Chư Sê (Gia Lai): Dân bức xúc tiền đền bù, các cơ quan đổ lỗi cho nhau

11/12/2017 00:00

(TN&MT) – Trong tổng số 119 hộ dân tại thôn Tân Lập, Thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê (Gia Lai) có diện tích đất bị thu hồi để phục vụ dự án mở rộng Trung tâm hành chính và đô thị sinh thái phía đông thị trấn Chue Sê, có rất ít người đồng ý nhận tiền đến bù. Nguyên nhân là là những hộ dân này không đồng tình với cách làm của chính quyền đại phương.

Ngày 15/3/2017, UBND huyện Chư Sê (Gia Lai) ra quyết định số 143/QĐ-UBND “Phê duyệt chi tiết bản vẽ phân lô giao đất tái định cư, bồi thường đất khi nhà nước thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất nhằm thực hiện dự án mở rộng Trung tâm hành chính và khu đô thị sinh thái phía đông thị trấn Chư Sê” có diện tích quy hoạch 50.000m2 tại thôn Tân Lập.

Trong tổng số 119 hộ có diện tích đất bị thu hồi để làm dự án, đến nay, chỉ có rất ít người đồng ý nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng, đa số còn lại đang rất bức xúc với cách làm của chính quyền địa phương vì không cho họ biết rõ bản đồ quy hoạch, giá đền bù cây cối hoa màu quá thấp, thậm chí chưa có quỹ đất sạch để giao cho 34 hộ dân thuộc diện tái định cư (không đúng với Điều 53 – Luật Đất đai 2013), nhưng người dân đã nhận được thông báo đóng tiền thuế đất ở tái định cư…

Bức xúc về việc gia đình mình bị thu hồi gần 800m2 đất vườn, giếng, hàng rào… ông Vũ Đức Hà (xóm 1, thôn Tân Lập) cho biết: “Bản đồ quy hoạch như thế nào chúng tôi cũng chưa được nhìn thấy, chỉ nghe ông Trưởng thôn thông báo gia đình tôi bị thu hồi 762m2 đất, giếng nước, trụ và cây hồ tiêu, hàng rào, cổng, sân… tổng tiền đền bù là 306 triệu đồng. Gia đình tôi không đồng ý vì giá đền bù, bồi thường quá rẻ mạt so với giá thực tế. Ví dụ như nếu đào được giếng nước nhà tôi theo giá hiện nay phải tốn kém hơn 50 triệu đồng, nhưng mức đền bù chưa được hơn 16 triệu đồng, hay một trụ hồ tiêu đang cho thu hoạch (trồng bằng trụ gỗ) thì chỉ được đền bù 268.000 đồng/cây, trong khi giá thị trường chỉ mua tiêu giống về trụ gỗ cũng phải tốn hàng triệu đồng/cây…”

Vườn hồ tiêu đang cho thu hoạch của gia đình ông Hà được đến bù với giá bèo
Vườn hồ tiêu đang cho thu hoạch của gia đình ông Hà được đến bù với giá bèo

Tương tự, gia đình Trần Thị Dung – Huỳnh Tấn Cường đang sinh sống ổn định thì có văn bản gửi về bị thu hồi cả nhà và đất (2.900m2), nhưng đến nay vẫn chưa đền bù, chưa có thông tin nào về nhận đất tái định cư. Chị Dung cho biết: “Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình ở đây có rất nhiều bức xúc, cứ mỗi lần họp thôn nói về vấn đề này chẳng khác nào cái chợ gần bị bể, nhưng thắc mắc về quyền lợi của người dân vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, mọi thứ chỉ biết bám vào ông Thôn trưởng, còn sơ đồ quy hoạch, quyết định thu hồi, định giá tài sản… chúng tôi gần như mù tịt. Ở đây hiều hộ dân vì bị áp giá tài sản quá “bèo” nên chúng tôi không nhận tiền đền bù… điều vô lý nữa là, gia đình tôi cũng chưa biết mình sẽ được cấp lô đất tái định cư nào nhưng đã nhận được thông báo nộp tiền thuế đất của UBND huyện… Đơn cử, theo giá nhà nước khi thu hồi đất nông nghiệp thì chỉ tính cho chúng tôi là 40.000 đồng/m2 nhưng giá thực tế ở đây người dân đầu tư tiền đi mua đất để làm rẫy thì giá thị trường cũng tối thiểu là 300 triệu đồng/sào, đó là chưa kể đất mặt đường cao gấp nhiều lần”.

Đền bù chưa xong, giải phóng mặt bằng chưa được, nhưng ngày 22/11/2017, UBND huyện Chư Sê ra văn bản số 1810/UBND-NL gửi Phòng TN&MT giao ông Nguyễn Thanh Pháp – Phó trưởng phòng hoàn thiện hồ sơ, ký tờ trình và các trích lục thửa đất gửi kèm theo dự thảo Quyết định giá đất cho các hộ gia đình đủ điều kiện giao đất tại khu tái định cư (34 hộ thuộc diện phải tái định cư, diện tích 9.810m2  – PV).

Người dân xóm 1, thôn Tân Lập trao đổi với phóng viên
Người dân xóm 1, thôn Tân Lập trao đổi với phóng viên

Đây chẳng khác nào là chủ trương “cầm đèn chạy trước ô tô” của UBND huyện khi mặt bằng sạch chưa có (trái với Điều 53 – Luật Đất đai 2013). Cùng ngày, ngay sau khi nhận được văn bản này, ông Nguyễn Thanh Pháp – Phó trưởng Phòng TN&MT huyện đã có văn bản trả lời UBND huyện (tại tờ trình số 755/TTr-TN&MT) cho rằng: Hiện nay, khu vực đất các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và chưa giải phóng mặt bằng. Vì vậy chưa có quỹ đất sạch để giao cho các hộ dân theo đúng quy định tại Điều 53 – Luật đất đai năm 2013. Do đó, đề đảm bảo quy định, tránh sai sót và kiến nghị sau này, đề nghị UBND huyện chỉ đạo Ban quản lý dự án ĐTXD huyện khẩn trương làm việc với các hộ dân chưa thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ và san ủi mặt bằng đề giao đất cho các hộ dân theo quy định.

Đường Phan Đình Dùng nối dài đang được thi công (bên kia là dự án đang làm công tác đền bù giải phóng mặt bằng)
Đường Phan Đình Dùng nối dài đang được thi công (bên kia là dự án đang làm công tác đền bù giải phóng mặt bằng)

Trước sự thiếu đồng nhất nói trên, chúng tôi có liên lạc với ông Tần Minh Triều – Giám đốc Ban quản lý dự án ĐTXD huyện Chư Sê đăng ký làm việc 2 lần nhưng cả 2 lần ông đều nói rằng rất bận nên chỉ muốn “có gì trao đổi nhanh qua điện thoại”. Ông Triều cho rằng Ban quản lý dự án ĐTXD huyện chưa nhận được chỉ đạo của UBND huyện, còn theo kiến nghị của Phòng TN&MT, chúng tôi chỉ biết rằng khi nào Phòng TN&MT gửi hồ sơ của người dân đầy đủ thì chúng tôi cho người dân nhận tiền. Phòng TN&MT không thể chỉ đạo chúng tôi được…”.

Chúng tôi cũng đã liên lạc với ông Nguyễn Thanh Pháp – Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Chư Sê, ông cho rằng ông đang rất bận công việc, muốn hỏi gì thì lên làm việc với UBND huyện…

Như vậy, dư luận cho rằng, dự án  mở rộng Trung tâm hành chính và đô thị sinh thái này  đang bị “tắc” bởi công tác chỉ đạo điều hành theo kiểu “cầm đèn chạy trước ô tô”, chưa có sự phối kết hợp nhịp nhàng của các cơ quan chức năng… khiến lòng dân “chưa thuận”.

Vũ Đình Năm

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chư Sê (Gia Lai): Dân bức xúc tiền đền bù, các cơ quan đổ lỗi cho nhau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO