“Chiến thắng Điện Biên” Khúc ca bất tử gắn liền với công ơn Đại tướng

Lê Khanh| 07/05/2020 06:06

(TN&MT) - Ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” gắn liền với sự kiện chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 ở thế kỷ XX, đồng thời nó cũng gắn với công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp- vị tướng tài ba trong 5 tướng tài của nhân loại.

Thành phố Điện Biên hôm nay, 64 năm trước là “túi bom” của Thực dân Pháp, ảnh TL

Đã 66 năm qua, chiến dịch Điện Biên Phủ giờ chỉ là ký ức, song tinh thần của chiến thắng ngày ấy thì vẫn nguyên vẹn trong tâm khảm của hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Và mỗi năm đến ngày 7/5, ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” lại được tái hiện như một sức sống mới, sức sống của dân tộc Việt Nam về một chiến công lừng lẫy năm châu, chấn dộng địa cầu, về một đại tướng Võ Nguyên Giáp của thời đại Hồ Chí Minh.

 Đôi điều về ca khúc “Chiến thắng Điện Biên”

Dẫu được coi là ca khúc bất tử, sống mãi với thời gian và sự trường tồn của dân tộc, song không phải ai cũng biết cũng hiểu một cách tường tận “Chiến thắng Điện Biên” ra đời trong hoàn cảnh nào? Ai là người sáng tác và bắt nguồn cảm hững từ đâu?

Đỗ Nhuận là nhạc sĩ tài hoa- người cố nhạc sĩ mà tên tuổi của ông gắn liền với những ca khúc viết về bộ đội Cụ Hồ và Trường Sơn huyền thoại. Trong nhiều ca khúc sáng tác về người lính như “Hành quân xa”, “Trên đồi Him Lam”, thì ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” là biểu tượng cao đẹp về sự hội tụ niềm vui của toàn Đảng, quân và dân ta sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Năm 1995, trong dịp nhạc sĩ Đỗ Nhuận được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt đầu tiên), khi nói về sự ra đời của ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” ông nói với đông đảo báo giới rằng: “Tôi đã hình dung ra ngày quân và dân Tây Bắc giải phóng.

Những ca từ trong bài hát, đều rút ra trong cuốn hồi ký trong những ngày tháng tôi chiến đấu. Tôi nghĩ, mình phải có một ca khúc sáng tác về ngày Điện Biên  giải phóng trong sự hân hoan vui mừng của các dân tộc anh em miền Tây Bắc. Vậy là đêm mồng 7 tháng 5 năm 1954, tôi đã thức trắng để gieo những nốt nhạc đầu tiên lên những vần thơ.

Những ca từ “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui”, đã nung nấu trong đầu tôi nhiều ngày, nhiều tháng trước đó. Ca khúc “Chiến thắng Điện Biên là ca khúc ruột của cuộc đời tôi, đã nở hoa giữa miền Tây Bắc”.

Khi các phóng viên phỏng vấn: “Tâm trạng lúc đó của ông như thế nào khi viết ca từ đầu tiên”? Nhạc sĩ Đỗ Nhuận rưng rưng nước mắt: “Lúc đó tôi nghĩ đến ngày thắng lợi, đến sự thất bại của quân viễn chinh Pháp. Tôi mường tượng ra sự đầu hàng của các binh lĩnh Pháp, bên cạnh đó là niềm vui hân hoan reo hò thắng lợi của quân và dân miền Tây Bắc. Suốt những ngày nung nấu những ca từ, là những ngày tôi sống trong xúc động. Lòng trắc ẩn về sự vui mừng mà rơi nước mắt. Nói cách khác, tôi viết ca khúc chiến thắng Điện Biên trong xúc động niềm tự hào và cả nước mắt”

Ngay sau khi ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” hoàn chỉnh, Đài tiếng nói Việt Nam đã trực tiếp thu âm và trở thành bản nhạc “bình minh” chào đón mỗi ngày mới, phát rộng rãi trên toàn quốc. Những nốt nhạc “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa  mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui” đã làm nức lòng chiến sĩ cả nước, ăn sâu bám rễ vào tiềm thức nhân dân, có sức lan tỏa khắp 5 châu 4 biển và toàn thế giới.

Ca khúc “Chíến thắng Điện Biên” như một “lá chắn” chấm dứt 9 năm trường kỳ đánh Thực dân Pháp và tuyên bố với bạn bè thế giới là toàn thắng đã về nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã thất bại hoàn toàn, con người và giải đất Điện Biên đã bước sang ngày mới.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên trong lòng thành phố. ảnh TL.

Sống mãi trong lòng nhân dân

66 năm qua, âm hưởng của ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” luôn vang dội khắp non sông. Ca khúc ấy, không chỉ là thông điệp tuyên bố chấm dứt sau 9 năm trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta, mà còn là người bạn đồng hành của những người lính đã từng chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ.

Ca khúc ấy không chỉ tượng trưng cho lá cờ bách chiến bách thắng, mà còn là “sợi chỉ đỏ” đánh dấu “cột mốc” ngày toàn thắng, thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu chen lẫn niềm vui vô bờ bến của quân và dân cả nước. Nó vừa có sức lan tỏa rộng rãi trên toàn thế giới, vừa có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng. Ai cũng thuộc, ai cũng nhớ, ai cũng tự hào, và chẳng bao giờ quên.

Khi nói về ca khúc “Chiến thắng Điện Biên”, nhạc sĩ trẻ Trần Hợp, Hội viên hội nhạc sĩ tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nhận xét: Đó là tác phẩm điển hình, mẫu mực của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ông đã sáng tạo điệu thức dân ca, vận dụng nhuần nhuyễn sự mới lạ, mang sắc thái những điệu dân ca Tây Bắc và làn điệu chèo (xắp qua cầu) của đồng bằng Bắc Bộ.

Tất cả những hình tượng như tiếng kèn, nhịp bước quân hành, những bước chân rạo rực, điệu múa xòe hoa, đều cuộn chảy trong tâm hồn ông, rồi trào dâng thăng hoa thành vần, nhạc, điệu. Con người và phong cảnh Mường Thanh, Điện Biên, Tây Bắc đã được thăng hoa trong những ca từ, nhảy múa trong từng nốt nhạc, hân hoan hùng tráng trong mỗi điệp khúc, tạo thành biểu tượng sắc thái cho chiến thắng vinh quang của dân tộc. Để khi “Núi sông bừng lên, đất nước ta sáng ngời, cánh đồng Điện Biên cờ chiến thắng tưng bừng trên trời” khiến “Cả thế giới đón mừng chiến dịch đại thắng lợi, góp sức xây dựng hòa bình”.

Có thể nói, trong dòng chảy âm nhạc hiện đại ngày nay, không thiếu những ca khúc hay kể cả ở thể loại trữ tình, nhất là nhạc trẻ, song thiếu đi sự gắn kết ca từ của ca khúc ấy với sự kiện lịch sử mang hơi thở dân tộc, không có tính cỗ vũ hiệu triệu quần chúng. Hoặc nói cách khác là “ca khúc vị nhân sinh” thì quá hiếm, ca khúc “mì ăn liền” thì quá nhiều.

Nền kinh tế thị trường khiến không ít nhạc sĩ trẻ chỉ biết “sáng tác ca khúc, lĩnh tiền thù lao”, mà quên đi giá trị nhân văn vốn có của nó, thiếu tiêu chí căn bản của một tác phẩm âm nhạc “hát cho ai, hát về cái gì, hát có lợi gì”. Chính vì không “cắt nghĩa” được tiêu chí khắt khe ấy, mà có nhạc sĩ sau một đêm đã cho “ra lò” 2 ca khúc dạng “mì ăn liền”. Và dẫu nhiều ca khúc thời nay có hay đến mấy cũng khó lòng đọng lại trong lòng khán giả, khó tồn tại với thời gian.  

Trong khi đó, có những ca khúc đi cùng năm tháng được khán giả đón nhận nồng nhiệt, cho dù thời đại có thay đổi thế nào đi nữa, nó vẫn sống mãi, vì nó được sáng tác bởi lòng yêu nước nồng nàn, niềm đam mê máu thịt và trách nhiệm lớn lao với Tổ quốc. Một trong những ca khúc “kinh điển” ấy, phải nói đến “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Kỷ niệm 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, dù là năm lẻ, Đảng và nhà nước ta không tổ chức ngày kỷ niệm bởi đại dịch Covid-19 đang hành hoành, song chiến thắng Điện Biên Phủ mãi khắc sâu trong tâm khảm người dân đất Việt về một sự đồng tâm hiệp lực của một dân tộc đất không rộng, người không đông, nhưng biết vùng dậy đánh quân xâm lược làm chủ đất nước.

66 năm trôi qua, vết bụi thời gian đã làm mờ đi nhiều ký ức, những người lính Điện Biên năm nưa nay đã già, hoặc không còn nữa vì qui luật sinh tử, nhưng nhân dân Việt Nam luôn biết ơn họ, thế giới luôn ngưỡng mộ họ. Bởi chính họ đã đẩy Việt Nam thoát khỏi thời kỳ đồ đá, tạo ra thế lực hòa bình trên thế giới suốt thập nhiên 50 của thế kỷ 20

Và mỗi năm đến ngày 7/5, triệu triệu người dân Việt Nam trên mọi miền đất nước lại hát vang Chiến thắng Điện Biên, vừa là niềm tự hào kiêu hãnh về dân tộc, vừa để kính dâng người- đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị anh hùng nguồn cội của Chiến thắng Điện Biên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chiến thắng Điện Biên” Khúc ca bất tử gắn liền với công ơn Đại tướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO