Thứ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Linh Ngọc phát biểu |
Tới dự có ông Cao Đức Phát, Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban kinh tế TW; ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Quốc hội. Về phía Bộ TN&MT có ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ TN&MT; ông Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất & Khoáng sản Việt Nam, cùng các chuyên gia kinh tế, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực địa chất khoáng sản…
Tại Hội thảo, ông Cao Đức Phát, Ủy viên TW Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Kinh tế TW nhận định, trong những năm qua, chủ trương, chính sách pháp luật về khoáng sản của Đảng và Nhà nước đã định hướng và tạo khuôn khổ và hành lang pháp lý cho phát triển công nghiệp khai khoáng sản theo hướng bền vững.
Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, qua thực tiễn cho thấy một số chủ trương, chính sách cũng như quy định của pháp luật về khoáng sản cần được rà soát, đánh giá những mặt được, những tồn tại, hạn chế nhắm tiếp tục hoàn thiện. Để đánh giá việc thực hiện chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản để có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời về chủ trương, chính sách pháp luật về khoáng sản cho phù hợp với yêu cầu quản lý trong thời kỳ mới, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết 02- NQ/TW của Bộ Chính trị về “định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quốc hội đã tổ chức giám sát tình hình quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức sơ kết đánh giá 05 năm thực hiện Luật khoáng sản 2010. Hội nghị lần này được tổ chức với mục đích tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, đánh giá của các nhà quản lý, các nhà khoa học và doanh nghiệp.
Thay mặt Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, toàn bộ quan điểm, chủ trương của Đảng, của Quốc hội đối với việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về khoáng sản đã được thể hiện trong Luật khoáng sản năm 2010.
Tuy nhiên, để Luật đi vào thực tiễn, vai trò giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý khoáng sản là hết sức quan trọng. Thông qua hoạt động giám sát sẽ đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoáng sản, để đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về khoáng sản.
Chính vì vậy, trong 05 năm vừa qua, sau khi Luật Khoáng sản có hiệu lực, Quốc hội đã thực hiện 02 cuộc giám sát chuyên đề: Chuyên đề giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường vào năm 2012 và Chuyên đề giám sát về hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng của 02 dự án bôxit Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư vào năm 2014.
Ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng Bộ TN&MT đánh giá, sau hơn 05 năm thực hiện chức năng giúp Chính phủ thực thi các chủ trương, chính sách, pháp luật về khoáng sản, đến nay, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp xây dựng để ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền khá đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật khoáng sản năm 2010. Với 06 Nghị định, 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và gần 40 Thông tư, Thông tư liên tịch của các Bộ hướng dẫn thi hành, Luật Khoáng sản đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đưa hoạt động khoáng sản vào nề nếp.
Toàn cảnh Hội thảo |
Đánh giá công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, ông Nguyễn Linh Ngọc cho rằng đã đạt được những kết quả đáng kể với diện tích được điều tra, lập bản đồ địa chất - khoáng sản đạt gần 70% diện tích đất liền; nhiều loại khoáng sản quan trọng, có tính chiến lược đã được điều tra, đánh giá như bauxit, sắt laterit, titan...; công tác cấp phép hoạt động khoáng sản thực hiện ngày càng chặt chẽ; công tác tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc với kết quả đáng kể, góp phần đưa các quy định mới của Luật khoáng sản đi vào cuộc sống; ngành công nghiệp khai khoáng đã chuyển dần sang chiều sâu, nhằm khai thác triệt để, thu hồi tối đa khoáng sản; bảo vệ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm có hiệu quả v.v…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cũng thẳng thắn nhận định,việc thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản đã cho thấy còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Một số chủ trương, quan điểm trong quản lý khoáng sản khi thực thi chưa đem lại hiệu quả cao…
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung đóng góp ý kiến, đánh giá những kết quả đạt được; hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách; thể chế hóa thành quy định của pháp luật cũng như quá trình tổ chức thực hiện; Đồng thời đưa ra những giải pháp và kiến nghị tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách và pháp luật về khoáng sản để phát triển công nghiệp khai khoáng theo hướng quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hết sức hợp lý, triệt để tiết kiệm, thật sự có hiệu quả cao và bảo vệ môi trường nhằm phát huy tối đa nguồn lực này để phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn tới.
Phạm Thu Hà