Chủ động phòng, chống cháy rừng

24/06/2017 00:00

Nắng nóng kéo dài, mưa ít, nguy cơ xảy ra cháy rừng tăng cao ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ. Để phòng, chống cháy rừng, chính quyền các cấp, nhân dân và chủ rừng các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết.

Mới đây, trên địa bàn các xã Hồng Kỳ, Bắc Sơn, Nam Sơn và Phù Linh (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) đã xảy ra cháy khoảng 50 ha rừng phòng hộ. Để cứu rừng, TP Hà Nội đã phải huy động hơn 2.000 người và nhiều phương tiện tham gia chữa cháy và di dời 20 hộ dân chung quanh. Tuy nhiên phải hơn 15 giờ, đám cháy mới được khống chế. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do thời tiết nắng nóng kéo dài nhiều ngày. Khu vực rừng phòng hộ chủ yếu gồm các loại cây như thông, keo, bạch đàn nên có tầng lá khô dày đặc phủ lên bề mặt; khi gặp gió, ngọn lửa bùng phát mạnh dẫn đến cháy lớn. Cũng trong thời điểm này, tại khu vực núi Ngang, xã Bồ Lý (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đã cháy rừng phòng hộ, gây thiệt hại hàng chục ha rừng. Trước đó tại các địa phương Thái Nguyên, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định... đã xảy ra cháy rừng, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Để chủ động phòng, chống cháy rừng (PCCR), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu ngành lâm nghiệp đôn đốc, chỉ đạo sâu sát lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng và người dân, tăng cường phối hợp chặt chẽ chính quyền các cấp, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCR bảo đảm, kịp thời xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra…

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Văn Yên (Yên Bái) tuần tra bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. Ảnh: TRẦN HẢI
Cán bộ Hạt Kiểm lâm Văn Yên (Yên Bái) tuần tra bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. Ảnh: TRẦN HẢI

Mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư yêu cầu tăng cường công tác PCCR. Theo đó, đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức triển khai thực hiện công tác PCCR. Các đơn vị kiểm tra, rà soát kỹ các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng ở các cấp và từng chủ rừng, bao gồm việc tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường lực lượng tại khu vực có nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn.

Từ năm 2016, Cục Kiểm lâm đã cung cấp 14.295 điểm cháy trên toàn quốc, trong đó có những tỉnh có nhiều điểm cháy: Điện Biên (1.704 điểm), Sơn La (1.343 điểm), Lai Châu (534 điểm), Nghệ An (490 điểm), Kon Tum (1.272 điểm), Gia Lai (1.064 điểm)... Cơ quan này cũng duy trì thường trực công tác PCCR bảo đảm 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi, tổng hợp, báo cáo tình hình để xin ý kiến chỉ đạo kịp thời.

Với phương châm “phòng hỏa, hơn cứu hỏa”, các địa phương đã có nhiều biện pháp PCCR phù hợp. Tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2017 cho đại diện các hộ gia đình có rừng, giúp người dân nắm vững các quy định, nghị định, các văn bản hướng dẫn của chính phủ về công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCR, vai trò, chức năng và giá trị của rừng. Từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân và các chủ rừng đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, góp phần ổn định và phát triển tài nguyên rừng. Tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các địa phương tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; chủ động PCCR hiệu quả; thực hiện lồng ghép các chương trình dự án đã được phê duyệt góp phần thúc đẩy công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng…

Huyện Yên Thành (Nghệ An) đã xây dựng 30 km đường băng trắng cản lửa PCCR, nhằm bảo vệ an toàn cho gần 6.000 ha rừng trên địa bàn. Với phương châm phòng là chính, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp các xã có rừng trên địa bàn huy động lực lượng phát dọn và thu gom thực bì, tuyên truyền, gắn biển cấm lửa ở các vùng trọng điểm. Vào thời điểm nắng, nóng huyện đã tập trung các giải pháp cấp bách trong công tác PCCR. Tại tỉnh Quảng Trị, các lực lượng PCCR luôn đặt trong tình trạng ứng phó kịp thời mỗi khi có cháy rừng xảy ra. Nhờ chủ động, cho nên trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh chưa có vụ cháy rừng lớn xảy ra. Tại tỉnh Bình Định, theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát, hiện nay, trên địa bàn xã Cát Khánh có 1.201 ha đất có rừng, trong đó rừng sản xuất 902 ha, rừng phòng hộ 32 ha, rừng đặc dụng 267 ha; diện tích rừng có nguy cơ cháy cao khoảng hơn 1.000 ha. Cùng với việc kiện toàn ban chỉ huy, thành lập các tổ, đội PCCR, Bình Định đã chuẩn bị phương tiện, dụng cụ sẵn sàng ứng phó, bảo đảm ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng.

Theo Nhân Dân online

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng, chống cháy rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO