Chính sách chưa toàn diện, chồng chéo
Theo Báo cáo môi trường đô thị giai đoạn 2011 – 2015, chất lượng không khí tại các đô thị lớn, khu vực xung quanh các KCN, khu chế xuất chưa có nhiều cải thiện so với giai đoạn 2006-2010. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trước hết chính sách pháp luật về quản lý chất lượng không khí còn chung chung, tản mạn và chưa có một văn bản toàn diện và tổng thể về BVMT không khí. Các quy định pháp luật về BVMT chủ yếu mới đưa ra yêu cầu các tổ chức, cá nhân, phương tiện giao thông phải xử lý khí thải đạt yêu cầu trước khi thải ra ngoài môi trường. Các quy định về chất lượng nhiên liệu, kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông, kiểm soát thải cố định…nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau. Chúng ta còn thiếu một số văn bản đề cập đến việc quản lý chất lượng không khí trong nhà, tiếng ồn, mùi… Đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Chúng ta chưa có một văn bản dưới luật chuyên biệt, chi tiết về BVMT không khí nên vấn đề không được tiếp cận một cách tổng thể và toàn diện. Có thể nói BVMT không khí dường như bị xem nhẹ so với BVMT nước và quản lý chất thải rắn.
Đồng thời, việc phân công trách nhiệm giữa các bộ, ngành ở cấp Trung ương còn chồng chéo và để lại nhiều khoảng trống. Cụ thế, Bộ TN&MT chịu trách nhiệm chung về BVMT không khí nhưng chỉ kiểm soát các nguồn thải công nghiệp lớn. Đối với nguồn thải cố định khác, Bộ Công Thương được giao quản lý BVMT song cũng chỉ kiểm soát các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc, trong đó có các cơ sở phát sinh khí thải trọng điểm mà Bộ TN&MT kiểm soát nhưng lại không quản lý các cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh….Sự phân tách trách nhiệm như vậy làm cho công tác BVMT chưa đạt kết quả cao nếu không có sự điều phối. Tương tự như vậy, tại các địa phương nguồn lực phục vụ cho công tác còn hạn chế. Và chưa có kế hoạch quản lý chất lượng không khí tại các địa phương.
Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn đang có xu hướng gia tăng |
Bên cạnh đó, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường không khí còn thiếu tính đồng bộ, công tác quan trắc, kiểm kê nguồn khí thải còn hạn chế, thiếu các chương trình quan trắc tổng thể và định kỳ cho các khu vực nông thôn và làng nghề. Nhiều hoạt động kiểm soát ô nhiễm chưa được triển khai như kiểm soát chất lượng nhiên liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu, đào tạo, tập huấn, nghiên cứu và giáo dục nâng cao nhận thức về BVMT không khí. Ngoài ra, nguồn nhân lực và kinh phí cho hoạt động kiểm soát ô nhiễm không khí chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng vào công tác kiểm soát ô nhiễm không khí còn mờ nhạt, chỉ mang tính hình thức.
Cần phải có luật chuyên biệt về không khí
Nhìn nhận của nhiều chuyên gia cho rẳng muốn quản lý và cải thiện chất lượng không khí thì phải có cách tiếp cận toàn diện, tổng thể với nhiều giải pháp đồng bộ như: Quy hoạch sử dụng đất phù hợp, quản lý nhu cầu đi lại, quản lý chất lượng nhiên liệu, ứng phó với các sự cố môi trường không khí, quản lý theo khu vực đặc thù…
Tiến sĩ Nguyễn Trung Thắng cho rằng: Để thực hiện các mục tiêu này, chúng ta cần phải xây dựng một văn bản luật chuyên biệt về BVMT không khí như nhiều nước trên thế giới. Luật này sẽ quy định rõ trách nhiệm và sự phối hợp của các bộ, ngành và các bên liên quan trong việc thực thi các biện pháp bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường không khí.
“Hiện Việt Nam về BVMT chúng ta đã có những đạo luật chuyên biệt như BVMT, Luật Đa dạng sinh học… song chưa có các luật chuyên biệt về môi trường đất, nước, không khí. Chính vì vậy, thời gian tới, hệ thống pháp luật về BVMT cần sắp xếp lại, kiện toàn lại thông qua việc xây dựng Bộ Luật không khí” - Tiến sĩ Thắng cho biết.
Phương tiện giao thông cộng với khí bụi đang làm cho ô nhiễm không khí tại nhiều nơi bị ô nhiễm |
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Đặng Văn Lợi, nguyên Cục trưởng Cục Thẩm định đánh giá tác động môi trường cho rằng cần phải t ăng cường các nguồn lực tài chính, đa dạng hóa các nguồn đầu tư, tăng cường kinh phí cho quản lý môi trường không khí, đặc biệt là hình thành hệ thống công cụ kinh tế như phí BVMT đối với khí thải, xây dựng cơ chế trao đổi hạn ngạch phát thải khí thải giữa các doanh nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động quan trắc, kiểm kê khí thải, kiểm soát môi trường không khí tại các đô thị và các KCN. Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tích cực thực hiện Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên, môi trường quốc gia đến năm 2020, trong đó quan tâm đến các hệ thống quan trắc không khí, giám sát các nguồn khí thải công nghiệp lớn; xây dựng và ban hành quy định về chuẩn kết nối và yêu cầu kết nối số liệu trong hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, các địa phương và KCN.
Đồng thời, xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về môi trường không khí đô thị, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động BVMT nói chung, môi trường không khí nói riêng; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng và doanh nghiệp trong quản lý chất lượng không khí; Tăng cường năng lực, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo về BVMT không khí. Ngoài ra cũng cần phải mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác kỹ thuật với các nước có kinh nghiệm và hỗ trợ nguồn lực trong BVMT không khí…
Thái Bình