Chiến lược vắc-xin COVID-19: Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vào cuộc

Hoàng Ngân| 05/06/2021 13:32

(TN&MT) - Sau lời kêu gọi của Chính phủ về khuyến khích địa phương, doanh nghiệp tham gia đàm phán, mua, nhập khẩu vắc xin phòng COVID-19, những ngày vừa qua, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã tích cực hưởng ứng thông qua việc đóng góp tiền vào Quỹ vắc-xin hoặc trực tiếp nhập khẩu từ nguồn tin cậy.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Chính phủ hoan nghênh tất cả doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đóng góp, đồng hành để Việt Nam có vắc xin sớm nhất, tiêm được cho nhiều người dân một cách an toàn nhất có thể. Ảnh: Chinhphu.vn

Doanh nghiệp ủng hộ chiến lược vắc-xin Chính phủ

Theo tính toán của Bộ Y tế, chi phí mua vắc-xin sẽ cần khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng (150 triệu liều tiêm cho 75 triệu người). Để mua vắc xin, ngân sách Trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16 nghìn tỷ đồng, bảo đảm cho các đối tượng do Trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn. Còn lại ngân sách địa phương chi và phải huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9,2 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, khi dịch kéo dài, nhu cầu vắc-xin hằng năm tăng cao, kinh phí sẽ mua vắc xin còn lớn hơn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng dịch cho toàn dân.

Vì vậy, Chính phủ đã kịp thời có chủ trương đúng đắn, bên cạnh nguồn ngân sách thì cần huy động thêm các nguồn lực từ đóng góp mang tính thiện nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cùng với nhà nước mua đủ số lượng vắc xin tiêm kịp thời cho người dân. Theo đó, ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 Việt Nam.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều nguồn lực trực tiếp và gián tiếp vào cuộc chiến chống dịch COVID-19, như ủng hộ mua hàng triệu liều vắc-xin thông qua Quỹ vắc-xin, hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ, tích cực nghiên cứu các giải pháp phòng, chống dịch.

Đại diện các hiệp hội Doanh nghiệp ngành da giày, thuỷ sản, dệt may, điện tử đều khẳng định vắc-xin là giải pháp mà các doanh nghiệp đang rất trông chờ để duy trì hoạt động sản xuất liên tục, tránh đứt gãy các chuỗi cung ứng, đáp ứng được các đơn hàng, tận dụng được cơ hội để phát triển.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) tại Việt Nam nhấn mạnh tinh thần không phải các doanh nghiệp trả tiền để được ưu tiên được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 hay muốn tự nhập khẩu vắc-xin. Các doanh nghiệp vẫn tuân thủ theo các chính sách về tiêm phòng vắc xin của Chính phủ.

Trên cơ sở chính sách của Chính phủ, các doanh nghiệp thành viên Eurocham chấp nhận tự trả chi phí để tiêm cho người lao động và thành viên gia đình người lao động và cần sự minh bạch và cơ chế chia sẻ công bằng giữa các doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ vắc-xin.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp khẳng định tuân thủ chính sách của Chính phủ về thứ tự nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm. Các doanh nghiệp rất mong Bộ Y tế sớm hướng dẫn các bước chuẩn bị để tiêm vắc-xin cho người lao động như khai báo y tế, theo dõi sức khoẻ…; cam kết thực hiện nghiêm mọi quy định phòng, chống dịch, cập nhật thông tin lên hệ thống an toàn COVID-19.

Bộ Tài chính cho biết, theo số liệu cập nhật của Ban Quản lý Quỹ vắc xin phòng COVID-19, lũy kế đến 16h ngày 3/6, Quỹ vắc xin phòng COVID-19 đã tiếp nhận số tiền 104 tỷ đồng ủng hộ, đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tất cả doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vắc xin nhập khẩu sẽ được tạo điều kiện tối đa để có vắc xin sớm nhất.

Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ mọi thủ tục để nhập khẩu vắc xin

Khẳng định nguyên tắc của Chính phủ là huy động toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia chống dịch, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nêu rõ, vắc xin là biện pháp rất căn cơ trong phòng, chống dịch. Chính phủ hoan nghênh tất cả doanh nghiệp, người dân cùng tham gia đóng góp, đồng hành để Việt Nam có vắc xin sớm nhất, tiêm được cho nhiều người dân một cách an toàn nhất có thể, để có miễn dịch cộng đồng sớm, quay lại cuộc sống bình thường như cộng đồng quốc tế.

Từ cuối năm 2019, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19 đã xác định nhiều khả năng virus SARS-CoV-2 còn tồn tại lâu, chỉ khi nào có vaccine hoặc thuốc đặc trị thì mới ngăn chặn được dịch bệnh này. Vì vậy Việt Nam đã đặt ra quyết tâm phải có vắc-xin sớm nhất.

Đầu năm 2020, Bộ Y tế được giao tiếp xúc với tất cả các công ty có tiềm năng sản xuất vắc-xin trên thế giới để đàm phán mua, nhập khẩu vắc-xin hoặc nhận chuyển giao công nghệ. Đến tháng 8/2020, Bộ Y tế đã ký hợp đồng mua vắc-xin của công ty AstraZeneca. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với Bộ Y tế được giao triển khai nghiên cứu, phát triển vắc-xin trong nước.

Căn cứ vào đề nghị của Bộ Y tế, Chính phủ đã chỉ đạo tổng lực đàm phán, chuẩn bị nguồn kinh phí mua vắc-xin.

Tại buổi gặp đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến và ủng hộ Quỹ vắc-xin sáng 4/6 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Vắc-xin về Việt Nam chưa nhiều không phải vì chúng ta thiếu tiền, hay phải chờ xã hội hoá mà bởi vì nguồn cung khan hiếm. Chính phủ mong muốn người dân, doanh nghiệp đóng góp công sức, trí tuệ, rồi mới đến tiền bạc vào phòng, chống dịch nói chung, việc tiếp cận nguồn vaccine nói riêng. Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng COVID-19 để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vắc-xin.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 2/6, Việt Nam có 36 công ty được phép nhập khẩu, kinh doanh vắc xin. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tạo điều kiện tối đa cho tất cả các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, kiểm định vắc xin COVID-19. Kể cả trong trường hợp nhà sản xuất yêu cầu về trách nhiệm miễn trừ thì Bộ Y tế sẽ có trách nhiệm báo cáo với Chính phủ và Bộ Y tế sẽ là cơ quan của Chính phủ thực hiện. Trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện tiêm chủng thì Bộ Y tế sẽ chỉ đạo hệ thống tiêm chủng của nhà nước thực hiện tiêm chủng vắc xin này.

Bộ Y tế sẽ cắt giảm tối đa thời gian xử lý thủ tục hành chính, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng vắc xin, đảm bảo an toàn vắc xin và chống việc giả mạo vắc xin. Đối với địa phương đã đăng ký làm việc với Bộ Y tế và cho biết có thể tiến hành mua vắc xin của các doanh nghiệp, tập đoàn, Bộ Y tế sẵn sàng tạo điều kiện cho địa phương tiếp cận.

 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược vắc-xin COVID-19: Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng vào cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO