Tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nghe đồng chí Nguyễn Phi Long – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2021 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022.
Trong năm 2021, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tác động của tình hình dịch bệnh Covid-19, song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo linh hoạt, sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và phát triển, với 15/19 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Trong đó, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 4,11%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020 (tỷ lệ tăng 3,45%) và bình quân chung của cả nước (tỷ lệ tăng 2,58%). Năm 2022, tỉnh Bình Định phấn đấu chỉ tiêu tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 6,0-6,5%.
Về thăm và làm việc với tỉnh Bình Định, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả và mục tiêu của tỉnh Bình Định đề ra trong năm 2022.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ rất ấn tượng với sự phát triển của tỉnh Bình Định, nhất là trong bối cảnh 2 năm qua cả nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Điều đó cho thấy sự đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định vượt qua khó khăn để phát triển.
Chủ tịch nước cho rằng Bình Định có vị trí chiến lược của Trung Bộ và Tây Nguyên, là cửa ngõ gần nhất ra biển của các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mekong. Bình Định có nhiều điều kiện và tiềm năng để phát triển.
Thời gian qua, Bình Định tiến bộ nhanh, phát triển tốt nhưng cần có sự đột phá, bứt phá hơn nữa, bởi nếu không có khát vọng phát triển thì sẽ tụt hậu. Đã phát triển thì phải đột phá hơn và phát triển bền vững, nhưng phải rút kinh nghiệm từ sai lầm của một số địa phương trong tăng trưởng nóng, phá vỡ quy hoạch, vi phạm pháp luật.
Nhắc lại Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2020-2025 có nêu 5 trụ cột, 3 đột phá để phát triển, tăng trưởng bình quân hằng năm 7%, Chủ tịch nước nói rằng ông nêu thêm một đột phá nữa cho tỉnh là đột phá phát triển đô thị. Không chỉ TP Quy Nhơn, mà các thị xã, thị trấn, thị tứ của tỉnh phải được đầu tư phát triển toàn diện, để cụ thể hóa Nghị quyết mới nhất của Bộ Chính trị về phát triển đô thị trong cả nước.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Bình Định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với thế mạnh địa phương, nhất là các khu công nghiệp lớn như Becamex VSIP Bình Định. Cùng với đó là phát triển dịch vụ cảng biển logistics, nông nghiệp công nghệ cao và chuyển từ số lượng sang chất lượng, Bình Định cũng cần chuyển biến trong thu hút đầu tư, vừa chú ý thu hút "chim đầu đàn", "sếu lớn", dự án lớn, nhưng cũng phải lưu tâm đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch phải quan tâm đến lợi ích lâu dài. Tỉnh cũng cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ thống giao thông kết nối các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Chủ tịch nước nhắc nhở rằng việc phát triển kinh tế phải đi đôi với việc chăm lo cho dân phải sống trong ấm no, hạnh phúc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định đã tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước để đoàn kết, thống nhất, quyết tâm phát triển, xây dựng tỉnh Bình Định thành địa phương phát triển hàng đầu của khu vực miền Trung.