Chỉnh trang, làm sạch di tích Thượng thành Huế

Văn Dinh| 02/07/2020 12:47

(TN&MT) - Sau khi hàng trăm hộ dân giải tỏa khỏi Thượng thành thuộc đề án di dân ra khỏi Kinh thành Huế, cơ quan chức năng đã vận động nhiều thành phần tham gia dọn dẹp vệ sinh, phát quang sạch sẽ nhằm chỉnh trang di tích...

Thời gian qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức vận động, di dời hàng trăm hộ dân sống trên khu vực Thượng thành ra khu tái định cư Hương Sơ, trả lại hiện trạng bờ thành cho di tích kinh thành Huế. Sau khi giải tỏa, khu Thượng thành ngổn ngang xà bần, vật dụng gia đình, có nhiều rác thải và cây cối của người dân để lại...

Rác thải tràn ngập khu vực Thượng thành sau khi người dân giải tỏa nhà cửa

Sau khi di dời dân khu vực Thượng Thành thuộc Khu vực I di tích Kinh thành Huế, UBND TP. Huế đã tổ chức huy động các đơn vị, địa phương liên quan ra quân “Ngày Chủ nhật xanh” thu gom vật liệu và dọn dẹp vệ sinh để chỉnh trang di tích Kinh thành Huế.

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh, thành phố huy động lực lượng gần 1.500 người gồm công an, bộ đội, cán bộ, đoàn viên thanh niên... thực hiện công tác hoàn trả mặt bằng, thu gom vận chuyển rác thải 2.700m2, tránh trường hợp tái lấn chiếm và bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế để quản lý, trùng tu, bảo tồn.

“Các lực lượng tổ chức dọn dẹp vệ sinh hoàn trả lại hiện trạng cho di tích, đảm bảo cảnh quan, phát huy giá trị di sản. Thu gom phân loại các loại rác thải vận chuyển đến các bãi thải đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh công tác chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan môi trường thiên nhiên vùng di tích, tôn tạo cảnh quan văn hóa, kiến trúc di sản đô thị Huế...”- ông Hoàng Hải Minh cho biết.

Lực lượng chức năng dọn dẹp di tích

Là đơn vị chuyên trách được giao nhiệm vụ chính phối hợp với các địa phương, đơn vị tham gia, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (MTĐT) đã xây dựng kế hoạch thu dọn, vận chuyển rác phục vụ chỉnh trang khu vực này. Với phương tiện hiện có, ngoài duy trì nhiệm vụ thường xuyên, công ty có thể tăng ca, tăng chuyến vận chuyển bằng xe cẩu xuồng thêm khoảng 70m3/ngày và xe cuốn ép khoảng 100-130m3/ngày.

Với khối lượng rác thực tế và điều kiện về phương tiện, nhân vật lực, theo kế hoạch của Công ty MTĐT sẽ thực hiện trong 3 “Ngày Chủ nhật xanh” là ngày 21/6, 28/6 và 5/7; đồng thời, bố trí các điểm đặt xuồng và các điểm tập kết rác tạm thời hợp lý, có dụng cụ cảnh báo để tập kết lượng rác không vận chuyển hết trong ngày ra quân, đảm bảo cho hoạt động thu gom và an toàn giao thông.

Ngoài các lực lượng tình nguyện tham gia “Ngày Chủ nhật xanh” làm sạch khu vực Thượng thành, nhiều ngày qua, những gia đình trong diện di dời cũng đã thu dọn sạch sẽ nơi ở cũ của mình để trả lại mặt bằng sạch cho chính quyền, cho di tích. Khi UBND TP. Huế, phường phát thông báo dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang di tích sau khi di dời dân, nhiều người dân sinh sống dọc đường Xuân 68 (phường Thuận Thành) không thuộc diện di dời, nhưng đang sử dụng phần đất của Thượng thành để chăn nuôi, dựng lều quán tạm… cũng đã chấp hành tháo dỡ, thu dọn vật liệu, phế liệu, rác thải.

Nhiều thành phần, lực lượng tham gia

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã đi kiểm tra và động viên các lực lượng tiến hành thu gom vật liệu và dọn dẹp vệ sinh tại 5 khu vực từ Cửa Thượng Tứ đến Quán Tượng Đài, đánh giá cao UBND TP. Huế và các lực lượng đã chủ động và tích cực ra quân thực hiện công tác thu gom, dọn dẹp vệ sinh. Đề nghị UBND TP. Huế thường xuyên theo dõi, thực hiện, đôn đốc các đơn vị thực hiện công việc theo kế hoạch đã đề ra.

“Việc thu dọn phải được tổ chức dứt điểm, dọn dẹp đến đâu hoàn thành bàn giao mặt bằng đến đó. Đối với rác thải sinh hoạt thực hiện việc thu gom và vận chuyển về bãi rác theo quy định, đối với rác thải xây dựng thu gom, vận chuyển về bãi đỗ theo quy định hoặc tận thu tái tạo lại theo hướng sử dụng làm vật liệu xây dựng; tổ chức bàn giao mặt bằng sạch, đảm bảo hiện trạng sau khi giải tỏa cho Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế”, ông Thọ nhấn mạnh.

Được biết, Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế được xem là dự án mang tính lịch sử của tỉnh Thừa Thiên Huế với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng là 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư là 1.362 tỷ đồng. Dự án gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2021 hoàn thành di dời ở các khu vực Thượng thành, Eo Bầu, Hộ Thành hào và tuyến phòng lộ với 2.938 hộ dân. Giai đoạn 2 từ năm 2022 - 2025 dự kiến hoàn thành di dời ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài… với 1.263 hộ dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉnh trang, làm sạch di tích Thượng thành Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO