(TN&MT) - UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành quyết định về Quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) Kiên Giang.
Sản xuất nước mắm, khô cá thiều tại Phú Quốc
Theo quyết định thì tất cả các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh các nhóm sản phẩm/dịch vụ bao gồm: Nước mắm, khô cá sặc rằn, tôm khô, mực khô, cua biển và ghẹ biển (đã sơ chế và bảo quản); hồ tiêu, mật ong, bánh làm từ trái thốt nốt; rượu sim; túi xách tay dành cho phụ nữ, giỏ xách (túi xách) đựng đồ mua hàng, túi du lịch; dich vụ vận chuyển hành khách (xe, tàu, thuyền du lịch) hướng dẫn tham quan du lịch; khách sạn, nhà hàng ăn uống, thuộc Khu DTSQ Kiên Giang, nếu tự nguyện đề nghị sẽ được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận.
Việc cho phép sử dụng NHCN khu DTSQ Kiên Giang nhằm hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng NHCN trong phát triển sản xuất, chế biến và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có xuất xứ từ Khu DTSQ Kiên Giang. Nhằm quảng bá, giới thiệu các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ an toàn hoặc các đặc tính của những hàng hóa, dịch vụ thuộc khu DTSQ Kiên Giang. Ngoài ra cũng nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và sự hiểu biết cho cộng đồng về mục đích, ý nghĩa bảo tồn và phát triển bền vững môi trường và hệ sinh thái của vùng DTSQ Kiên Giang.
Tin & ảnh: Giang Sơn