Trong nước

Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Theo TTXVN/Báo Tin tức 13/06/2024 - 15:10

Sáng 13/6, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Tô Lâm đã làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương cùng cán bộ chủ chốt các đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu kết luận buổi làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Theo báo cáo của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong những năm qua, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành hữu quan, ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật; tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm; xác định "chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm" là nhiệm vụ trọng tâm; chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết án hình sự.

Ngành Kiểm sát nhân dân tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với điều tra, bảo đảm các nguyên tắc của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự như nguyên tắc "suy đoán vô tội", "trọng chứng hơn trọng cung", "bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội", "chứng cứ đến đâu xử lý đến đó"; thực hiện các biện pháp tố tụng bảo đảm chặt chẽ, tăng cường phúc cung trước khi quyết định truy tố; Kiểm sát viên phối hợp chặt chẽ với điều tra viên ngay từ đầu của giai đoạn thụ lý tin báo, tố giác tội phạm và khởi tố, điều tra, truy tố.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao giải quyết nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ và chỉ đạo toàn ngành chủ động thực hiện trách nhiệm công tố, xử lý có căn cứ, đúng pháp luật. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ban hành các tiêu chí phân hóa, xử lý đối tượng trong một số vụ án…

Mặc dù vậy, công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức do diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tinh vi hơn, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, tội phạm liên quan đến an ninh phi truyền thống, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, liên quan đến tiền ảo, rửa tiền. Nhiều quy định của pháp luật còn bất cập dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng…

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Tô Lâm biểu dương và đánh giá cao ngành Kiểm sát nhân dân về kết quả đã đạt được thời gian qua. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, với quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong từng khâu công tác, đưa các yêu cầu mới của cải cách tư pháp và Hiến pháp vào thực tiễn cuộc sống, Viện Kiểm sát nhân dân và Viện Kiểm sát quân sự các cấp đã phối hợp rất chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các bộ, ngành hữu quan, chủ động, tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp đột phá và đạt được những thành tích đáng ghi nhận.

Chủ tịch nước khẳng định, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngành Kiểm sát nhân dân đã chủ động, quyết liệt vào cuộc cùng các cơ quan chức năng, tạo chuyển biến tích cực trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực. Ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ nghiêm trọng, phức tạp, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, có những vụ án phức tạp cả về quy mô và tính chất, chưa có tiền lệ; vừa bảo đảm xử lý nghiêm minh người phạm tội, vừa bảo đảm tính nhân văn, thuyết phục. Đồng thời, áp dụng nhiều biện pháp tăng tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, được dư luận đồng tình ủng hộ; góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân về quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Tô Lâm tham quan Phòng truyền thống của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Theo Chủ tịch nước, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Kiểm sát cũng còn một số hạn chế, thiếu sót, vì vậy cần phải nghiêm túc, đánh giá những việc đã làm tốt, việc gì làm chưa tốt, tập trung phân tích nguyên nhân để thấy rõ hơn trách nhiệm của mình và tìm ra những giải pháp tích cực, hữu hiệu khắc phục những hạn chế, thiếu sót, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành.

Nêu những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, trong đó có nhiều yếu tố tác động đến công tác của ngành Kiểm sát, Chủ tịch nước đề nghị ngành tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các Nghị quyết của Trung ương; đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đồng thời, bám sát nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; chú trọng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với những tư tưởng, biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng trong quá trình xây dựng nội dung các đề án, dự thảo văn kiện, nghị quyết của Trung ương; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật về tư pháp, đồng thời đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.

Ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất trong báo cáo và phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước yêu cầu ngành Kiểm sát cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan rà soát, sửa đổi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án hình sự, Luật Thi hành án dân sự, Luật Phá sản... để khắc phục những vướng mắc, bất cập; đồng thời, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ được Quốc hội thông qua trong thời gian tới. Đây là những đạo luật phản ánh rõ nét bản chất dân chủ của nền tư pháp nước ta, là cơ sở pháp lý quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Việc hoàn thiện các dự án luật này nhằm thực hiện sự lãnh đạo của Đảng về yêu cầu cải cách đồng bộ pháp luật trong lĩnh vực tư pháp.

Chủ tịch nước cho rằng ngành phải tập trung thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; chú trọng cả hai mặt không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm, không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính, kinh tế hoặc ngược lại; tạo điều kiện, môi trường ổn định cho sự phát triển của đất nước. Trong quá trình hoạt động, phải đề cao và thực thi các nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất mà Hiến pháp giao cho ngành Kiểm sát nhân dân.

Chỉ rõ nhiệm vụ của ngành Kiểm sát không chỉ là phát hiện cái sai, cái vi phạm, mà quan trọng hơn, là phải phát hiện cho được những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh, thông qua mỗi vụ án, vụ việc cụ thể cần làm rõ trách nhiệm của công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay sự lạc hậu của pháp luật để chủ động tham mưu cho Đảng, Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa, khắc phục hữu hiệu, kể cả sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật.

Chủ tịch nước cũng lưu ý, trong thời gian tới, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu trong việc xét ân giảm án tử hình và xem xét quyết định việc đặc xá.

Chú thích ảnh
Chủ tịch nước Tô Lâm với lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Chủ tịch nước đề nghị Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cấp ủy Đảng trong ngành phải hết sức chú trọng công tác cán bộ, gắn công tác này với việc củng cố, xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng và Chỉ thị của Bộ Chính trị về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Cần phải xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng, nâng chất lượng đội ngũ cán bộ theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp, bảo đảm tính kế thừa.

Chủ tịch nước yêu cầu cần tổ chức thực hiện nghiêm Đề án 06 về chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu xây dựng Viện Kiểm sát hiện đại.

Khẳng vai trò và đóng góp của ngành Kiểm sát nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển, Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng rằng, trong thời gian tới, ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục có những bước phát triển cao hơn, toàn diện và mạnh mẽ hơn, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thực hiện mục tiêu cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Trước đó, Chủ tịch nước Tô Lâm đã dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm Phòng truyền thống Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO