(TN&MT) - Ngày 19/3, tại TP. Pleiku (Gia Lai), Hội Người cao tuổi Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Dân tộc và UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc Tây Nguyên (2009 - 2019).
Tham dự Hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Dân tộc, Hội Người cao tuổi Việt Nam..., và 224 Già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên.
Hội nghị lần này là dịp tổng kết, đánh giá kết quả, biểu dương Già làng tiêu biểu các dân tộc Tây Nguyên trong 10 năm triển khai thực hiện Quyết tâm thư để nhân rộng những bài học kinh nghiệm tốt, cách làm hay; khẳng định ý nghĩa của việc Già làng ký Quyết tâm thư rất quan trọng trong đóng góp xây dựng, phát triển Tây Nguyên; từ đó khẳng định quyết tâm tiếp tục phát huy tốt hơn vai trò của Già làng trong thực hiện các chủ trương của Đảng giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương những kết quả đã đạt được xuất phát từ Quyết tâm thư của các Già làng Tây Nguyên. Đồng thời Chủ tịch Quốc hội cũng tin tưởng rằng Khối Đại đoàn kết cả Dân tộc Tây nguyên sẽ góp phần xây dựng khu vực Tây Nguyên giàu về kinh tế, đẹp về văn hoá - xã hội, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng mong muốn các già làng và người cao tuổi các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục giáo dục con cháu, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng buôn làng bình yên và ngày càng phát triển; tham gia các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; luôn đề cao cảnh giác phòng, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.
Đối với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quan tâm, động viên, biểu dương kịp thời những đóng góp của các Già làng có uy tín. Bên cạnh đó, cần quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đồng thời, có giải pháp thiết thực để bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, xoá bỏ một số tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan hiện còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các dân tộc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.