(TN&MT) - Vào hồi 20h, tối 25/4, Festival Đờn ca tài tử (ĐCTT) Quốc gia lần thứ I – Bạc Liêu 2014 đã chính thức khai mạc tại quảng trường Hùng Vương, TP.Bạc Liêu. Tham dự Lễ khai mạc có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, nghệ nhân ĐCTT của 21 tỉnh, thành Nam bộ cùng hàng ngàn người dân tỉnh Bạc Liêu và các địa phương lân cận.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ khai mạc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Văn Dũng - Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu cho biết: Đây là lần đầu tiên một không gian đờn ca tài tử được tạo dựng, là nơi giao lưu, gặp gỡ của các nghệ nhân, nghệ sĩ và người mộ điệu cả nước; là diễn đàn trao đổi, bàn luận về trách nhiệm bảo tồn, lưu giữ và phát triển Nghệ thuật ĐCTT… Bạc Liêu ý thức sâu sắc rằng: Bản sắc văn hóa Nam bộ chính là động lực để Nam bộ phát triển, mà Nghệ thuật ĐCTT là yếu tố rất quan trọng góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa ấy. Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất tại Bạc Liêu nhằm làm sâu sắc thêm tiềm năng, lợi thế và sức mạnh của Nam bộ, là diễn đàn phát đi thông điệp: “Phải bảo tồn, phát huy những giá trị vĩnh hằng ấy”…
Chiếc đờn kìm độc đáo của tỉnh Bạc Liêu
Với chủ đề “Đờn ca tài tử, tình người - tình đất phương Nam”, chương trình ca nhạc diễn ra ấn tượng và hoành tráng với sự tham gia của hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, vũ công trong cả nước. Sân khấu khai mạc đậm chất Nam bộ và điểm nhấn là mô hình bộ “tứ tuyệt”: kìm - cò - tranh - bầu, đặt ở vị trí trung tâm. Xuyên xuốt chương trình tái hiện lại câu chuyện kể về sự ra đời và những nét đặc sắc của nghệ thuật ĐCTT, sự hình thành bản Dạ cổ hoài lang trên quê hương Bạc Liêu và quá trình cải tiến thành bài vọng cổ. Lần lượt những điệu thức chính: Nam, Bắc, Bắc lễ, Oán trong 20 bài bản Tổ của ĐCTT, từ bài Dạ cổ hoài lang nhịp 2 đến bài vọng cổ nhịp 32 được tái hiện trên sân khấu.
Các nghệ nhân chụp hình lưu niệm với GS.TS Trần Văn Khê.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Festival ĐCTT lần thứ nhất là hoạt động có quy mô đầu tiên hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT – di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là hành động thiết thực bảo tồn các giá trị di sản văn hóa dân tộc – được xác định là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa của đất nước, góp phần gìn giữ cốt cách, tâm hồn và bản lĩnh Việt Nam. Phó Thủ tướng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ âm thanh, hình ảnh và truyền thông sẽ giúp ĐCTT vang xa hơn nhưng cũng đặt ra thách thức không nhỏ trong việc giữ gìn bản sắc của ĐCTT. “Chúng ta hãy cùng chung tay để ĐCTT tiếp tục hòa vào dòng chảy của tinh hoa văn hóa Việt Nam, vào kho tàng văn hóa của nhân loại” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, kêu gọi.
Các nghệ sĩ nhí đang biểu diễn đờn ca tài tử.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Festival ĐCTT, các đại biểu còn được thưởng thức đờn ca tài tử qua buổi liên hoan ĐCTT với khoảng 350 nghệ nhân đờn và ca tài tử của 21 tỉnh, thành Nam bộ, các đoàn xây dựng một chương trình dự thi và đảm bảo các nội dung: hòa đờn, hòa ca, song tấu, độc tấu. Điểm đặc biệt ở liên hoan lần này là ban tổ chức quy định các đơn vị dự thi phải có thí sinh dưới 15 tuổi tham gia. Đây được xem là hành động thể hiện tính trao truyền, kế thừa của loại hình nghệ thuật này cho các thế hệ trẻ mai sau.
Tin và ảnh: Trung Kiên – Phan Trường Sơn