Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Tránh tình trạng ra Luật này lại xung đột với các Luật khác

09/05/2019 18:20

(TN&MT) - Chiều 9/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến lần 2 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật đối với Luật Đầu tư công, tránh tình trạng ra Luật này ra lại vướng với các Luật khác.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng,chúng ta phải nhìn nhận những mặt tích cực của Luật Đầu tư công. Trước đây chúng ta nói đầu tư công dàn trải, phân tán; thậm chí chưa xác định được nguồn, chưa biết khả năng thì đã có danh mục rồi tiến hành khởi công. Đầu tư mà không xác định được nên dẫn đến tình trạng nợ nần từ trung ương xuống đến địa phương.

Cho nên, Luật Đầu tư công đã xác định khi nào xây dựng được một dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn phải xác định được nguồn vốn, phù hợp với khả năng ngân sách và khả năng huy động các nguồn vốn khác. Nếu chúng ta không đảm bảo các điều kiện này thì dự án không được phê duyệt. Từ đó, tránh được những dự án đội vốn lên rất nhiều lần của giai đoạn trước khi có Luật Đầu tư công.  

Chủ tịch quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khai mạc Phiên họp 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 8/5. Ảnh: Quochoi.vn

Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Đầu tư công cũng là cụ thể hóa Chỉ thị số 1792/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ để khắc phục những tồn tại, yếu kém trong đầu tư công, luật hóa những quy định hợp lý của Chỉ trị trên vào thực tiễn lúc đó.

Trong quá trình triển khai, thực thi Luật Đầu tư công có những vướng mắc mà chúng ta phải giải quyết. Chủ tịch Quốc hội đề nghị xem lại khái niệm đầu tư công có xung đột với các khái niệm ở các luật khác không; đặc biệt là Luật Ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, xem lại thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đảm bảo thống nhất với Luật tổ chức chính quyền địa phương.

“Chúng ta ra một cái Luật này, quy định sửa xong lại xung đột với các Luật khác là nên tránh, lấy bài học từ Luật Quy hoạch. Nên chăng, những trường hợp cá biệt như hồ đập thủy lợi của Bình Thuận thì chúng ta giải quyết bằng Nghị quyết của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị.

Trước đó, trình bày báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đồi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến ĐBQH tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 và tại Hội nghị đại biểu chuyên trách đề nghị giữ nguyên tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia như Luật hiện hành. Bởi lẽ, thực tế thời gian qua, chỉ số giá không có biến động lớn và việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Hơn nữa, tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10.000 tỷ đồng như hiện nay là không phát sinh vướng mắc trong thực hiện (cho đến nay chỉ có 02 dự án trình Quốc hội).

ủy ban thường vụ
Phiên họp 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến diễn ra từ 8/5-10/5. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành về tiêu chí phân loại dự án nhóm A, B, C vì không có vướng mắc trong thực hiện. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng để đảm bảo phù hợp với trình độ quản lý, quy mô ngân sách địa phương,… đề nghị điều chỉnh mức vốn đầu tư của dự án nhóm A, B, C tăng gấp 2 lần so với quy định hiện hành.

Thường trực Ủy ban TCNS kiến nghị UBTVQH, xem xét cho tiếp thu theo đa số và xin ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 7 về nội dung này theo 2 phương án. Phương án 1 là giữ nguyên tiêu chí tổng mức đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia và các dự án nhóm A, B, C; Phương án 2: Điều chỉnh mức vốn đầu tư của dự án quan trọng quốc gia tăng gấp 2 lần so với quy định hiện hành (20.000 tỷ đồng) và điều chỉnh tăng tương ứng đối với dự án nhóm A, B, C.

Theo Báo cáo, đối với các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, dân cư... đa số ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến Chính phủ cho rằng, quy định về tiêu chí dự án quan trọng quốc gia liên quan đến môi trường, đất rừng, đất lúa, dân cư... được quy định thống nhất trong Luật Đầu tư công hiện hành và Luật Đầu tư. Các tiêu chí nêu trên đều là những vấn đề quan trọng của quốc gia, cần phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời để bảo đảm tính thống nhất về chính sách được quy định ở các luật khác.

Do đó, đề nghị không điều chỉnh các tiêu chí liên quan đến môi trường, diện tích đất rừng, đất lúa, dân cư… đối với phân loại dự án quan trọng quốc gia trong Dự thảo Luật.

Có ý kiến cho rằng, với tiêu chí quy định về dự án quan trọng quốc gia đối với dự án thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn và dự án nằm trong diện tích trồng lúa nước như Luật hiện hành ở mức khá hẹp, sẽ dẫn tới số lượng dự án phải trình Quốc hội quyết định chủ trương tăng lên, kéo dài thời gian, thủ tục khi địa phương phải trình Quốc hội xem xét, quyết định các dự án này. Vì vậy, đề nghị điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Về việc này, Thường trực Ủy ban TCNS kiến nghị UBTVQH cho tiếp thu theo đa số ý kiến không điều chỉnh các tiêu chí liên quan đến môi trường, diện tích đất rừng, đất lúa, dân cư… đối với phân loại dự án quan trọng quốc gia trong Dự thảo Luật.

Đối với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, đa số ý kiến đề nghị không quy định khác biệt về phân cấp quản lý đối với dự án ODA vì đây là nguồn lực NSNN, việc phân cấp cần được áp dụng theo quy định chung. Luật sửa đổi lần này hướng tới tăng cường phân cấp quản lý đối với các bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, Chính phủ và một số ĐBQH đề nghị áp dụng quy định đặc thù đối với dự án ODA để thống nhất thẩm quyền của Trung ương trong việc kiểm soát nợ công, nợ Chính phủ . Theo đó, đề nghị giữ thẩm quyền trình quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài như Dự thảo Luật đã trình Quốc hội.

Riêng vấn đề thẩm quyền của HĐND trong việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án (Điều 17), đa số ý kiến giữ nguyên Dự thảo Luật đã quy định. Theo đó, thẩm quyền của  HĐND tỉnh trong việc xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, HĐND các cấp quyết định chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương quy định tại Điều 17; dự án nhóm B, nhóm C phân cấp cho UBND như quy định tại khoản 8 Điều 17 là phù hợp. Bên cạnh đó, HĐND các cấp có thẩm quyền quyết định Kế hoạch đầu tư công trung hạn của cấp mình bao gồm tổng mức vốn KHÐTCTH, danh mục và mức vốn ngân sách địa phương bố trí cho từng dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Tránh tình trạng ra Luật này lại xung đột với các Luật khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO