Theo đó, cần đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn 204 theo hướng xử lý theo thẩm quyền, hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo không được để thiếu điện cho sản xuất và đời sống trong giai đoạn 2021 - 2025.
Với các dự án công nghiệp quy mô lớn, Bộ Công thương cũng yêu cầu tập trung các cơ quan liên quan chỉ đạo sớm hoàn thành, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, trong đó có dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án Nhiệt điện Long Phú I, dự án Nhiệt điện Sông Hậu I và các dự án điện, khí, năng lượng tái tạo, hệ thống truyền tải điện.
Đặc biệt, Bộ Công Thương yêu cầu Cục Điều tiết điện lực chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý I và quý II năm 2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá như giá điện.
Chưa thực hiện tăng giá điện để ổn định thị trường |
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các Cục, Vụ có giải pháp cụ thể, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy xuất, nhập khẩu.
Cục Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan rà soát, báo cáo về thực trạng, nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào, đề xuất phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước.
Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, bình ổn giá, đặc biệt là địa phương có dịch.
Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, tập trung mặt hàng phòng chống dịch, nhu yếu phẩm.
Đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời, có phương án cắt giảm phí, lệ phí đối với các thành phần chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong phạm vi và lĩnh vực quản lý để tổng hợp xử lý chung.
Mặt khác, Bộ Công Thương tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do (FTA); chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các đơn vị liên quan tiếp tục bảo đảm thông quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Ngoài ra, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương, đề xuất biện pháp để phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế, để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách để ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và các ngành chịu ảnh hưởng lớn của dịch COVID-19; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu... qua đó, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.