Chú trọng phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số Quảng Trị
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên hơn 313,6 nghìn ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh; dân số hơn 192,2 nghìn người, trong đó, dân tộc thiểu số gần 95 nghìn người, chiếm 13,3% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư, đời sống đồng bào có nhiều thay đổi tích cực.
Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn
Quảng Trị có vị trí địa kinh tế - chính trị quan trọng, là giao điểm của trục kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, có điều kiện giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thuỷ, trong đó có các tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia; đặc biệt có tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), tuyến đường xuyên Á ngắn nhất nối các nước trong khu vực từ Myanmar - Thái Lan - Lào qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến miền Trung Việt Nam và mở rộng ra khu vực ASEAN. Với lợi thế đó, kinh tế - xã hội của Quảng Trị hôm nay đã có những bước chuyển biến quan trọng, nhưng nhìn chung còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung cả nước.
Cụ thể, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cho thấy, đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo) trên địa bàn tỉnh là 14,93%. Riêng huyện nghèo Đakrông, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 là 43,69% (5.175 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo 9,76% (1.156 hộ). Tỷ lệ nghèo đa chiều xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển là 13,70%; tổng số hộ nghèo, cận nghèo là 570 hộ. Đặc biệt, tỷ lệ nghèo đa chiều dân tộc thiểu số so với hộ dân tộc thiểu số chiếm 67,55%; tổng số hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số là 14.454 hộ.
Chính bởi vậy, những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã ưu tiên dành nhiều cơ chế, nguồn lực tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số nên cơ sở hạ tầng các xã miền núi từng bước được đầu tư cải thiện. Cụ thể, toàn vùng có 100% xã, thôn, bản có điện lưới quốc gia với 98,7% hộ sử dụng điện; 100% xã được phủ sóng truyền hình; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 77% thôn, bản có đường giao thông được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học, 75% số xã có trường THCS; tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 95%, bậc THCS đạt 96%; tỉ lệ nghèo trong vùng giai đoạn 2016-2020 giảm từ 41,65% xuống 25,05%.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, đời sống của người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2022, tỉ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh Quảng Trị là 49,51% (áp dụng chuẩn nghèo mới theo Nghị định 07/NĐ-CP ngày 27/1/2021 của Chính phủ), cao hơn nhiều so với tỉ lệ hộ nghèo chung của tỉnh là 10,44%.
Mặt khác, hiện trạng tiêu chí nông thôn mới đạt được tại các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Quảng Trị còn quá thấp so với vùng đồng bằng. Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Quảng Trị, đến nay tỉnh Quảng Trị đã có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 69/101 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 68,3%), nhưng chỉ có 2 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh và xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa).
Tăng nguồn lực đầu tư
Theo thống kê đến cuối năm 2020, trước thời điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị còn 11.100 hộ nghèo. Số hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 60% số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm tới 45% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020 và tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4-5%/năm.
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, quan trọng nhất là tăng cường đào tạo nghề cho con em người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động. Tính đến hết tháng 9/2023, toàn tỉnh đã có 30.400 lao động nông thôn, trong đó phần đông là lao động vùng dân tộc thiểu số, miền núi ở Quảng Trị được đào tạo nghề.
Bên cạnh đó, trong cơ cấu phân bổ ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND tỉnh Quảng Trị cũng ưu tiên phân bổ trên 217 tỷ đồng để xây dựng mới trên 3.000 nhà ở cho hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tỉnh Quảng Trị cũng đã bố trí 1.531 tỷ đồng để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, bảo đảm sinh kế bền vững; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, ngân sách Trung ương bố trí cho tỉnh Quảng Trị gần 1.479 tỷ đồng để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2023, tỉnh Quảng Trị được bố trí 192 tỷ đồng. Nguồn vốn này được phân khai trên 37 tỷ đồng thực hiện Dự án 1; hơn 22,3 tỷ đồng thực hiện Dự án 2; trên 91,4 tỷ đồng thực hiện Dự án 4; hơn 12,2 tỷ đồng thực hiện Dự án 5; gần 26 tỷ đồng thực hiện Dự án 6 và trên 3,5 tỷ đồng thực hiện Dự án 10.
Từ nguồn ngân sách được cấp theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tính đến tháng 9/2023, ở 2 huyện thụ hưởng Chương trình là Đakrông và Hướng Hóa đã có trên 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng chính sách cấp đất sản xuất. Cũng tại 2 huyện này, đã có trên 300 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ cấp đất ở. Từ đó, hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông đã thoát nghèo.
Để thực hiện các mục tiêu Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đúng tiến độ, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp các sở, ngành địa phương liên quan, tham mưu xây dựng trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 31/5/2022 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình. Đồng thời, xác định đây là Chương trình có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cần lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện hiệu quả. Do đó, ngày 29/6/2022, HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND về cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình mục tiêu quốc gia.
Có thể khẳng định, Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND và Nghị quyết số 29/2022/NQ-HĐND là hành lang pháp lý quan trọng mang tính "dẫn đường" để cả hệ thống chính trị ở Quảng Trị thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là căn cứ để các cơ quan, địa phương lập kế hoạch hàng năm sử dụng ngân sách hiệu quả hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi Chương trình, góp phần hỗ trợ người dân vươn lên làm giàu, làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo ở 28 xã đặc biệt khó khăn ở Quảng Trị đã giảm mạnh. Chỉ tính từ thời điểm cuối năm 2022 đến tháng 9/2023, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị đã giảm 5,85%. Tính chung toàn vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Trị đã giảm 4,6% trong 9 tháng đầu năm 2023.