá tạo ra lượng chất thải rất lớn, trong đó, ngoài những chất hữu cơ thông thường như bụi than, giấy vụn... và nhiều chất độc khác có trong bụi thuốc lá và môi trường không khí tại nơi sản xuất và khu vực lân cận, bao gồm chất dầu, chất dẻo và amoniac, etylen, glycol, nicotin...

… đến những hành động quyết liệt

Trên cơ sở xác định rõ những tác hại của khói thuốc lá tới môi trường và sức khỏe con người, thời gian qua, tại Bộ TN&MT, công tác phòng chống tác hại thuốc lá luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá được triển khai đến từng đơn vị, đặc biệt là việc nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm, có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá; việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường khoảng 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẫu thuốc lá.

Bộ TN&MT và các đơn vị đều thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo và xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ công chức, viên chức, người lao động như xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, đăng tải các có nội dung về công tác phòng, chống tác hại thuốc lá trên Cổng Thông tin điện tử, Báo, Tạp chí của Bộ; thường xuyên tuyên truyền cập nhật các tin tức, văn bản, quy định pháp luật mới liên quan về phòng, chống tác hại thuốc lá, các mô hình, sáng kiến hay của các tập thể, cá nhân trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá... Đặc biệt, nhiều cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đã xây dựng thành công mô hình “Văn phòng xanh không khói thuốc”, “Giảng đường không khói thuốc”…

Hưởng ứng Ngày Thế giới không hút thuốc và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá 25 - 31/5 năm 2022 và thực hiện thắng lợi kế hoạch phòng chống tác hại thuốc lá giai đoạn 2021 -2022 của Bộ TN&MT, lãnh đạo Bộ TN&MT đề nghị và kêu gọi toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên thanh niên Bộ TN&MT tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm.

Cụ thể: các đơn vị tiếp tục tăng cường quán triệt, phổ biến và thực hiện nghiêm quy định của Luật Phòng chống thuốc lá; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại các đơn vị.

Đặc biệt, lãnh đạo các đơn vị gương mẫu thực hiện quy định không hút thuốc lá nơi làm việc và các địa điểm có quy định cấm hút thuốc. Các đơn vị đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn đánh giá thi đua của cán bộ, viên chức, người lao động; có hình thức động viên, khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng chống tác hại thuốc lá.

Trong một điếu thuốc lá chứa xấp xỉ 600 thành phần. Khi điếu thuốc được đốt lên, tạo ra hơn 7.000 hóa chất, trong đó, ít nhất 69 hóa chất được xác nhận là nguyên nhân gây nên ung thư và nhiều hóa chất khác là siêu độc tố. Đó là Aceton là chất tẩy trong thuốc sơn móng tay, Amoniac là chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh, DDT/Dieldrin là thuốc trừ sâu, Arsenic là chất được sử dụng trong thuốc diệt chuột, hay như Methanol formaldehyde chất để ướp xác chết…

Cùng với đó, các đơn vị tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng chống tác hại thuốc lá; lồng ghép tuyên truyền xây dựng “môi trường không khói thuốc” và gương điển hình trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá...

Ngoài ra, có những hành động thiết thực để từ bỏ thuốc lá, tuyên truyền, vận động đồng nghiệp, người thân, bạn bè từ bỏ sử dụng, buôn bán các sản phẩm thuốc lá nhằm hướng đến xây dựng một môi trường sống và làm việc xanh, trong lành và khỏe mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay vì một môi trường không khói thuốc lá: Đẩy lùi mối đe dọa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO