Chỉnh sửa Luật thuế tài nguyên để tránh thất thu

13/05/2016 00:00

(TN&MT) - Ngày 13/5, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã tổ chức Hội thảo Nâng cao hiệu quả thu ngân sách trong khai thác khoáng sản: Từ kinh nghiệm thực tiễn đến các giải pháp chính sách” nhằm chia sẻ các bất cập trong thực tiễn thực thi và đề xuất các kiến nghị sửa đổi Luật thuế tài nguyên 2009.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Mục tiêu của hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng chính sách tài chính và quản lý thu trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Đồng thời thảo luận về các bất cập và định hướng sửa đổi Luật thuế tài nguyên 2009 theo hướng tăng cường minh bạch và nâng cao hiệu quả thu.

Năm 2009, Quốc hội đã ban hành Luật Thuế tài nguyên 2009 thay thế của Pháp luật thuế tài nguyền. Theo đó, Luật Thuế tài nguyên đã kế thừa, luật hóa các quy định của pháp luật thuế liên quan đến tài nguyên và khắc phục những mặt hạn chế của chính sách tài nguyên trước đó. Tuy nhiên, đóng góp ngân sách từ ngành khoáng sản vẫn rất hạn chế. Theo tính toán từ số liệu thống kê của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí chỉ đạt 0,9% - 1,1% tổng thu ngân sách của nhà nước trong giai đoạn 2011 – 2013.

Trao đổi tại hội thảo, TS Lê Xuân Trường giảng viên Học viện Tài chính cho rằng chính sách thuế tài nguyên còn nhiều bất cập, tạo kẽ hở để doanh nghiệp tránh thuế và trốn thuế. Hiện nay, thuế tài nguyên được tính dựa trên sản lượng tính thuế, giá tính thuế và thuế suất. Tuy nhiên, sản lượng tính thuế do doanh nghiệp tự tính toán và kê khai. Ngoài ra, giá bán thuế tài nguyên chủ yếu do UBND tỉnh quy định và có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương. Nhìn chung việc kiểm soát sản lượng khai thác và giá tính thuế hiện nay còn rất yếu. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan tài nguyên và môi trường chưa thực sự hiệu quả, Việc khai thác và xuất khẩu trái phép vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương gây thất thu ngân sách.

Đại diện doanh nghiệp ông Hoàng Ngọc Thao đến từ Công ty Apatit Việt Nam cũng cho rằng chính sách thuế tài nguyên hiện nay cũng không khuyến khích doanh nghiệp chế biến sâu. Hiện nay, giá tính thuế tài nguyên đối với quặng 3 của công ty được ấn định là 350.000 đồng/ tấn. Với mức thu này, tổng giá thành chế biến quặng 3 thành quặng tuyển có thể sử dụng được 944.933 đồng/ tấn. Giá bán quặng tuyển là 962.900 đồng/ tấn. Như vậy công ty gần như không có lãi khi khai thác quặng nghèo.

Các số liệu về số thu tài nguyên cho thấy mức độ thất thu ngân sách từ khai thác tài nguyên ở Việt Nam khá cao. Đối với nhiều quốc gia, tỷ lệ thất thu trong khai thác tài nguyên là 5 – 25% GDP. Nếu lấy tỷ lệ thấp là 5% GDP, hàng năm Việt Nam có thể mất tới 1 tỷ đô la Mỹ ngân sách do các kẽ hở của chính sách thuế tài nguyên và quản lý thu chưa tốt. Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Việt Nam cần sớm chỉnh sửa Luật thuế tài nguyên để khắc phục các bất cập và giải quyết các kẽ hở. Nhìn chung, việc xây dựng chính sách tài chính là một nội dung rất quan trọng trong công tác quản trị tài nguyên. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp quản lý tốt như tham gia hệ thống trao đổi thông tin thuế tự động giữa các quốc gia.  Ngoài ra, Việt Nam cần nhanh chóng áp dụng các sáng kiến quốc tế về quản lý thuế tốt như tham gia hệ thống trao đổi thông tin thuế tự động giữa các quốc gia.

Nguyễn Cường

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉnh sửa Luật thuế tài nguyên để tránh thất thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO