Ông Nguyễn Quốc Khánh, Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia |
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Khánh – Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia xung quanh vấn đề này.
Phóng viên: Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”sẽ giải quyết được những vấn đề cơ bản gì trong lĩnh vực viễn thám hiện nay?
Cục trưởng Nguyễn Quốc Khánh: Trong những năm gần đây (đặc biệt là từ khi viễn thám trở thành một lĩnh vực QLNN của Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có sự phát triển mạnh mẽ trong ứng dụng phục vụ công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh và phục vụ phát triển các ngành kinh tế xã hội khác. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cũng gặp một số khó khăn như hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa có luật riêng về viễn thám (các lĩnh vực có liên quan khác cũng thiếu như Luật về không gian vũ trụ, phát triển công nghệ vệ tinh). Đầu tư hạ tầng còn hạn chế, chưa đồng bộ, đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý có trình độ cao của lĩnh vực viễn thám còn thiếu. Bên cạnh đó viễn thám chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Bộ, ngành địa phương, chưa thấy được lợi ích kinh tế mà lĩnh vực viễn thám đem lại, kinh phí đầu tư ứng dụng viễn thám rất hạn chế.
Trước khi ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg, ở nước ta không có chiến lược, chính sách và quy hoạch phát triển chung trong lĩnh vực viễn thám và thiếu sự quản lý, điều phối chung của nhà nước khiến cho công nghệ viễn thám ở nước ta phát triển chậm và chưa hiệu quả. Lĩnh vực viễn thám vẫn bộc lộ hạn chế, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn như:
Về cơ chế chia sẻ còn chưa được quy định rõ ràng, đồng bộ dẫn đến khó khăn trong quá trình khai thác ứng dụng viễn thám, dễ tùy tiện, cảm tính, tạo cơ chế xin-cho, không góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng theo một thể thống nhất.
Sự phát triển của công nghệ viễn thám tuy mạnh mẽ nhưng chủ yếu tập trung tại các cơ quan trung ương và các trường đại học. Tại các địa phương, công nghệ viễn thám còn chưa được biết đến và ứng dụng nhiều; công nghệ viễn thám tại các địa phương chủ yếu được biết đến thông qua một số đề tài nghiên cứu khoa học trong đó viễn thám chỉ là một công cụ phụ trợ cho các nghiên cứu chuyên môn khác.
Chiến lược sẽ giải quyết vấn đề Nhà nước tập trung đầu tư hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám |
Nhu cầu ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường, theo dõi giám sát thiên tai, biến đổi khí hậu, giám sát các hoạt động kinh tế, an ninh, quốc phòng ... càng ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng trong nhiều ngành, dưới nhiều hình thức phong phú; đặc thù thông tin từ tư liệu viễn thám quan trọng, có liên quan chặt chẽ tới hoạt động kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh nên việc việc phê duyệt “Chiến lược phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” sẽ giải quyết được những vấn đề như sau:
Quản lý đồng bộ của nhà nước bằng văn bản quy phạm pháp luật.
Phát triển viễn thám với thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại; có trọng tâm, trọng điểm phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Nhà nước tập trung đầu tư hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, phát triển công nghệ viễn thám, quan trắc và giám sát bằng viễn thám trong một số lĩnh vực; khuyến khích, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội trong phát triển ứng dụng viễn thám.
Đẩy mạnh xã hội hóa việc ứng dụng công nghệ viễn thám; Thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám sẽ đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và được chia sẻ, sử dụng có hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực.
Đào tạo, nghiên cứu khoa học về viễn thám trong đó tập trung nghiên cứu đổi mới, chuyển giao công nghệ theo hướng hiện đại; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong việc xây dựng và khai thác hạ tầng thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, chia sẻ dữ liệu viễn thám, khuyến khích, thúc đẩy phát triển ứng dụng và chuyển giao công nghệ với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, Chiến lược còn giải quyết được những vấn đề về hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động liên quan đến viễn thám, đồng thời nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý tài nguyên, giám sát môi trường, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Quan điểm của Chiến lược là phát triển viễn thám với thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Nhà nước tập trung đầu tư hệ thống thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám, cơ sở dữ liệu viễn thám quốc gia, phát triển công nghệ viễn thám, quan trắc và giám sát bằng viễn thám trong một số lĩnh vực. Thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và được chia sẻ, sử dụng có hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực.
Chiến lược nêu mục tiêu đến năm 2030, ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám, sử dụng sản phẩm, dữ liệu viễn thám trong các ngành, lĩnh vực, trọng tâm là điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên và môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu...
Tầm nhìn Chiến lược đến năm 2040, Việt Nam chủ động công nghệ chế tạo và hoàn thành việc xây dựng chùm vệ tinh viễn thám, hệ thống trạm thu nhận, xử lý dữ liệu viễn thám, trạm điều khiển vệ tinh viễn thám, hệ thống chụp ảnh bề mặt Trái Đất từ các thiết bị bay không người lái, khinh khí cầu đồng bộ, hiện đại, cung cấp đầy đủ dữ liệu viễn thám đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
PV: Để “Chiến lược phát triển lĩnh vực viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040” sớm đi vào thực tế, Cục Viễn thám quốc gia đã có Kế hoạch cụ thể gì để triển khai Chiến lược, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Quốc Khánh: Chiến lược đã chỉ ra định hướng tổng thể, toàn diện, thống nhất trong phát triển lĩnh vực viễn thám với tầm nhìn dài hạn đến 20 năm. Tạo ra sự đồng bộ trong phát triển từ xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật đến đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học hợp tác quốc tế.
Việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển viễn thám mở ra rất nhiều cơ hội cho sự phát triển của lĩnh vực. Hiện nay hầu hết các địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược, trong đó đã đề ra các bước đi cụ thể, các đề án, dự án nhiệm vụ cùng với nguồn đầu tư thích đáng về tài chính và nhân lực.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao tổ chức, chỉ đạo thực hiện Chiến lược, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án phù hợp với Chiến lược đã được phê duyệt.
Về phía Cục Viễn thám quốc gia đã trình Bộ trưởng ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược, trong đó đã chỉ ra lộ trình cụ thể, các nhiệm vụ cần phải làm. Cục Viễn thám quốc gia là đơn vị được Bộ trưởng giao làm đầu mối triển khai Chiến lược, hiện Cục đã phối hợp với các đơn vị có liên quan trong và ngoài Bộ xây dựng Đề án giám sát tài nguyên môi trường bằng công nghệ viễn thám trình Chính phủ phê duyệt vào đầu năm 2020. Đây là đề án tổng thể lớn nhất từ trước tới nay của lĩnh vực viễn thám, giúp viễn thám có sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới.
Cục đang tiếp tục triển khai Đề án tăng cường năng lực quản lý nhà nước về viễn thám, trong đó sẽ tập trung đầu tư về nguồn nhân lực, bổ sung, tăng cường các trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, đào tạo và nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ viễn thám.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Danh mục 09 chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
1. Đề án Giám sát tài nguyên và môi trường bằng công nghệ viễn thám.
2. Đề án Tăng cường năng lực quản lý viễn thám.
3. Đề án Ứng dụng viễn thám phục vụ công tác quốc phòng.
4. Đề án Ứng dụng viễn thám phục vụ công tác đảm bảo anh ninh quốc gia Việt Nam.
5. Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh”.
6. Đề án Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu ảnh viễn thám quốc gia; ứng dụng viễn thám trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển theo quy hoạch, giao thông vận tải, công thương).
7. Đề án Nghiên cứu, phát triển vệ tinh viễn thám.
8. Đề án Xây dựng cơ chế, chính sách về viễn thám (trong đó hoàn thiện danh mục dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực viễn thám, cơ chế thu nhận, chia sẻ thông tin, dữ liệu viễn thám).
9. Đề án Phát triển hạ tầng thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám (trong đó có kế hoạch phát triển trạm thu).