Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

05/06/2018 20:52

(TN&MT) - Phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung chiều 5/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét: Bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, khúc chiết và đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông kê: tại phiên chất vấn Bộ trưởng Đặng Ngọc Dung đã có 51 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, có 18 đại biểu tham gia tranh luận. Các đại biểu đã đặt câu hỏi chưa đủ thời gian trả lời thì Bộ trưởng sẽ trả lời bằng văn bản sau. Tham gia trả lời nội dung này có Phó thủ Tướng Vũ Đức Đam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Công an đã báo cáo giải trình làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn của Quốc hội với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chiều 5/6. Ảnh: Quốc Khánh

Cũng như 2 phiên chất vấn trước, phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung diễn ra sôi nổi, tranh luận thẳng thắn, nhiều đại biểu đăng ký chất vấn và đã đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. “Mặc dù đây là lần đầu tiên Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng Bộ trưởng đã có một lần trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với tinh thần trách nhiệm và thực tiễn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thời gian qua, Bộ trưởng đã nắm rất chắc vấn đề, trả lời rõ ràng, khúc chiết và đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, có lộ trình cụ thể để thực hiện” - Chủ tịch Quốc hội nói.

Lao động, việc làm và trẻ em là những vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân và xã hội, nên luôn được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân. Đây là lĩnh vực có nội dung rộng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, một số nội dung cần tiếp tục làm rõ nên đã có nhiều đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong đó tập trung vào một số vấn đề sau như:

Tiếp tục rà soát để hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan đến lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo thị trường lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ giữa các vùng kinh tế, các loại hình doanh nghiệp, tăng cường kết nối cung - cầu lao động qua hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm. Khẩn trương xây dựng đề án dự báo cung - cầu lao động;

Có giải pháp để xử lý sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo, nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông. Xây dựng và triển khai đề án thanh niên, sinh viên khởi nghiệp sáng tạo. Tập trung giải quyết việc làm cho số đối tượng sinh viên sau khi ra trường chưa có việc làm, có biện pháp bảo vệ quyền lợi của người lao động trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chú trọng vấn đề việc làm cho lao động nông thôn. Có lộ trình, giải pháp giảm tỷ lệ thất nghiệp, xây dựng, triển khai đề án giải quyết việc làm trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Đổi mới căn bản và toàn diện trong giáo dục nghề nghiệp, chú trọng chất lượng, đào tạo kỹ năng, năng lực thực hành để nâng cao năng suất lao động. Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm và việc làm bền vững, đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp thông qua việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chuẩn hóa các điều kiện giáo dục nghề nghiệp, trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo đến năm 2021 giảm 10% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm phân bố hợp lý giữa các vùng, miền, ngành, nghề và trình độ đào tạo.

Quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp. Mở rộng hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo nghề, ngoại ngữ cho lao động xuất khẩu giữa các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và quy định tiêu chuẩn nghề theo từng thị trường, kiểm định chất lượng lao động có nghề, trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Tăng cường gắn kết cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, thị trường lao động, mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đặt hàng đào tạo giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tích cực tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, huy động các nguồn lực đầu tư, các điều kiện để bảo đảm chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo để chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ chất lượng cao.

Rà soát, đánh giá tổng thể hoạt động đưa lao động Việt Nam đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác lao động với các nước có nhu cầu lao động, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường lao động. Rà soát thủ tục hành chính, tăng cường công khai, minh bạch trong việc cấp phép cho doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài.

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài để trục lợi. Phối hợp với các cơ quan có các giải pháp phù hợp để quản lý, bảo vệ lao động Việt Nam ở nước ngoài, hạn chế tối đa việc lợi dụng đi lao động ở nước ngoài để trốn ở lại nước sở tại trái pháp luật.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, tích cực truyền thông, đề cao trách nhiệm giáo dục của gia đình, của nhà trường, của cộng đồng đối với trẻ em về các kiến thức, kỹ năng phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Kịp thời phát hiện, tố giác, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, xây dựng đề án huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Thực hiện tốt phối hợp liên ngành về thực hiện quyền trẻ em, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Quốc gia quyền trẻ em…

Ngày mai 6/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn nhóm nội dung thứ tư đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO