Nhà báo đầu tiên của gia đình
Tôi sinh ra và lớn lên ở một thị xã miền núi heo hút, xa xôi tận cùng miền Bắc, thị xã Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Ngày bé, khi bắt đầu biết nhận thức, tôi thấy mình có một ông chú ruột nhìn như “Tây”, chẳng giống ai trong gia đình cả. Mọi người hay gọi là “Thành râu”. Bố và chú là hai mảng đối lập. Bố tôi có vóc dáng nhỏ bé, tính cách trầm lặng, ít giao tiếp, sống khép kín. Chú tôi lại cao to, da trắng, mũi lõ, tóc xoăn, râu rậm, sống phóng khoáng, quảng giao, hào hoa lãng tử.
Quãng năm 1985 đến 1989, chú tôi là sinh viên lớp báo chí khóa 6, Đại học Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Ngày ấy, xe ô tô đi từ thị xã Lai Châu về Hà Nội có khi mất tới 3 ngày đường. Mỗi lần được nghỉ hè, hay nghỉ tết về quê, chú hay mua quà cho tôi. Lúc là khẩu súng nhựa, khi là con thú nhồi bông, hay đôi giầy, cái áo mới…
Chú tốt nghiệp đại học, về làm phóng viên tại Báo Lai Châu. Tôi rất ngưỡng mộ chú, cứ nghĩ một ngày nào đó lớn lên sẽ được như chú. Trong đôi mắt con trẻ của tôi, chú như một gã du ca phóng túng, thường mặc quần bò bạc phếch, áo phông, chạy chiếc xe máy Simson bạt đi trong gió... Những năm cuối 80 đầu 90 của thế kỷ trước kinh tế cả nước còn khó khăn, nói gì đến một nơi sơn cùng thủy tận như Lai Châu. Tiếng là làm cơ quan nhà nước nhưng bố và chú đều phải xoay sở đủ việc. Chú là nhà báo nhưng biết nghề may do ông nội truyền lại, chú vẫn phụ ông may quần áo bán. Rồi ngày nghỉ, bố với chú lại vác rìu lên rừng lấy chuối cho lợn ăn, chặt củi về đun. Có lần bố với chú còn đóng bè thả củi theo sông Đà về thị xã, may mà bè không lật…
Thời điểm đó, nghề báo chưa phổ biến như bây giờ, chú là nhà báo đầu tiên trong gia đình. Mọi người rất tự hào về chú. Trong nhà, tôi là đứa cháu đầu tiên, lớn nhất nên chú rất yêu quý. Ngày nghỉ chú hay chạy xe máy từ khu tập thể của Báo Lai Châu ra Bản Xá đón tôi, cho ngồi nắp bình xăng xe rồi chở đi chơi khắp nơi. Tôi vào lớp 1, chú giao ước, nếu tôi được mỗi điểm 10 trên lớp và mang bài kiểm tra về cho chú, chú sẽ thưởng 2000 đồng. Mỗi lần được điểm 10 trên lớp, tôi chạy như bay về nhà khoe với bố mẹ rồi hỏi, bao giờ chú Thành ra nhà mình chơi vậy ạ? Những năm tháng tuổi thơ, tôi không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần nhận 2000 đồng của chú nữa.
Chú là người làm báo đầu tiên trong gia đình đã có ảnh hưởng rất lớn đến việc lựa chọn theo nghề báo của nhiều người trong nhà sau này. Năm 1994, mẹ tôi là người thứ hai khi chuyển từ giáo viên sang biên tập viên Báo Lai Châu… Để rồi đến bây giờ trong gia đình đã có hơn mười người làm báo.
Trách nhiệm và quảng giao
Tuy là con thứ nhưng chú tôi tháo vát, năng động hơn các anh em khác nên trong gia đình chú là chỗ dựa của nhiều người. Mùa hè năm 1990 trận lũ quét kinh hoàng xóa sổ thị xã Lai Châu. Năm 1992 tỉnh lỵ chuyển về Điện Biên Phủ. Chú theo cơ quan chuyển về thị trấn Điện Biên Phủ trước, vừa đi làm vừa đứng ra tổ chức xây nhà cho ông bà và gia đình tôi.
Suốt 10 năm nhà tôi sống sát vách chung tường với nhà chú ở Điện Biên, tôi chưa bao giờ thấy chú quát tháo, nổi nóng quá mức với ai cả. Chú “mát” tính đến khó hiểu. Việc lớn, việc bé trong gia đình mọi người thường hay hỏi ý kiến chú, nhờ chú tư vấn, hỗ trợ. Chú hay giúp đỡ mọi người. Đó là điều tôi nhìn thấy từ khi tôi còn đi học phổ thông. Ngay cả khi chưa làm “sếp” (Tổng Biên tập Báo Điện Biên Phủ) nhưng anh em, họ hàng ở Tây Bắc hoặc dưới xuôi khó khăn lên nhờ vả, chú đều tìm cách giúp đỡ. Xin việc, mua đất, làm nhà, dựng vợ gả chồng,… chú giúp rất nhiều người.
Làm phóng viên rồi, lãnh đạo phòng, Tổng biên tập của tờ báo Đảng địa phương, dù ở vai nào tôi cũng thấy chú rất trách nhiệm với cộng đồng. Chú tham gia tổ chức, huy động rất nhiều chương trình an sinh xã hội, tài trợ cho các địa bàn khó khăn, giúp đỡ những gia đình neo đơn, hỗ trợ các thầy cô, giáo viên vùng sâu vùng xa…
Chú cũng là một trong những người tâm huyết nhất đã nhiều năm kiên trì, bền bỉ đồng hành với dự án xây dựng Chùa Linh Quang ở thành phố Điện Biên. Giờ đây, ngôi chùa đã trở thành một điểm đến tâm linh ý nghĩa bậc nhất vùng Tây Bắc.
Hôm biết tin chú đi xa, nhiều người đã nhắn tin cho tôi, kể về những việc mà chú đỡ giúp, đã hỗ trợ. Họ nói vẫn nợ chú lời: Cảm ơn!
Cởi mở, thân thiện nên chú có bạn bè khắp nơi. Tôi ở cạnh nhà chú, thường xuyên thấy bạn bè mọi miền đến chơi, Hà Nội, các tỉnh thành, thậm chí cả từ nước ngoài về. Lúc nào tôi cũng thấy chú cười, bắt tay hào sảng và đầy thân tình với đồng chí, đồng nghiệp…
Thời gian trôi đi, tôi lớn lên, chú lập gia đình rồi có con. Cuộc sống riêng khiến cho chú cháu ít chia sẻ, quan tâm đến nhau nhiều nữa. Không còn 2000 đồng và những lần ngồi bình xăng xe máy đi chơi mà chỉ là đôi khi có những dặn dò của người đàn ông đi trước với người đi sau. Những năm tôi là sinh viên học ở Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (Trường chú học trước đây), thi thoảng chú đi họp hành, công tác dưới Hà Nội là lại gọi tôi ra.
Chú cho tôi tiền nhưng vẫn nói: “Cháu là sinh viên thì phải trải nghiệm khó khăn mới thấy giá trị cuộc sống. Ngày chú đi học còn vất vả hơn nhiều. Tuy mỗi thời mỗi khác nhưng đàn ông phải dám đi qua gian khó mới trưởng thành được”. Mỗi lần chú “kéo” tôi đi, tôi thường ít nói, chỉ ngồi nghe chú và các đồng nghiệp nói chuyện…
Tôi đã lớn thêm nhiều. Điều tôi rất thích ở chú là đi đâu chú cũng có bạn, đến đâu cũng có anh em bằng hữu. Khi ấy, thằng sinh viên trẻ tuổi là tôi thường tự nhủ trong đầu, sau này phải sống, phải làm, phải như chú.
Nghị lực và kiên cường
Từ năm 2015, sau 3 năm là Tổng biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường, chú tôi phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo. Tôi đã chứng kiến nhiều người mắc bệnh tương tự như chú, không ít người suy sụp ngay từ những giây phút đầu tiên. Nhưng chú thì không. Lạc quan, kiên cường một cách ngạc nhiên.
Một mặt vừa lo chạy chữa bệnh tật, mặt khác chú vẫn tích cực tổ chức lãnh đạo, triển khai nhiệm vụ chính trị của tờ Báo, lo toan chu đáo công việc gia đình, tham gia các hoạt động xã hội đoàn thể. Chú đã sang Nhật, Singapore, Trung Quốc để tìm phương án chữa trị hữu hiệu nhất. Đồng thời cũng chạy khắp nơi với các hoạt động của cơ quan đơn vị. Mấy tháng trước, trong buổi gặp mặt Hội văn nghệ sĩ, nhà báo Hải Phòng ở Hà Nội, chú tôi vẫn vui vẻ lên chúc mừng và chủ động “bàn giao” vị trí Chủ tịch hội cho người khác để bảo đảm sức khỏe. Mọi người trong gia đình và cả bạn bè đồng nghiệp đều thán phục nghị lực, tinh thần và sức chiến đấu của chú.
Khoảng 3 tháng trở lại đây, bệnh tình của chú trở nặng. Biết không còn nhiều thời gian, chú tôi vẫn bình tĩnh và sáng suốt vô cùng. Chú chủ động bàn bạc với vợ con, gia đình về việc lo toan công việc khi chú nằm xuống. Con gái lớn ra trường làm ở đâu ? Nhà cửa thế nào? Con gái nhỏ học hành thời gian tới ra sao? Công việc của vợ ? Chuyện đất đai thờ tự, hương hỏa cha ông?... Tất cả những câu hỏi đó chú tôi đã tìm ra lời giải chỉ trong mấy tháng cuối cùng ở cõi tạm. Ai vào bệnh viện thăm cũng ngạc nhiên đến bật khóc, hầu như không thấy chú tôi kêu ca bao giờ. Luôn nói những điều tươi mới, lạc quan. Luôn động viên dặn dò tất cả.
Những ngày cuối trong Bệnh viện Vinmec, tôi vào thăm, chú không đi lại được, chỉ nằm 1 chỗ. Trước khi tôi về, chú nắm tay tôi và nói, thằng cháu Giang sắp lấy vợ chú mừng lắm, chỉ tiếc là chú không được dự, sang bên kia chú sẽ phù hộ cho các cháu... Vài tuần trước, tôi về quê để bàn bạc thống nhất với các cụ, chuyện đất đai hương hỏa, thờ tự tổ tiên. Tôi kể với chú, chú lại nắm tay cháu rồi dặn, cháu là đích tôn, là trưởng họ, cháu phải thay bố, thay chú thờ cúng tổ tiên. Cháu nhận trách nhiệm này, chú đi cũng yên lòng... Thế rồi chú tôi đi thật !
Vĩnh biệt người chú ruột duy nhất, người thầy, người đồng nghiệp, nhà báo đầu tiên đã có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người trong gia đình đi theo con đường báo chí. Cảm ơn chú về mỗi lần thưởng 2000 đồng cho điểm 10 của cháu trong suốt những năm tiểu học. Cảm ơn chú đã cho cháu thừa hưởng, học hỏi phần nào sự hào sảng, phóng khoáng, tự tin của một người làm báo, sự nhân ái một người đàn ông!
Nếu có một lần nữa được chọn, cháu vẫn mong được là cháu của chú !