“Chính sách, giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”

Thu Trang - Khương Trung| 12/12/2019 11:25

(TN&MT) - Sáng 12/12, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì Hội thảo khoa học “Chính sách, giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.

Tham dự Hội thảo có sự tham dự của Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền Thông, Kế hoạch và Đầu tư, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; các Sở Tài nguyên và Môi trường; các tập đoàn, hãng công nghệ trong và ngoài nước và các chuyên gia, đại biểu các đơn vị, tổ chức liên quan.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu chủ chốt tham dự Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh rằng trong thời cuộc phát triển ngày hôm nay, cuộc cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đóng vai trò tiên quyết trong các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội.

Điều này đã được Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chỉ thị, Nghị quyết về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như các chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tất cả đều hướng tới mục tiêu tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân phát biểu tại Hội thảo

Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân khẳng định “Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thức được rằng, các hoạt động quản lý nhà nước; điều tra cơ bản; xử lý, phân tích, dự báo chuyên ngành về tài nguyên và môi trường buộc phải có các thông tin, dữ liệu dạng số, trong đó nhiều dữ liệu theo thời gian thực; đồng thời, kết quả hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường còn cung cấp dữ liệu đầu vào cho mọi hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác tài nguyên tiết kiệm hiệu quả, bảo vệ môi trường.”

Để nắm bắt được cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phải đánh giá được tác động, nhận diện rủi ro, cơ hội và thách thức đối với toàn ngành tài nguyên và môi trường.

Trên cơ sở đó, xây dựng được Kế hoạch hành động của Bộ trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó cần xác định được mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp và hoạch định lộ trình cụ thể của Bộ Tài nguyên và Môi trường để từng bước tận dụng được cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại mà Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị đã chỉ đạo.

Tại Hội thảo khoa học “Chính sách, giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” lần này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mong muốn với sự tham dự và đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị chuyên môn đến từ các Bộ, Ngành, địa phương sẽ góp phần mang đến nhiều thông tin cũng như nâng cao nhận thức trong việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với ngành tài nguyên và môi trường.

Đồng thời, đây cũng là nơi trao đổi thông tin giữa các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu đầu ngành về việc làm thế nào để đánh giá, nhìn nhận đầy đủ về cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, từ đó đẩy mạnh việc thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường, phục vụ cho mục tiêu quản lý “không gian phát triển” của đất nước.

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương - ông Nguyễn Đức Hiền phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương ông Nguyễn Đức Hiền cho biết, theo tính toán của Ban Kinh tế Trung ương, dự báo tới năm 2030, CMCN 4.0 có thể thúc đẩy GDP tăng trưởng 28,5 tỷ - 62,1 tỷ USD so với kịch bản cơ sở, tương đương mức tăng GDP 7%-16%. GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm 315$- 640$/người so với mức cơ sở vào năm 2030. Nhiều ngành kinh tế mới sẽ hình thành và có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Theo ông Hiền, nếu chuyển đổi số thành công, GDP đến năm 2045 của nước ta dự báo có thể tăng thêm 168,6 tỷ đô la Mỹ, bình quân tác động đến tăng trưởng GDP hàng năm là khoảng 1,1%.

Đối với ngành tài nguyên và môi trường, ông Hiền cho rằng, tài nguyên môi trường là ngành quản lý “không gian phát triển “của đất nước, gồm trên không, trên bề mặt (mặt đất, mặt biển), dưới lòng đất, dưới mặt biển (trong lòng biển, dưới đáy biển). Trong đó, mọi hoạt động điều tra cơ bản, quản lý, chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ của ngành đều dựa trên kết quả thu nhận, phân tích, xử lý, tổng hợp thông tin. Thông tin của ngành bao trùm toàn bộ không gian bốn chiều (lãnh thổ; theo thời gian).

“Việc xây dựng được một hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn toàn diện về tài nguyên và môi trường và cơ chế để các tổ chức, cá nhân có thể khai thác, tiếp cận, sử dụng và tham gia đóng góp một cách rộng rãi trên cơ sở công nghệ, khả năng kết nối, phân tích, xử lý, chia sẻ của CMCN 4.0 là nhiệm vụ trọng tâm của ngành.” – ông Hiền Khẳng định.

Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao – Bộ Khoa học và Công nghệ - ông Trần Anh Tú phát biểu tại Hội thảo

Để thực hiện được điều đó, theo ông Trần Anh Tú, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao – Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa để hoàn thành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, Chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong đó, có một số nhiệm vụ mà Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao: Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai các mô hình mới về kiểm soát ô nhiễm môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về môi trường, các chỉ tiêu cụ thể cho đánh giá công nghệ xử lý chất thải;

Xây dựng được cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện để thu thập, tạo lập, quản lý toàn diện nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường, phục vụ cho mục tiêu quản lý “không gian phát triển” của đất nước; Tạo lập hành lang pháp lý để phát triển dịch vụ nội dung số về tài nguyên và môi trường.

Toàn cảnh buổi Hội thảo sáng ngày 12/12

Với những nhiệm vụ này, ông Nguyễn Đức Hiền Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc chuyển đổi số thành công đối ngành tài nguyên và môi trường sẽ góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chính sách, giải pháp của Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO