Chính sách thuế công bằng sẽ đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững

Thu Minh | 25/11/2020 17:42

(TN&MT) - Ngày 25/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp cùng Liên minh Công bằng thuế Việt Nam tổ chức “Diễn đàn chính sách tài khóa và phát triển Việt Nam 2020” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách. 

Theo nghiên cứu của ThS. Phạm Văn Long, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), thuế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu ngân sách Nhà nước với con số trung bình là 78% trong giai đoạn 2006-2019. Tốc độ tăng trưởng của thu ngân sách nhà nước cũng đang có xu hướng chậm lại trong ba năm trở lại đây. Tổng thu ngân sách trên GDP đã giảm trong một thập kỷ trở lại đây. Năm 2016, con số này là 25,7%. Tuy nhiên, theo ThS. Phạm Văn Long, chi phí thu ngân sách vẫn còn tương đối cao so với khu vực.

Toàn cảnh diễn đàn

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề về ngân sách Việt Nam là các nguồn thu bị thu hẹp do suy giảm tăng trưởng và thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, vấn đề về tăng nguồn chi, với những khoản chi rất mạnh như gói an sinh xã hội, chi thực hiện nhiệm vụ cấp bách vì thiên tai hay chi đầu tư công cũng đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Về vấn đề nợ công, thời gian gần đây, đã được cải thiện, nhưng do tác động của dịch Covid-19 đã gây mất cân đối ngân sách - trở thành áp lực mới cho nợ công.

Trước những vấn đề đó, Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng: Quan trọng nhất trong đảm bảo sự công bằng và cân đối ngân sách bền vững, cân đối nguồn thu, gia tăng những nguồn thu bền vững, giảm thiểu các nguồn thu phập phù. 

Về chính sách tài khóa thời gian tới, Đại diện vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước TS. Lê Hoài Nam, cho rằng, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn thu, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thuế đối với thu thuế, phí, lệ phí. Việc ổn định sản xuất trong thời gian qua, tạo lợi thế cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt là việc xuất khẩu các ngành hàng, lĩnh vực mà nhiều quốc gia có thế mạnh đang gặp khó khăn do phải đối phó với dịch bệnh sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất nhập khẩu. 

Đồng thời, cần cân nhắc thận trọng trong việc tăng thu từ các nguồn bán tài sản, quyền tài sản với việc chấp nhận tăng bội chi ngân sách Nhà nước và tăng nợ công trong ngắn hạn. Trước mắt, trong năm 2020, Chính phủ nên chọn lựa giải pháp tăng trần nợ công từ 4,99% GDP như hiện nay lên tối đa 5,59% GDP để giảm áp lực thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp 38,5 nghìn tỷ đồng.  

Ngoài ra, theo trong bối cảnh hội nhập kinh tế bị hạn chế do dịch bệnh, đây là “thời điểm vàng” để Việt Nam tăng cường tiềm lực để từng bước  chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp phụ trợ, máy móc công nghệ xuất khẩu. Đặc biệt, cần chi cho đầu tư phát triển trong điều kiện tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu. Các chuyên gia dự báo, trong dài hạn, Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để cổ phần hóa doanh nghiệp, cải cách căn bản nền tài chính công, tạo động lực bứt phá nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách thuế công bằng sẽ đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO