Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà |
Bộ đầu tiên ban hành Chính phủ Điện tử phiên bản 2.0
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc xây dựng Chính phủ Điện tử và chuyển đổi số được Bộ TN&MT tập trung triển khai từ năm 2016 với những nhóm nhiệm vụ được ưu tiên triển khai.
Trong đó, là xây dựng, tạo lập hành lang pháp lý cho triển khai, vận hành Chính phủ Điện tử, trong đó, đã hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ Nghị định đến thông tư về quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ, các quy định về tiêu chuẩn dữ liệu về đất đai, đo đạc và bản đồ,.... Hiện nay, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ Nghị định quy định về hệ thống thông tin đất đai và giao dịch điện tử trong lĩnh vực này để triển khai cung cấp các Dịch vụ công trực tuyến.
Đối với kế hoạch xây dựng kiến trúc Chính phủ Điện tử, bắt đầu từ năm 2018, Bộ TN&MT đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ TN&MT, thực hiện việc chỉ đạo điều hành, ký số trên môi trường mạng.
Đến năm 2019, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 964/QĐ-BTNMT về việc “Ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ Điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025”.
“Xây dựng kiến trúc Chính phủ Điện tử ngành TN&MT phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phù hợp với mục tiêu phát triển của ngành. Bộ TN&MT là Bộ đầu tiên ban hành Phiên bản 2.0”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Xây dựng hạ tầng dữ liệu TN&MT đồng bộ
Nhiệm vụ tiếp theo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết đó là việc xây dựng hạ tầng dữ liệu TN&MT đồng bộ, đáp ứng được với nhu cầu và tiến trình phát triển.
Trong đó, tập trung xây dựng hạ tầng dữ liệu tài nguyên và môi trường, nền tảng triển khai Chính phủ điện tử. Dự kiến trong năm 2020 sẽ hoàn thành Platform cho hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu với các thuộc tính không gian, hồ sơ địa chính, quy hoạch, giá đất đối với khoảng 1/2 số huyện trên toàn quốc. Bộ đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin địa lý, dữ liệu điều tra cơ bản, dữ liệu quan trắc,… đây sẽ là nền tảng để ngành TN&MT đóng góp cho phát triển nền kinh tế số, Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng các nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị trực thuộc, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Đưa vào sử dụng mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET) nhằm nâng cao chất lượng xác định vị trí, tọa độ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hạ tầng đo đạc và bản đồ, phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh.
Phát triển các ứng dụng làm việc trực tuyến
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vừa qua, để phòng ngừa dịch COVID-19, Bộ đã phát triển các ứng dụng trực tuyến trên môi trường mạng để tổ chức các cuộc họp, làm việc với các địa phương, đơn vị. Cách làm này đã tiết kiệm rất nhiều chi phí, thời gian đi lại, giảm ùn tắc giao thông, đem lại thay đổi tích cực trong thực hiện công vụ. Từ đầu tháng 3 đến nay, Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện hàng trăm cuộc họp, làm việc,… trực tuyến trên mạng.
Được biết, để có được kết quả thuận lợi trên, đặc biệt là đối với việc phát triển các ứng dụng phát triển các ứng dụng phần mềm trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, xây dựng văn phòng thông minh, văn phòng không giấy tờ, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, công việc này đã được Bộ TN&MT triển khai từ rất sớm.
“Đến nay, việc chỉ đạo điều hành được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng, lãnh đạo Bộ, các đơn vị có thể xử lý các công việc, giao nhiệm vụ, ký số văn bản (trừ văn bản mật) ở bất cứ nơi nào với thiết một thiết bị di động được xác thực và bảo mật.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.Ngay từ năm 2017, Bộ TN&MT đã thiết lập hệ thống kết nối điều hành giữa Bộ và các Sở TN&MT; thực hiện họp, hội nghị, giao ban không sử dụng giấy tờ. Hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ điện tử kết nối liên thông với trục liên thông văn bản quốc gia, trong đó, quản lý nhiệm vụ theo chu trình từ văn bản, quá trình giải quyết đến lúc ký số, phát hành văn bản, có thể theo dõi, kiểm soát được quá trình xử lý văn bản ở từng khâu...
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đã hoàn thành xây dựng hệ thống thông tin báo cáo sớm kết nối liên thông với hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; phát triển ứng dụng ký số thiết bị di động (gắn SIM có chữ ký số), tra cứu văn bản trên các thiết bị di động, đưa vào sử dụng ứng dụng kết nối các hệ thống quan trắc online trên phạm vi toàn quốc để quản lý, kiểm soát các nguồn thải, cung cấp thông tin về chất lượng không khí cho người dân.
Công tác cải cách hành chính đã thật sự đi vào đời sống. |
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt trên 50%
Theo báo cáo của Văn phòng Bộ TN&MT về việc triển khai Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Hiện nay, Bộ đã đưa vào triển khai 104 Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công của Bộ, trong đó, có 72 DVC mức độ 3; 32 DVC mức độ 4 (đạt tỷ lệ 30,8% trên tổng số DVCTT cung cấp).
Văn phòng Bộ đã phối hợp Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TNMT rà soát, dự kiến trong tháng 4 - 5 sẽ cung cấp thêm 22 DVC mức độ 4, nâng tổng số DVCTT mức 4 được cung cấp là 54 (đạt tỷ lệ 51,9% tổng số DVCTT cung cấp).
Với những chiến lược, mục tiêu và kết quả đã và đang thực hiện được, để tiếp tục hoàn thiện và phát triển hơn nữa, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, yếu tố quan trọng để thành công là nhân lực.
Với mục tiêu là thay đổi các thói quen làm việc cũ và ứng dụng công nghệ thông tin tới các cấp lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động ngành TN&MT, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đã ban hành Chỉ thị để yêu cầu các đơn vị thực hiện việc giải quyết hồ sơ qua mạng; đưa tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin vào đánh giá xếp hạng đơn vị, chấm điểm lãnh đạo qua đó tạo sự thay đổi trong các cán bộ công chức.
Đến cuối năm 2019, Bộ TN&MT đã cơ bản đạt trước 12 tháng các chỉ tiêu Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ đặt ra trong giai đoạn 2019 - 2020.
“Tôi cho rằng, các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin sự và quyết liệt, quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ trong chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ Điện tử đã mang hiệu quả hết sức tích cực không chỉ ở các các cơ quan hành chính ở Trung ương, địa phương mà còn được triển khai hiệu quả ở các doanh nghiệp.” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Trở lại vấn đề ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngoài vấn đề phòng chống dịch đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, các tác động đến nền kinh tế có độ mở lớn chúng ta là rất lớn nhất là các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải, các ngành sản xuất nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, xuất khẩu… Tuy vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từng Bộ, ngành, địa phương quyết liệt, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép là không để dịch COVID-19 lây lan, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân và bảo đảm sự phát triển của đất nước, thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội giao.
Trong “nguy luôn có cơ”, lúc khó khăn tinh thần vượt khó, bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo, sức mạnh Việt Nam được phát huy mạnh mẽ. Những khó khăn của từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh đang được khắc phục bằng các chính sách với tinh thần Nhà nước đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt khó; những khiếm khuyết trong cấu trúc sản xuất của từng ngành, lĩnh vực sẽ được điều chỉnh. Đây là lúc Chính phủ đẩy mạnh cải cách, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, phát triển các dịch vụ trên nền tảng trực tuyến, xây dựng Chính phủ Điện tử, phát triển đô thị thông minh, giao thông thông minh.