Đón tiếp, làm việc với Chủ tịch nước về phía tỉnh Vĩnh Phúc có: bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Hoàng Anh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ngành.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: vinhphuc.gov.vn |
Trước khi có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, động viên, chúc mừng thầy và trò trường THPT chuyên Vĩnh Phúc nhân dịp năm học mới 2021-2022.
Biểu dương và chia sẻ niềm vui trước những thành tích Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc nói riêng và ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc nói chung trong những năm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Vĩnh Phúc là vùng quê có truyền thống hiếu học, luôn nằm trong top đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục, cũng là địa phương có đầu tư lớn cho giáo dục, luôn đi đầu trong triển khai chính sách đặc thù cho giáo dục đào tạo.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc phải coi phát triển kinh tế dựa vào nhân tài, dựa vào nhân lực chất lượng cao, dựa vào lao động có kỹ năng là mũi nhọn, là động lực mới của sự phát triển bền vững. Chất lượng nhân tài hay chất lượng nhân lực chất lượng cao góp phần định hình lợi thế phát triển mới của Vĩnh Phúc, cùng cả nước hiện thực hóa mục tiêu tầm nhìn đến 2045, Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao.
Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc nói riêng và ngành Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc cần tiếp tục vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống, duy trì và phát triển nhà trường trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của Vĩnh Phúc và cả nước. Tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu kép, hoàn thành các mục tiêu năm học, bảo đảm an toàn phòng chống dịch, thực hiện tốt phương châm trường học an toàn, học sinh tích cực. Cùng với đó, quan tâm giáo dục đào tạo toàn diện, giáo dục kiến thức, kỹ năng mềm đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế; ứng dụng công nghệ tiến tiến, công nghệ số trong đào tạo giáo dục ngoại ngữ để hội nhập, phát triển…
Chủ tịch nước trao quà cho các học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế |
Tại buổi làm việc, báo cáo với Chủ tịch nước về tình hình phát triển kinh tế -xã hội và phòng chống dịch Covid-19, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, bước vào năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Vĩnh Phúc lại là 1 trong những địa phương đầu tiên chịu tác động của dịch Covid-19 từ ngày 30/4/2021 - khởi đầu làn sóng dịch bệnh thứ tư trên cả nước.
Trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện để đạt được mục tiêu kép. Nhờ đó, tăng trưởng kinh tế 6 tháng 2021 của Vĩnh Phúc đạt 14,21% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất của tỉnh kể từ năm 2015 trở lại đây, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của cả nước. Đặc biệt, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp tại tỉnh và các địa phương lân cận như Bắc Giang, Bắc Ninh, tác động rất lớn đến chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi lao động nhưng 8 tháng đầu năm, các doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh, không doanh nghiệp nào trên địa bàn tỉnh phải ngừng hoạt động. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh tăng 15,23%, cao gần gấp 3 lần bình quân cả nước với 14/24 ngành công nghiệp có mức tăng trưởng cao. Thu hút đầu tư FDI tăng 95,9% so với cùng kỳ; DDI tăng 59,3% cùng kỳ. Tổng thu ngân sách ước đạt 23.220 tỷ đồng, đạt 76% dự toán và tăng 31% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội tiếp tục được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm.
Biểu dương, chúc mừng những thành tích Vĩnh Phúc đạt được trong những năm qua, nhất là trong phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Vĩnh Phúc là một trong 3 địa phương dẫn đầu về nguồn thu ngân sách của đồng bằng Bắc Bộ. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy vai trò quan trọng của Vĩnh Phúc đối với kinh tế vùng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Vĩnh Phúc đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, thu hút được những tập đoàn lớn, tập đoàn đa quốc gia có công nghệ lớn, hiện đại, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong chuyển đổi, phát triển nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất ngành nông nghiệp; quan tâm đầu tư, phát triển giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, hiện Vĩnh Phúc có 2 thành phố, dân trí rất cao nhưng tốc độ đô thị hóa còn thấp. Do đó, tỉnh cần cố gắng phát huy những kinh nghiệm đã có, tích cực đổi mới, phát triển, tìm kiếm những động lực mới theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương và lấy phát triển khu vực nông thôn làm tiền đề để điều chỉnh diện mạo đô thị. Tăng cường chỉ đạo, khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong phát triển kinh tế.
Vĩnh Phúc cũng cần xác định rõ tầm nhìn mang tính chiến lược, tính hấp dẫn của Vĩnh Phúc trong tương lai. Có tinh thần đổi mới dài hơi, tính toán, chọn lọc đầu tư để phát triển; quan tâm đến hạnh phúc của người dân và phải làm rõ nội hàm hạnh phúc của người dân là gì, từ đó xây dựng và có cơ chế, chính sách triển khai thực hiện cụ thể. Cùng với đó, quan tâm phát triển kinh tế hài hòa giữa khu vực thành phố với khu vực nông thôn theo hướng khoa học, phát triển bền vững. Nâng cao năng lực quốc phòng, an ninh, giữ vững sự bình yên cho cuộc sống nhân dân. Đồng thời, quyết liệt phòng chống dịch bệnh, duy trì tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng…
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan trân trọng tiếp thu các ý kiến phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và khẳng định, nhiệm kỳ mới, tỉnh Vĩnh Phúc luôn kiên định mục tiêu trong phát triển kinh tế là lấy phát triển công nghiệp, trong đó, lấy công nghiệp lắp ráp ô tô, xe máy là nền tảng, công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ là động lực phát triển. Bên cạnh đó, ngành dịch vụ cũng là mục tiêu để tỉnh hướng tới.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chủ tịch nước, các bộ, ngành để kinh tế - xã hội Vĩnh Phúc ngày càng phát triển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.