Theo đó, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XIV, Chính phủ đã báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng và ước thực hiện năm 2017. Trong những tháng cuối năm, các ngành, các cấp tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Tổng hợp kết quả đạt được cả năm cho thấy, những nhận định, đánh giá đã báo cáo Quốc hội cơ bản phù hợp, trong đó có 7/13 chỉ tiêu đạt kết quả tích cực hơn. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,81% (đã báo cáo 6,7%), kim ngạch xuất khẩu tăng 21,2% (đã báo cáo 14,4%) và xuất siêu 2,9 tỷ USD (đã báo cáo nhập siêu 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu).
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát
Bước vào năm 2018, với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, các bộ, ngành, địa phương đã sớm ban hành các chương trình, kế hoạch hành động; xây dựng kịch bản tăng trưởng theo quý đối với từng ngành, lĩnh vực và thường xuyên kiểm tra, đánh giá thực hiện; tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới, tìm các lĩnh vực còn dư địa để có giải pháp thúc đẩy phát triển; tổ chức các Hội nghị toàn quốc về: phòng chống thiên tai, thúc đẩy tăng trưởng, xuất khẩu, logistics, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng. Ban hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các lĩnh vực trọng yếu và giải quyết những vấn đề cấp bách; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các công trình trọng điểm quốc gia; phát triển doanh nghiệp, thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng, đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,8%; lạm phát cơ bản tăng 1,34%. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt; hỗ trợ kịp thời các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống. Mặt bằng lãi suất ổn định; tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên với lãi suất giảm 0,5 - 1%. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD. Tăng cường năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng, mở rộng quy mô, mạng lưới, phát triển các dịch vụ thanh toán, tín dụng bán lẻ, tiêu dùng; có giải pháp kiểm soát hoạt động liên quan đến tiền ảo...
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, chính phủ nhận định năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2016-2020, với nhiệm vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2018 đạt khoảng 6,5-6,7%, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu trung và dài hạn là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa giải pháp ngắn hạn và giải pháp căn cơ dài hạn, chủ động theo dõi sát tình hình, hành động nhanh, quyết liệt, tranh thủ tốt các thời cơ và đề ra các giải pháp ứng phó kịp thời với các biến động kinh tế vĩ mô cũng như các diễn biến bất lợi xảy ra.
Trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, việc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP luôn là ưu tiên quan trọng nhất. Từ đầu năm, các bộ, ngành và địa phương đã khẩn trương xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, chỉ thị,... cụ thể hóa nhiệm vụ được giao thành từng mục tiêu cụ thể của bộ, ngành, địa phương mình để tập trung chỉ đạo. Điều đó thể hiện tinh thần chủ động, sáng tạo và tinh thần quyết tâm của các bộ, ngành và địa phương phấn đấu thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
“Tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 là hết sức tích cực, song đây mới là bước đầu, nhiệm vụ đến cuối năm còn hết sức nặng nề đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương hết sức nỗ lực, tiếp tục tập trung chỉ đạo, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2018, tạo đà cho phát triển bền vững trong những năm tiếp theo, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016-2020” – Phó Thủ tướng nói.
Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu
Mộ trong những giải pháp trong thời gian tới, theo Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, đó là tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai ở các địa phương, nhất là các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, công tác quản lý và sử dụng đất công của doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; chấn chỉnh công tác quản lý quy hoạch đô thị, nhất là ở Tp. Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Công khai quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, tình hình triển khai các dự án phát triển bất động sản tại địa phương, xử lý nghiêm các vi phạm trong giao dịch nhà đất. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá công việc đang triển khai, nhất là vấn đề môi trường, xử lý nước thải, rác thải.
Chủ động theo dõi diễn biến thời tiết và phòng chống thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão sắp tới; thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án ứng phó biến đổi khí hậu. Tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, xây dựng các Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai cho các khu vực trên cả nước, trước mắt tập trung vào vùng miền núi phía Bắc, ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Lắp đặt thử nghiệm thiết bị giám sát, theo dõi, cảnh báo tại một số vị trí thường xuyên xảy ra thiên tai.