Xã hội

Chữ cụ đồ

Bình Phương 10/02/2024 - 00:39

Lẽ ra tầm này cụ đồ gần nhà tôi đã mang bút nghiên ra ngồi ở đầu phố để “cho” chữ thiên hạ. Nhưng năm nay thì cụ đã yếu lắm, thời tiết lại thay đổi thất thường nên cũng chưa biết có ra vung bút như mọi năm được không.

screenshot_1705796131.jpg

Cụ đồ gần nhà tôi hiền lành, đi đứng chậm chạp, tuồng như cụ chả ăn nhập gì với nhịp điệu thời đại này. Rời quê lên sống với con cháu ở phố mà tâm hồn cụ cứ hoài vọng tận đẩu đâu. Khi rỗi, tôi hay sang chơi với cụ vì rất thích xem cụ vung bút viết chữ mặc dù chả hiểu mô tê gì cả. Mà không phải bất cứ lúc nào cũng được xem cụ viết chữ đâu. Chỉ khi có ai đến nhà nài nỉ xin chữ, hoặc dịp cuối năm thiên hạ cần chữ để treo đón năm mới thì cụ mới trổ tài. Khi viết chữ, cụ cũng ăn mặc kỹ lắm, không quần áo tây như thường ngày nữa mà thay bộ áo the, quần dài, khăn xếp đàng hoàng. Hỏi thì cụ bảo đối với chữ nghĩa phải trang nghiêm, kính cẩn. Theo cụ, xét ra trên đời này ngoài cái sự sống trời ban thì chữ là cái linh thiêng thứ nhì.

Tôi hay nghe người ta kháo nhau trong số những người hay viết chữ Nho ở Hà thành thì cụ đồ phố tôi thuộc diện viết đẹp, chữ của cụ có thần khí bên trong, khi cương khi nhu, uyển chuyển, khoáng đạt. Thiên hạ hay “xin” mấy chữ như chữ Tâm, chữ Nhẫn, chữ Phúc, chữ Lộc, chữ Thọ. Tôi thấy chữ Tâm của cụ đồ phố tôi viết giống như ngọn lửa trong bếp, cháy liu riu, điềm đạm, ấm cúng và bền bỉ. Mà chả biết người khác thế nào chứ với tôi thì tôi cho rằng lửa bếp là cực kỳ thiêng liêng.

Tôi ra đường, nhìn thấy ở phố Bà Triệu có người viết chữ Nho lại bâng khuâng nghĩ tới cụ đồ gần nhà mình. Người Hà thành vốn trọng chữ, thiếu cụ thì Tết bâng khuâng biết bao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chữ cụ đồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO