Chống tham nhũng - không có vùng cấm

Ngọc Lý| 28/07/2020 14:14

(TN&MT) - Với việc xử lý kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” của Đảng, Nhà nước; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng.

Đó là những nhận định ngắn gọn, trọng tâm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khẳng định tại phiên họp thứ 18 ngày 25/7, tại Hà Nội.

Đặc biệt, hướng tập trung chỉ đạo hoàn thành xét xử sơ thẩm 9 vụ án trọng điểm từ nay đến cuối năm thể hiện rõ quyết tâm đó.

Dường như các câu chuyện về cán bộ cấp cao thoái hóa, tham nhũng, làm thất thoát ngân sách Nhà nước đều có một “con đường” khá giống nhau, đó là câu chuyện về thực thi nhiệm vụ và giám sát quyền lực của cơ quan công quyền và chính quyền cơ sở. Một trong những bài học rút ra là công tác cán bộ cần phải làm triệt để hơn nữa, cần có một cơ chế giám sát quyền lực chặt chẽ, nghiêm minh.

Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, không ít trường hợp, sau khi trao quyền cho một cá nhân, cấp trên của đơn vị đó không thường xuyên giám sát, để tự các nhân đó giải quyết hết thảy mọi công việc; nghiêm trọng hơn là còn “bảo lãnh” cho cá nhân ấy tự tung tự tác. Và hậu quả là những sai phạm cứ nối tiếp từ nhỏ thành lớn. Nguy hại hơn, khi cán bộ mắc sai phạm không được xử lý, khi lên cao hơn sai phạm sẽ càng lớn hơn, gây hậu quả trầm trọng hơn. Với việc phải xử lý cả cán bộ cấp cao thuộc Bộ Chính trị quản lý là một minh chứng.

Một câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta có cả một quy trình hoàn chỉnh, để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, nhưng tại sao vẫn để lọt những cán bộ yếu năng lực, kém đạo đức vào bộ máy Nhà nước?!

Cơ chế có thể làm con người hoàn thiện nhưng cũng có thể làm hư hỏng con người. Một cán bộ được đặt đúng vị trí, được giám sát chặt chẽ bởi tổ chức đảng và quần chúng sẽ phải luôn có ý thức rèn luyện, làm tốt công việc được giao. Cán bộ nhân thân tốt nhưng ngồi vào cái ghế không được giám sát, đến lúc nào đó cũng khó tránh được vòng xoáy cám dỗ: Lạm quyền, trục lợi, sa đọa...

Cũng vậy, trong một hệ thống chính trị không hoàn hảo, lòng tham của những nhóm lợi ích sẽ dẫn đến tình trạng quản lý Nhà nước bị lợi dụng cho mục đích cá nhân mà toàn xã hội sẽ phải trả giá.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo khẳng định, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn phải làm lâu dài, còn nhiều việc phải làm. Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, phức tạp, khó khăn, thời đại nào cũng có, hết cái này nảy sinh cái khác, nên phải luôn luôn tổng kết, rút kinh nghiệm để làm tiếp.

Nhìn lại những vụ án tham nhũng thời gian qua, nếu chúng ta vẽ một sơ đồ đường đi của quá trình sai phạm sẽ thấy không thiếu cấp nào, từ chính quyền cấp phường, xã, quận huyện, tỉnh, thành đến cấp Trung ương.

Đã có những chiếc cặp xinh xinh được tặng với giá trị cả triệu đô la, những khu đất được cho “mượn” vô thời hạn… Tất cả không thể giải thích minh bạch được sau mỗi vụ việc.

Khi mà lòng tham của từng cá nhân “có đất” tung tác không hạn định; khi đó, cần có một hệ thống quyền lực với giải pháp triệt để để kiểm soát bản tính tham lam của con người - nhưng điều này dường như chúng ta mới chỉ bắt đầu.

Thực ra, ở các vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Ban Quản lý Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Công ty Gang thép Thái Nguyên, Công ty Hải Thành, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam… không phải chúng ta thiếu cơ chế giám sát, cái chính là cơ chế giám sát được thực hiện rất hình thức, hời hợt.

Khi mà quản lý cán bộ lỏng lẻo, quyền được trao quá lớn cho một vài cá nhân, dân chủ hình thức, sẽ làm tê liệt ý thức đấu tranh, ý thức rèn luyện thường xuyên từ mỗi cá nhân trong tập thể ấy và làm nảy sinh những ung nhọt nhức nhối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống tham nhũng - không có vùng cấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO