Cho phép chuyển nhượng mảnh đất đã bị kê biên để thi hành án?

Liên Minh | 09/01/2020 23:16

(TN&MT) - Mảnh đất hơn 1.000 m2 tại số 6 Liên khu 2-5, phường Bình Trị Đông, Bình Tân, TP.HCM đã được cưỡng chế để bảo đảm thi hành án sau phán quyết của tòa. Tuy nhiên, TAND Cấp cao tại TP.HCM vẫn tiếp tục cho phép chuyển nhượng tại một bản án khác khiến việc thực thi hành án không thể thực hiện.

Mảnh đất đã được kê biên để thi hành án...

Gần 10 năm mòn mỏi đòi nợ

Theo đơn gửi các cơ quan chức năng và báo chí, ông Trần Phước Lập (thường trú khu phố 1, tỉnh lộ 8, thị trấn Củ Chi, TPHCM) có cho vợ chồng ông Võ Thanh Vân và bà Nguyễn Thị Thu (địa chỉ số 6, Liên khu 2-5, khu phố 5, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM) vay 10 tỷ đồng theo Hợp đồng vay tiền ngày 5/8/2010, thời hạn vay 24 tháng, không tính lãi.

Ngược lại, ông Vân, bà Thu giao diện tích 750m2 đất cho Doanh nghiệp tư nhân Sơn Lập Ngân của ông Lập làm chủ được thuê không phải trả tiền. Tuy nhiên, đến hạn, vợ chồng ông Vân không trả tiền khiến ông Lập khởi kiện ra TAND quận Bình Tân để đòi số tiền 10 tỷ.

Ngày 30/9/2013, TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử phúc thẩm vụ việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản. Bản án phúc thẩm số 1418/2013/DSPT, TAND TPHCM đã tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm số 51/2013 ngày 28/6/2013. Theo đó, TAND TPHCM đã buộc ông Vân, bà Thu phải trả cho ông Lập 10 tỷ đồng, thanh toán 1 lần ngay sau khi bản án có hiệu lực.

Tuy nhiên, do khi đó TAND TP.HCM không yêu cầu bà Thu, ông Vân giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm tài sản đảm bảo thi hành án nên sau khi bà Thu, ông Vân ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng mảnh đất tại Liên khu 2-5 cho ông Nguyễn Thanh Trí với giá 13 tỷ đồng mà không nộp vào thi hành án theo quyết định của TAND TPHCM.

Kẽ hở này đã phát sinh hàng loạt những sự việc liên đới, làm thất thoát tài sản và “tạo điều kiện” để vợ chồng bà Thu, ông Vân tiếp tục “làm xiếc” với mảnh đất của mình. Theo đó, ngày 31/10/2013, sau khi có đơn của ông Lập xin thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân đã ban hành Quyết định thi hành án số 71/QĐ-CCTHA, và Quyết định số 66/QĐ-CCTHA v/v Tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với “Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất của bà Nguyễn Thị Thu với diện tích 1.000m2, tọa lạc tại số 6, liên khu 2-5, phu phố 5, phường Bình Trị Đông.

Tiếp đến, ngày 03/01/2014 Chi cục Thi hành án dân sự quận Tân Bình ban hành Thông báo số 458/TB-THA v/v cưỡng chế bằng biện pháp kê biên, xử lý tài sản của bà Nguyễn Thị Thu. Ngày 01/07/2014 Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân ban hành Thông báo số 1402/TB-THA v/v cưỡng chế đối với tài sản chung là mảnh đất nêu trên.

Tuy nhiên đến nay, bà Thu vẫn không trả tiền cho ông Lập dù tài sản đảm bảo thi hành án là mảnh đất 1.000m đã được chuyển nhượng và nhận tiền từ người khác.

Chây ỳ không trả nợ

Theo phản ánh của ông Trần Phước Lập, không chỉ chây ỳ không trả nợ mà bà Thu còn có dấu hiệu “cản trở”, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án bằng việc biến mảnh đất 1.000m từ sở hữu cá nhân thành đồng sở hữu nhiều người. Cụ thể, mảnh đất số 6 Liên khu 2-5 trước đây thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Út (là mẹ của bà Thu). Sau khi cụ Út chết, bà Thu đã lập văn bản khai nhận di sản thừa kế từ cha mẹ và anh trai. Tuy nhiên, sau đó, bà Thu đã tiến hành đăng ký biến động, sang tên quyền sử dụng đất cho nhiều người (chồng và các con). Từ đó, bà Thu cũng là người đại diện cho nhóm người cùng sử dụng đất và sở hữu tài sản trên đất. Chính điều này đã khiến việc giao dịch, chuyển nhượng mảnh đất 1.000m không thể thực hiện khi chưa có sự đồng ý của nhóm người đồng thừa kế. Điều này vô hình chung dẫn tới việc bà Thu, ông Vân chậm trễ trả nợ cho ông Lập được “hợp thức hóa”?

Tòa lại tiếp tục tuyên án với tài sản đã bị kê biên, gây bất lợi cho người có quyền lợi liên quan

Nhưng điều “lạ” ở đây là cho dù không xác nhận phần sở hữu của Bà Thu, ông Vân là người sở hữu duy nhất, nhưng tại bản án này, TAND Cấp cao tại TPHCM lại tuyên cho bà Thu, ông Vân tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất 1.000m2 cho ông Trí theo Hợp đồng đặt cọc số 33301 mặc dù tài sản này đã được kê biên bảo đảm thi hành cho bản án phúc thẩm số 1418/2013/DSPT của TAND TPHCM? Vì cho dù là Tòa đưa vào Quyết định xử là bà Thu đại diện cho nhóm người, thì việc mua bán này còn phức tạp hơn vì phải được sự đồng ý của cả nhóm người có quyền lợi liên quan, vậy cơ sở nào để Tòa tuyên tiếp tục được tiến hành mua – bán?

Để đòi lại tài sản của mình, ông Lập buộc phải khởi kiện ra tòa yêu cầu xác định phần quyền sở hữu của bà Thu, ông Vân tại mảnh đất số 6, Liên khu 2-5. Qua hai cấp xét xử, TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên: Không chấp nhận yêu cầu của ông Trần Phước Lập đối với yêu cầu xác định phần sở hữu của bà Nguyễn Thị Thu trong khối tài sản nhà đất trên là thuộc quyền sở hữu duy nhất của bà Thu. Điều này đã khiến ông Trần Phước Lập là người được thi hành án bản án số 1418/2013 buộc bà Thu phải trả 10 tỷ đồng không thể thực hiện mặc dù án đã có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, Chi cục Thi hành án dân sự Bình Tân đã có hàng loạt văn bản cưỡng chế, kê biên tài sản.

Lý giải về việc chậm trễ thi hành án, trong Công văn số 2399/CCTHADS của Chi cục THADS quận Bình Tân gửi TAND Tối cao và VKSND Tối cao, ông Thái Vệ Cường, Phó Chi cục trưởng nêu rõ: “Chi cục THADS quận Bình Tân đã xác minh điều kiện thi hành án của ông Vân, bà Thu và được biết bà Thu có tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 6, Liên khu 2-5, khu phố 5, phường Bình Trị Đông (cấp cho bà Thu là người đại diện cho nhóm người cùng sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất ). Chi cục THADS quận đã ban hành Quyết định số 17/QĐ-CCTHA ngày 9/12/2013 về cưỡng chế kê biên tài sản đối với phần tài sản nêu trên của bà Thu để đảm bảo thi hành án”.

Theo ông Cường cho biết: “Việc cưỡng chế, kê biên xử lý tài sản chưa thực hiện được, do nhà đất tại số 6, Liên khu 2-5 có tranh chấp và tòa án đang thụ lý giải quyết ở một vụ án khác. Hiện việc tranh chấp đã được giải quyết bằng Bản án số 111/2019 DSPT ngày 11/4/2019 của TAND Cấp cao tại TP HCM, trong đó nội dung phán quyết cho biết: “Chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Minh Trí, bà Lê Thị Mỹ Hồng và bà Nguyễn Thị Thu, ông Võ Thanh Vân tiếp tục thực hiện Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Hợp đồng đặt cọc số 33301 ngày 4/10/2013 ký tại Phòng công chứng số 3 TP.HCM”.

Theo ông Cường quyết định của TAND Cấp cao tại Bản án số 111/2019-DSPT cho tiếp tục thực hiện hợp đồng đặt cọc là chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THA.

Ông Cường lý giải: “Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải THA chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để THA và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ THA thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để THA; trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 75 Luật THA. Trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm THA, biện pháp cưỡng chế THA mà tài sản bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố cho người khác thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để THA. Chấp hành viên có văn bản yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó”.

Quy định là vậy, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì TAND Cấp cao tại TPHCM vẫn tuyên cho phép chuyển nhượng mảnh đất đã bị kê biên để bảo đảm thi hành án trả nợ số tiền 10 tỷ đồng của bà Thu cho ông Lập?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cho phép chuyển nhượng mảnh đất đã bị kê biên để thi hành án?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO