Chung tay phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường bền vững và hội nhập

Ngân Trang - Trung Tú - Đan Chi| 01/01/2021 14:05

(TN&MT) - Những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua của ngành Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt năm 2020, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã minh chứng cho sự lớn mạnh, phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.

Trong tâm thế thắng lợi đó, bước sang năm 2021, toàn thể Lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động ngành Tài nguyên và Môi trường cùng chung tay phát triển Ngành bền vững và hội nhập.

Ông Phạm Tân Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ: Công tác cán bộ có nhiều điểm mới

Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, Vụ Tổ chức cán bộ đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu giúp lãnh đạo Bộ TN&MT về công tác kiện toàn tổ chức bộ máy; củng cố, tăng cường năng lực đội ngũ công chức, viên chức; triển khai tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và các chính sách, pháp luật mới về công tác tổ chức cán bộ. Từ đó, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường.

Ông Phạm Tân Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ

Cụ thể, tổ chức bộ máy được triển khai theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đối với tổ chức bộ máy của Bộ, đến cuối nhiệm kỳ đã giảm 1 tổ chức hành chính trực thuộc Bộ và 73 tổ chức phòng, chi cục so với năm 2015; tổ chức lại 3 Cục trực thuộc Tổng cục thành mô hình Vụ; đã sáp nhập, giải thể 11 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các Tổng cục, Cục và 113 tổ chức cấp phòng thuộc các đơn vị sự nghiệp. Số lượng lãnh đạo cấp phó giảm (đã giảm 92 cấp phó từ cấp phòng trở lên tại các tổ chức hành chính). Ở các địa phương, đến nay có khoảng 30 Sở TN&MT đã tiến hành kiện toàn cơ cấu tổ chức.

Cùng với việc kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy, Vụ đã thực hiện tốt công tác tham mưu và tổ chức triển khai quá trình tinh giản biên chế; sắp xếp, bố trí lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm, phù hợp với năng lực, sở trường; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng. Cụ thể: Bộ đã điều chỉnh Quy hoạch phát triển nhân lực ngành TN&MT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Bộ giai đoạn 2016 - 2020; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn với tiêu chuẩn chức danh; đa dạng hóa các nguồn lực và hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp với từng đối tượng.

Trong nhiệm kỳ qua, các Trường Đại học trực thuộc Bộ đã được củng cố và kiện toàn cùng với việc thành lập Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT đã giúp cho việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực của Bộ, ngành có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bộ đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng khoảng 7.000 lượt công chức, viên chức.

Năm 2021, Vụ Tổ chức cán bộ sẽ tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, hệ thống tổ chức bộ máy của Bộ, ngành và đề xuất phương án sắp xếp phù hợp; đẩy mạnh việc hướng dẫn, triển khai áp dụng vị trí việc làm vào công tác quản lý công chức và viên chức từ Trung ương tới địa phương.

Ông Trần Bình Trọng – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT): Ứng dụng công nghệ có hiệu quả vào ngành tài nguyên và môi trường

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Vụ KH&CN, Bộ TN&MT đã triển khai 410 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ theo 8 chương trình trọng điểm cấp Bộ và các đề tài độc lập nhằm phục vụ công tác quản lý Nhà nước, ứng dụng công nghệ, điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, Vụ KH&CN còn triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu phục vụ công tác quản lý Nhà nước của Bộ liên quan đến công nghệ thông tin và quản lý, đào tạo.

Các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng các văn bản pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường và trong việc ứng dụng thực tiễn như xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật trong các lĩnh vực quản lý của Bộ.

Ông Trần Bình Trọng – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT)

Đặc biệt, một số công trình nghiên cứu khoa học đã có “địa chỉ ứng dụng” cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ ngành khí tượng thủy văn như: giám sát, dự báo, cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm (bão, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, trượt lở đất; rét đậm, nắng nóng,…) rút ngắn thời gian tiến hành dự báo, cung cấp luận cứ khoa học cho việc nâng cao chất lượng dự báo, phục vụ khí tượng thủy văn. Nâng cao năng lực quan trắc môi trường; dự báo, kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng môi trường góp phần phục vụ sử dụng hợp lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học bền vững;…Các kết quả của đề tài nghiên cứu cũng góp phần to lớn vào việc nâng cao hoạt động quản lý Nhà nước và chuyên môn nghiệp vụ như: quan trắc kết hợp với thiết bị không người lái trong điều tra cơ bản, quan trắc, xử lý số liệu, lưu giữ và khai thác cơ sở dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu TN&MT... đáp ứng kịp thời, nâng cao trình độ công nghệ và chất lượng công tác điều tra cơ bản tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên địa chất và khoáng sản, tài nguyên biển.

Các công trình khoa học công nghệ thuộc phạm vi quản lý của Vụ KH&CN cũng đạt được những kết quả nghiên cứu ứng dụng quan trọng trong việc chuyển đổi số và Chính phủ điện tử, ứng dụng trực tiếp cho Bộ TN&MT trong quản lý và điều hành, bao gồm: Cơ sở dữ liệu ngành, Hệ thống hồ sơ công việc, hệ thống họp trực tuyến, Hội đồng họp trực tuyến…

Mặc dù vậy, hoạt động khoa học công nghệ giai đoạn 2016 - 2020 của ngành TN&MT vẫn còn những hạn chế cần phải khắc phục như trình độ khoa học và công nghệ của các kết quả nghiên cứu về công nghệ phục vụ điều tra cơ bản chỉ đạt trình độ trung bình; việc đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu còn hạn chế, số lượng các kết quả nghiên cứu có đăng ký sở hữu trí tuệ rất ít, tập trung chủ yếu ở các đề tài thuộc loại hình nghiên cứu, chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động điều tra cơ bản.

Trong thời gian tới, Vụ KH&CN sẽ tập trung nghiên cứu, làm rõ cơ sở khoa học và đánh giá toàn diện những vấn đề còn đang vướng mắc; Nghiên cứu đề xuất, xây dựng và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm hoàn thiện các nền tảng cơ bản phục vụ cho ngành TN&MT phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Vĩnh Khang - Phó Chánh Văn phòng Bộ TN&MT: Xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử đạt 98%

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC của Bộ TN&MT luôn được coi trọng và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, điều này được thể hiện rất rõ trong quá trình tổ chức và hoạt động của Văn phòng tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của Bộ, đặc biệt trong 5 năm giai đoạn 2015 - 2020.

Hiện tại, Bộ đã triển khai 108 Dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ, trong đó, có 53 DVC mức độ 3, 55 DVC mức độ 4, đạt khoảng 50,9% (trong đó, 1 DVC kết nối liên thông đến địa phương và 5 DVC kết nối liên thông với Hệ thống Hải quan một cửa quốc gia).

Ông Nguyễn Vĩnh Khang - Phó Chánh Văn phòng Bộ TN&MT

Bộ đã rà soát, cập nhật chỉ tiêu thông tin, quy trình thực hiện đối với 6 thủ tục đang vận hành trên Cổng Thông tin một cửa quốc gia bảo đảm phù hợp với quy định đã được sửa đổi; Kết nối, tích hợp Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ với Hệ thống dịch vụ thanh toán điện tử VNPay cho phép tổ chức, doanh nghiệp, người dân thanh toán phí, lệ phí (nếu có) trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính.
Việc xử lý văn bản, hồ sơ công việc thực hiện trên môi trường điện tử (trừ văn bản mật) qua Trục liên thông văn bản quốc gia đạt tỷ lệ 98%. Hoàn thành xây dựng, nâng cấp, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo tổng hợp ngành TN&MT (tại địa chỉ: https://bcth.monre.gov.vn), đáp ứng đầy đủ các nghiệp vụ báo cáo theo quy định của Chính phủ, các chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi chức năng, quản lý Nhà nước của Bộ, các yêu cầu về chức năng, tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, cấu trúc định dạng dữ liệu theo quy định. Hiện nay, Bộ đã hoàn thành một số nội dung triển khai kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Đối với Kết quả giải quyết TTHC trong 9 tháng năm 2020, Bộ đã thực hiện xử lý tổng số 4.632 hồ sơ (gồm 1.068 hồ sơ năm 2019 chuyển sang và 3.564 hồ sơ nộp mới năm 2020); các đơn vị đã thực hiện xử lý và trả kết quả cấp phép cho 3.511 hồ sơ, đạt tỷ lệ hoàn thành là 75,8% tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái (gồm 566 hồ sơ năm 2019 và 2.945 hồ sơ năm 2020).

Để tăng cường công tác cải cách hành chính, hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số, tháng 6/2020, Bộ TN&MT đã khai trương Trung tâm Điều hành thông minh nhằm xây dựng, tạo lập hành lang pháp lý cho triển khai, vận hành Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng hạ tầng dữ liệu TN&MT, nền tảng triển khai Chính phủ điện tử; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng các nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị trực thuộc, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin; phát triển các ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, xây dựng văn phòng thông minh, văn phòng không giấy tờ…

Chứng kiến báo cáo và sự vận hành của hệ thống thông minh này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng rất ấn tượng về ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý của Bộ TN&MT và cho biết đây là một trong 3 Bộ/ngành tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành quản lý.

Với Trung tâm điều hành thông minh, số liệu rõ ràng được kết nối với hệ thống quan trắc, bản đồ theo dõi từng lĩnh vực của Ngành như nước, không khí, môi trường… công khai, minh bạch, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, "chỉ những Bộ/ngành quyết tâm đổi mới công tác quản lý điều hành mới dám làm".

PGS.TS. Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT TP.HCM: Chủ động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Trước bối cảnh tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta đang phải đối diện với thách thức về khan hiếm tài nguyên, ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM luôn xác định rõ sứ mệnh và nhiệm vụ được giao, là đơn vị đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT). Tính đến nay, Nhà trường đã đào tạo được hàng ngàn cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp trong lĩnh vực TN&MT để phục vụ cho khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

PGS.TS. Huỳnh Quyền - Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT TP.HCM

Nhà trường hiện có 11 khoa và 17 ngành, chuyên ngành bao trùm tất cả các chuyên ngành TN&MT. Thời gian qua, công tác tuyển sinh một số ngành của Nhà trường vẫn còn những khó khăn nhất định do nhu cầu của người học. Tuy nhiên, Nhà trường vẫn tiếp tục khắc phục để duy trì tốt công tác đào tạo, bởi Nhà trường xác định công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của đất nước rất cần nguồn nhân lực chuyên môn này trong thời gian tới.

Trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia đang hội nhập sâu rộng và phát triển và đặc biệt thời kỳ công nghiệp 4.0, để đáp ứng được nguồn nhân lực cho ngành TN&MT, trong chiến lược phát triển của mình, Nhà trường luôn chủ động triển khai cập nhật, điều chỉnh chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra cho từng chuyên ngành, phương pháp giảng dạy tích cực được dần dần thay thế phương pháp giảng dạy cổ điển và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ hoạt động dạy và học.

Cùng với đó, Nhà trường cũng đã và đang triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực đào tạo của giảng viên theo các kỹ năng mới, kỹ năng người giảng viên thế kỷ 21. Với công tác chuẩn bị và hoạt động đó, Nhà trường sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và từng bước thực hiện được mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực TN&MT phục vụ cho sự phát triển của ngành TN&MT tại khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung.

PGS.TS. Hoàng Anh Huy – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học TN&MT Hà Nội: Đào tạo phù hợp chuẩn đầu ra của ngành

Trường Đại học TN&MT Hà Nội với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác quản lý, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ về lĩnh vực tài nguyên và môi trường đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế dưới tác động của biến đổi khí hậu. Hội đồng trường, Ban Giám hiệu cùng tập thể đội ngũ giảng viên nhận định rõ được vai trò và tầm quan trọng của việc đào tạo, cũng như phát huy tốt nguồn nhân lực này. Do đó công tác đào tạo được nâng cao đảm bảo phù hợp chuẩn đầu ra của ngành, phù hợp với vị trí việc làm của người học, tiệm cận được yêu cầu của khu vực và quốc tế.

Trong những năm qua, Nhà trường đã có nhiều đổi mới, tiến bộ trong công tác đào tạo. Cụ thể, đã cập nhật, phát triển về chương trình đào tạo từ đào tạo theo hình thức niên chế sang đào tạo theo hệ tín chỉ; Chương trình đào tạo được xây dựng theo cách tiếp cận chuẩn của khu vực và quốc tế, đổi mới phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội. Điều này giúp sinh viên, người học chủ động trong việc học tập, nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn.

PGS.TS. Hoàng Anh Huy – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học TN&MT Hà Nội

Trong thời gian tới, để tiếp tục đạt được những thành tựu đáng kể trong đào tạo, đặc biệt thúc đẩy sáng kiến, đổi mới trong công tác đào tạo nhân lực cho ngành TN&MT, Nhà trường sẽ nỗ lực đi tắt đón đầu, mạnh dạn đầu tư và đổi mới công tác đào tạo gắn liền nghiệp vụ chuyên môn với mục tiêu để công tác đào tạo đạt kết quả và chất lượng tốt nhất.

Vì vậy, Trường Đại học TN&MT Hà Nội coi đó là động lực cần phải đổi mới trong công tác đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ vào thực tiễn và phục vụ cộng đồng, đáp ứng yêu cầu mới đặt ra cho tương lai.

TS. Nguyễn Đức Toàn – Hiệu trưởng trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT: Không ngừng vận động, đổi mới đào tạo nhằm tăng cường gắn kết với địa phương   

Với vai trò là đơn vị duy nhất trực thuộc Bộ có chức năng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và phục vụ trực tiếp công tác quản lý Nhà nước ngành TN&MT, Trường đang từng bước đáp ứng yêu cầu của ngành và xã hội, luôn vận động, đổi mới cách tiếp cận và triết lý đào tạo theo hướng giảng dạy tích cực, truyền cảm hứng, thiết thực trong trao đổi, chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm.

TS. Nguyễn Đức Toàn – Hiệu trưởng trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ TN&MT

Trong năm 2020, Trường được Bộ Nội vụ đánh giá là đơn vị đi đầu và là mô hình cần nhân rộng trong hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong việc triển khai Cổng Đào tạo trực tuyến (E-learning) chuyên nghiệp. Đây là xu thế chung của thế giới, nhằm ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến của kỷ nguyên CMCN 4.0 vào đào tạo, bồi dưỡng. Với học viên là các cán bộ có nhu cầu nâng cao trình độ nhưng vẫn phải hoàn thành công việc, hệ thống này đã thực sự lấy người học làm trung tâm khi tạo điều kiện để học viên tiếp thu kiến thức mọi lúc, mọi nơi và cung cấp nguồn tư liệu tra cứu hữu ích.

Trường đã trở thành cầu nối giúp gắn kết, trao đổi thông tin hai chiều giữa các Sở và Bộ, với giảng viên chính là lãnh đạo đang làm việc ở các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ hoặc các chuyên gia trong và ngoài nước. Các khóa bồi dưỡng thực sự là diễn đàn bày tỏ quan điểm, các vấn đề của địa phương và đơn vị nơi học viên công tác và là nơi trao đổi kinh nghiệm, cách thức xử lý tình huống tương tự. Đến nay, Trường đã bồi dưỡng được gần 15 nghìn lượt học viên trong và ngoài Bộ cho 40/63 tỉnh thành. Nhiều địa phương đã và đang đặt hàng, ký thỏa thuận hợp tác bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Quãng Ngãi...

Yên bình rừng cò Núi Hứa (thôn Làng Ruộng, xã Đại Bình, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh)

Trường cũng tích cực tham gia vào công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực TN&MT thông qua việc chủ trì, phối hợp xây dựng và triển khai nhiều đề án, nhiệm vụ quan trọng của ngành như: Đề án tăng cường năng lực quản lý viễn thám; Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về đất đai giai đoạn 2019 - 2025, nhiệm vụ Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường từ Trung ương đến địa phương về quản lý chất thải rắn, giai đoạn 2021 - 2025...

Bước sang năm mới 2021, Trường sẽ tiếp tục đề cao đoàn kết nội bộ, chung sức đồng lòng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với lộ trình bài bản, đảm bảo công tác đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn của các giá trị cốt lõi: Chất lượng - Hiệu quả - Chuyên nghiệp - Hội nhập.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay phát triển ngành Tài nguyên và Môi trường bền vững và hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO