PV: Xin ông cho biết một số nội dung chính trong chiến lược phát triển Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội trong thời gian tới?
TS. Đỗ Quế Lượng: Định hướng phát triển của nhà trường đến 2030 đã được cụ thể qua các nghị quyết của Hội đồng quản trị, Ban Giám hiệu có nêu rõ sứ mệnh: Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một tổ chức hợp tác của những người lao động trí óc, tự nguyện góp vốn, hoạt động vì sự nghiệp "trồng người", không vì mục tiêu lợi nhuận, đào tạo các nhà kinh tế và kĩ thuật - công nghệ thực hành, các bác sỹ, dược sỹ có tay nghề cao, tạo nguồn nhân lực cho việc hình thành một đội ngũ cán bộ chủ chốt của các tổ chức, doanh nghiệp trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Với mục tiêu tiếp tục phát triển trường theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với quy mô hợp lý để chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu; cung cấp một môi trường học tập, nghiên cứu, nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng, sáng tạo, bảo đảm cho người học khi tốt nghiệp đủ năng lực thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và môi trường hội nhập quốc tế; phát triển năng lực thực hành của người học, gắn kết đào tạo với thực tế sản xuất; nghiên cứu khoa học và công nghệ tập trung theo hướng triển khai kết quả nghiên cứu ứng dụng ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống; cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức thực tiễn, năng lực thực hành phù hợp với yêu cầu của địa phương, của ngành và nền kinh tế nói chung, tích cực phục vụ cộng đồng.
Chiến lược phát triển trong giai đoạn 2018 - 2022: Về quy mô đào tạo, trường duy trì và ổn định ở mức 25.000 sinh viên và học viên. Trong đó, đại học chính quy chiếm khoảng 90%; sau đại học khoảng 5%; đại học liên thông, đại học tại chức, đại học từ xa khoảng 5%. Từ năm học 2019 - 2020 trở đi, trường triển khai đào tạo theo tín chỉ. Chương trình đào tạo được điều chỉnh sát chương trình khung với thời lượng tối thiểu theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến năm 2020, có ít nhất 03 chương trình đào tạo đại học được kiểm định. Đồng thời, lựa chọn để mở thêm một số ngành đào tạo mới trong 05 năm tới, định hướng phát triển những ngành thuộc thế mạnh của trường.
Chiến lược phát triển đào tạo trong giai đoạn 2020 - 2030 của nhà trường là phấn đấu trở thành một trường đại học phát triển có chiều sâu, chất lượng đào tạo được nâng cao, trở thành một trường đại hoc thuộc tốp đầu về chất lượng đào tạo trong số các trường đại học định hướng thực hành ở nước ta. Hằng năm có ít nhất 30% giảng viên cơ hữu thuộc các khoa chuyên ngành tham gia các hoạt động phối hợp giữa nhà trường với thực tế sản xuất, với các bệnh viện thực hành theo yêu cầu đào tạo của khối khoa học sức khỏe. Một số chương trình đào tạo của trường có sự tham gia của các chuyên gia, doanh nhân, cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Phấn đấu có thêm 02 chương trình đào tạo đại học được kiểm định; 03 chương trình đào tạo Thạc sĩ được kiểm định. Phát triển đào tạo sau đại học của khối ngành sức khỏe bao gồm: Đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, dược học, đào tạo theo chứng chỉ chuyên khoa, nhất là các chuyên khoa cận lâm sàng.
Về chiến lược phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ kiện toàn Hội đồng khoa học cấp trường, ban hành Quy chế nghiên cứu khoa học Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội; Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ giảng viên, khuyến khích và động viên mọi người tích cực nghiên cứu khoa học phục vụ đào tạo và cộng đồng, phấn đấu 100% giảng viên là Thạc sĩ trở lên tham gia nghiên cứu khoa học, có ít nhất 01 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí chuyên ngành/năm. Đối với giảng viên có trình độ Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ phải có công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, cấp Quốc gia và Quốc tế; Ra đời Tạp chí Kinh doanh và Công nghệ để đăng tải các công trình nghiên cứu của cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh; Xây dựng cơ sở vật chất cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai của trường.
Chiến lược về phát triển hợp tác quốc tế về đào tạo: Mở rộng và phát triển các hoạt động hợp tác liên kết đào tạo với các trường đại học tiên tiến trong khu vực, Châu Á và thế thới Thiết lập chương trình liên kết đào tạo thiết thực, có hiệu quả; Tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nhất là với các quốc gia như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, có kế hoạch mời một số nhà khoa học nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học gốc Việt thường xuyên giảng dạy, nghiên cứu tại trường; Tạo điều kiện cho các giảng viên của trường tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại nước ngoài; Mở rộng hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên với các trường nước ngoài, tiếp nhận sinh viên, học viên nước ngoài, nhằm gia tăng số lượng sinh viên nước ngoài học tập, nghiên cứu tại trường. Đồng thời, tổ chức cho sinh viên, học viên Việt Nam du học ở nước ngoài theo chương trình liên kết hợp tác đào tạo...
PV: Thưa ông, xin ông cho biết những giải pháp để đạt được những mục tiêu mà chiến lược nhà trường đã đề ra?
TS. Đỗ Quế Lượng: Trường sẽ kiện toàn Ban Giám hiệu, lãnh đạo các Phòng, Khoa, đơn vị trực thuộc theo hướng từng bước trẻ hóa, tinh gọn, có hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; Duy trì, ổn định đội ngũ giảng viên cơ hữu theo quy mô đào tạo, phấn đấu tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ Tiến sĩ; Nâng cao trình độ ngoại ngữ cho tất cả giảng viên, nhất là các giảng viên trẻ với mục tiêu: Giảng viên cơ hữu phải đạt chuẩn theo quy định; Xây dựng cơ chế, chính sách trình Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép trường xét phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư đối với giảng viên cơ hữu có trình độ Tiến sĩ, phong tặng Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân… cho các nhà giáo của trường theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Nâng cao chất lượng cuộc sống của đội ngũ cán bộ giảng viên thông qua việc tạo công việc có thu nhập cao, cải thiện môi trường làm việc, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, tiền lương, thù lao cho người lao động.
Bên cạnh đó, trường tiếp tục nâng cao chất lượng các chương trình, giáo trình đào tạo và các tài liệu học tập, coi đây là những kiến thức cốt lõi, tạo điều kiện để giảng dạy theo tài liệu chính thống và tăng cường tính tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh; Nâng cao chất lượng câu hỏi thi, đề thi kết thúc học phần cho các môn học, tổ chức chặt chẽ các kỳ thi theo nguyên tắc: “Học thật, thi thật” với hệ thống quản lý có hiệu quả kết quả thi và kết quả học tập của sinh viên; Bảo đảm chất lượng giáo dục theo 25 tiêu chuẩn và 111 tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Đồng thời, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên, khuyến khích và động viên mọi người tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao chất lượng đào tạo; Tranh thủ các dự án của các tổ chức trong và ngoài nước để tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; Giao đề tài và xác định số giờ nghiên cứu hàng năm cho giảng viên. Hàng năm, trường dành một khoản kinh phí xứng đáng cho nghiên cứu khoa học (khoảng 2% tổng thu) để khuyến khích cán bộ, giảng viên nghiên cứu khoa học, hỗ trợ cho sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Trường xác định là đơn vị tự chủ về tài chính, đảm bảo cân đối thu chi, có tích lũy, có dự phòng rủi ro, chủ động giải quyết khi có khó khăn về tài chính, phấn đấu, đề ra các giải pháp để tăng thêm nguồn thu cho trường, quản lý hoạt động thu chi hiệu quả, hợp lý. Đối với 03 cơ sở của trường sử dụng theo hướng ổn định, có đầu tư nâng cấp và sử dụng có hiệu quả, đồng thời, đầu tư các phòng thực hành, thí nghiệm phục vụ đào tạo, nhất là đối với khối công nghệ và sức khỏe; Hoàn thiện Phòng khám bệnh đa khoa Phúc An tiến tới xây dựng bệnh viện thực hành của trường với quy mô phù hợp cho công tác đào tạo thực hành của khối sức khỏe và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh phục vụ sức khỏe cộng đồng.
PV: Được biết trong năm 2018, lượng thí sinh đăng ký dự tuyển và trúng tuyển vào trường tăng mạnh, cùng với đó là trường được phép mở thêm một số mã ngành đào tạo, trong đó có Răng Hàm Mặt, Điều dưỡng, Kinh tế, Quản lý công trình và đô thị. Việc mở rộng quy mô đào tạo có phải là mục tiêu chính của trường không, thưa Phó Hiệu trưởng?
TS. Đỗ Quế Lượng: Như phần đầu tôi đã nói trong Chiến lược đào tạo của nhà trường là nâng cao quy mô, phát triển ngành nghề, giữ vững các ngành nghề truyền thống. Mỗi năm, nhà trường dự kiến tăng 7-8% quy mô tuyển sinh. Tuy nhiên, mục tiêu chính của nhà trường vẫn là nâng cao chất lượng đào tạo. Với các ngành khó tuyển và truyền thống, trường sẽ đào tạo theo hướng chất lượng cao, liên kết đào tạo bằng tiếng Anh để thu hút thí sinh.
PV: Với cương vị là Phó Hiệu trưởng thường trực, Ông mong muốn cho mọi người thấy một Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội như thế nào trong tương lai?
TS. Đỗ Quế Lượng: Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đạt được nhiều thành tích và cũng trải qua nhiều biến động thăng trầm. Hội đồng quản trị, Ban Giám hiệu muốn mọi người thấy rằng thế hệ hiện nay luôn đoàn kết, phấn đấu vì sự nghiệp chung, vì sự nghiệp “trồng người”, thấy một Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã lớn mạnh và trở thành một trường đại học uy tín, có đầy đủ điều kiện cho đào tạo một thế hệ tri thức chất lượng cao.
PV: Nhân dịp đầu xuân năm mới Kỷ Hợi 2019, Phó Hiệu trưởng có thể gửi đôi lời chia sẻ với tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên, sinh viên và học viên của nhà trường không?
TS. Đỗ Quế Lượng: Thay mặt Hội đồng quản trị, Ban Giám hiệu và Đảng ủy nhà trường, tôi xin gửi tới toàn thể các thầy cô giáo, công nhân viên, học viên và sinh viên lời chúc sức khỏe, vạn sự như ý, an khang thịnh vượng và mong muốn sẽ có một năm gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong năm 2019. Hãy phát huy truyền thống đoàn kết và đoàn kết hơn nữa để xây dựng và phát triển Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có uy tín cao và là một địa chỉ tin cậy trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam.