Chính sách chi trả DVMTR ở Kon Tum: Động lực để giữ rừng

Quế Mai| 13/12/2022 12:54

(TN&MT) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn rất nhiều so với thu nhập chung của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum; tạo động lực để người dân yên tâm làm tốt nghề giữ rừng.

Huyện Kon Plông là một trong những huyện có diện tích rừng lớn, nằm bao quanh huyện và các xã. Địa hình Kon Plông bị chia cắt bởi nhiều đồi núi và rừng cây lâu năm, vì thế, rừng được xem là nơi đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân nơi đây, che chở, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định nhờ tham gia chính sách chi trả DVMTR.

Với tổng diện tích tự nhiên hơn 13.200ha, xã Măng Cành (huyện Kon Plông) có đến 10.300ha là rừng. Năm 2021, xã Măng Cành đã quản lý gần 1.500ha rừng; khoán cho 2 cộng đồng và 15 nhóm hộ bảo vệ hơn 950ha rừng. Ngoài phân công người dân đi tuần tra, bảo vệ rừng định kỳ hàng tuần, hàng tháng, UBND xã Măng Cành còn vận động người dân ký cam kết bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, không phá rừng trái phép làm nương rẫy tại các khu vực trọng điểm; tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư tại các thôn, làng trên địa bàn.

14-1-.jpg

Người dân xã Đăk Tăng sống gần rừng, tham gia bảo vệ rừng và được hưởng lợi lớn từ chính sách chi trả DVMTR.

Nhờ đó, số vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn xã Măng Cành trong những năm gần đây đã giảm đáng kể. Cùng với việc được nhận tiền chi trả DVMTR hàng năm, người dân đã nâng cao ý thức, tích cực đồng hành cùng chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Mai Xuân Mậu - Chủ tịch UBND xã Măng Cành cho biết: “Năm 2021, 2 cộng đồng và 15 nhóm hộ được giao quản lý, bảo vệ rừng tại xã đã nhận được hơn 722 triệu đồng từ chính sách chi trả DVMTR. Với số tiền này, người dân dùng để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình công cộng, tổ chức lễ hội và trang trải cuộc sống gia đình. Được giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống nên bà con rất ủng hộ chính sách chi trả DVMTR”.

Thấy được lợi ích của việc tham gia làm nghề rừng, người dân ở 6 thôn, làng của xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) cũng tham gia quản lý, bảo vệ rừng để được hưởng tiền chi trả DVMTR. Ông A Măng - Trưởng thôn Vi Xây (xã Đăk Tăng) cho hay: “Cộng đồng thôn Vi Xây nhận khoán bảo vệ hơn 260ha rừng từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông. Thôn đã chia đều 5 hộ/lần đi kiểm tra rừng, mỗi tháng sẽ đi kiểm tra 3 lần”.

Năm 2021, thôn Vi Xây nhận được hơn 260 triệu đồng tiền DVMTR, trong đó trích 2 - 3% để làm quỹ thôn, phục vụ cho hoạt động cộng đồng, sửa chữa công trình thủy lợi, cho vay phát triển kinh tế; còn lại chi cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng. “Từ tiền DVMTR, người dân đã sửa nhà khang trang, mua vật nuôi và đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, kinh tế ngày càng phát triển, đời sống khấm khá hơn nên ý thức về bảo vệ rừng cũng ngày càng nâng cao”, ông A Măng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng, từ chính sách chi trả DVMTR, người dân trên địa bàn xã nhận được khoảng từ 7 - 11 triệu đồng/hộ/năm. Đây là số tiền tương đối lớn so với thu nhập của người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã đặc biệt khó khăn như Đăk Tăng.

Nguồn tiền này đã giúp xã Đăk Tăng hoàn thành chỉ tiêu về thu nhập để được công nhận là xã nông thôn mới vào năm 2021. Ngoài ra, người dân còn sử dụng tiền DVMTR để tạo quỹ phúc lợi, an sinh xã hội, thắp sáng điện đường nông thôn, xây nhà vệ sinh, quét dọn vệ sinh môi trường, có điều kiện cho con em đi học đầy đủ…, góp phần rất lớn làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn xã.

“Đặc biệt, tiền DVMTR đã giúp người dân phát triển thành công một số mô hình sinh kế như: trồng rừng, trồng cây ăn quả, cây dược liệu, nuôi heo, vịt xiêm, nuôi cá trên lòng hồ thủy điện. Từ đó, tăng thu nhập, kinh tế ổn định, đời sống phát triển. Chính sách chi trả DVMTR là hướng đi bền vững giúp người dân ngày càng gắn bó với rừng để bảo vệ rừng hiệu quả hơn” - ông Bay nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách chi trả DVMTR ở Kon Tum: Động lực để giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO